Thẩm quyền xét xử, giám đốc thẩm, tái thẩm theo Bộ luật Tố tụng dân sự
TAND Tối cao quán triệt quy định mới về thẩm quyền của tòa án khu vực, cấp tỉnh và tối cao theo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi.
TAND Tối cao vừa ban hành Công văn số 253 ngày 9-7-2025, quán triệt thực hiện các quy định mới của luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Trong đó, TAND Tối cao nhấn mạnh một số quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) về thẩm quyền xét xử, giám đốc thẩm, tái thẩm của ba cấp tòa: tòa án khu vực, tòa án cấp tỉnh và tòa án tối cao.
TAND khu vực
TAND khu vực có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, trừ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Tòa Sở hữu trí tuệ TAND khu vực 2 - Hà Nội và Tòa Sở hữu trí tuệ TAND khu vực 1 - TP.HCM có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.
Bổ sung quy định Chánh án TAND khu vực có thẩm quyền kiến nghị Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc Chánh án TAND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có căn cứ theo quy định của luật.

Trụ sở chính của TAND TP.HCM: Số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, TP.HCM. Ảnh: SONG MAI
TAND cấp tỉnh
TAND cấp tỉnh có thẩm quyền: Phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực nhưng bị kháng nghị theo quy định của luật; Tòa Kinh tế TAND TP Hà Nội, Tòa Kinh tế TAND TP Đà Nẵng và Tòa Kinh tế TAND TP.HCM có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
Tòa Kinh tế TAND TP Hà Nội và Tòa Kinh tế TAND TP.HCM có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại, dân sự về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
TAND cấp tỉnh mà các bên đã có thỏa thuận lựa chọn theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại trước ngày 1-7-2025 có thẩm quyền giải quyết đối với hoạt động trọng tài.
Bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh theo hướng: Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh; phiên tòa xét xử phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thẩm phán biểu quyết tán thành.
Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền: Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ; Xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị; Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các TAND khu vực trong cùng một tỉnh, thành phố; Quyết định thay đổi Thẩm phán là Chánh án TAND khu vực trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
TAND Tối cao
Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của TAND Tối cao theo hướng: Giám đốc thẩm, tái thẩm toàn bộ vụ án trong trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự cùng thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp tỉnh và TAND Tối cao; Xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị.
Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo hướng: Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành;
Toàn thể Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án;
Phiên tòa xét xử của toàn thể Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.
Thẩm quyền của Chánh án TAND Tối cao
Chánh án TAND Tối cao có thẩm quyền: Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh và bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao;
Xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị;
Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các TAND khu vực thuộc các tỉnh, thành phố khác nhau; Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các TAND cấp tỉnh; Thay đổi Thẩm phán là Chánh án TAND cấp tỉnh trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.