Thăm thẳm bóng cau
Có hàng cau biếc có đê thả diều.
Bên hiên cô gái yêu kiều.
Đem tơ vàng thắm hong nhiều gió thơ”…
Một sớm hè thong thả, có dịp dạo bước ngắm những hàng cau xanh mướt tỏa bóng giữa những xóm làng rộng dài mênh mông của vùng quê biển Hải Hậu bỗng cảm thấy bình yên đến lạ. Chắt chiu chỗ đất mềm, “nạc” đầu ngõ, ven đường làng, người dân quê không tiếc công sức trồng, chăm bẵm những hàng cau. Để làng quê hôm nay xanh mát bóng cau, tươi tốt những giàn trầu, tô thắm vẻ đẹp quê hương.
Từ xưa đến nay, cau là loài cây quen thuộc được nhiều gia đình nông thôn ở huyện Hải Hậu chọn trồng trước hiên, trong vườn nhà, ngoài cổng làng. Để nhiều làng, xã trong huyện có những hàng cau dài, thẳng tắp đẹp đến… nao lòng. Những hàng cau, vườn cau xanh mướt đã tạo nên nét độc đáo, “đặc sản” cho các xóm thôn ở các xã Hải Đường, Hải Trung, Hải Vân, Hải Nam... Theo những hộ trồng cau lâu năm Hải Hậu, ban đầu người dân trồng cau với mục đích lấy quả dùng để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên hay để đi lễ đình, chùa. Trong sinh hoạt hàng ngày, trước kia, cau còn được dùng để ăn cùng với lá trầu, vôi, vỏ cây chay, để tiếp khách "miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nhà có đám hiếu, hỷ trên bàn bao giờ cũng có chén nước, đĩa cau trầu mời khách khi mọi người đến chung vui hay chia buồn cùng thân chủ. Đặc biệt, theo phong tục của người Việt Nam, buồng cau là sính lễ đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong tráp nhà trai mang tới nhà gái trong đám hỏi, đám cưới.
Bà Ngô Thị Đoan, xóm 2, xã Hải Vân có gần chục năm gắn bó với nghề trồng cau, hiện vườn bà có trên 30 cây cau. Theo bà Đoan, 3 năm sau khi trồng, nếu được chăm sóc tốt cau sẽ cho thu hoạch. Lý do bà Đoan và nhiều người dân trong xã chọn trồng cau là bởi cây có “ngoại hình” đẹp, chịu được gió bão, tạo tầm nhìn thoáng mát, làm đẹp cảnh quan cho từng ngôi nhà, làng xã. Không những vậy, cau còn rất hợp thổ nhưỡng nơi đây, phát triển nhanh, buồng quả đẹp, ngon; trồng cau lại ít sâu bệnh, tốn ít đất, không tỏa rợp bóng nên có thể trồng thêm các loại cây khác trong vườn... 2 năm trước, khi cau được giá, mỗi vụ bà Đoan xuất bán khoảng vài tạ cau tươi với giá 50-60 nghìn đồng/kg. Hiện tại giá cau giảm còn khoảng 15 nghìn đồng/kg. “Giá cau xuống thấp, nhưng tôi cũng không thấy buồn lắm bởi xác định, trồng cau cho mát, đẹp nhà là chính. Hơn nữa, giá cả lên xuống bấp bênh cũng là chuyện thường tình. Vụ này xuống, vụ sau biết đâu lại bán được với giá cao”, bà Đoan vui vẻ.
Rời Hải Vân, chúng tôi đến xóm 3, xã Hải Nam gặp bà Nguyễn Thị Vân. Ngoài 80 tuổi, bà Vân đã có trên 60 năm gắn bó với cây cau, nghiệp trồng cau. Theo bà Vân, trước đây, làng trên, xóm dưới quê bà nhà ai cũng trồng ít nhất 1 cây cau cạnh bờ ao. Nhiều nhà trong làng trồng cau không quên thả thêm vài cây trầu cho leo lên thân cau. “Thời chúng tôi, ai cũng ăn trầu nên nhà nhà trồng cau, người người trồng cau. Gia đình tôi còn dùng cau làm vị thuốc ngâm rượu để chữa bệnh sâu răng. Có những thời điểm nhà tôi phải trồng đến hàng chục cây cau”. Giữ được nếp xưa, không chỉ gia đình bà Vân mà nhiều hộ gia đình khác ở Hải Nam cũng đang trồng cau. Nhà ít thì 1, 2 cây, nhà nhiều có thể lên đến vài chục cây.
Chạy dọc dài theo những con đường làng quanh co được bê tông phẳng nhẵn ở Hải Hậu, khách phương xa ngạc nhiên lẫn thích thú khi bắt gặp nhiều hàng cau, vườn cau cao vút, thẳng tắp, lá xanh biếc vươn mình đón nắng. Đời này qua đời khác, dưới bàn tay cấy trồng, chăm bẵm của người dân nơi đây, những hàng cau, vườn cau đang được “nhân rộng” trong toàn huyện. Để cứ thế, cau không chỉ làm đẹp cho mỗi vùng quê, mang lại giá trị kinh tế đáng kể mà còn đang góp phần lưu giữ không gian thanh bình, yên ả cho các làng mạc, xóm thôn./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh
Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/multimedia/202407/tham-tham-bong-cau-e5e335b/