Thẩm thấu giá trị của hòa bình

LTS: 50 năm kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng nghĩ về hòa bình và giá trị của hòa bình để thấy mình may mắn khi được là công dân một quốc gia bình yên bậc nhất.

Bản chất của hòa bình

10 năm trước, trong một chuyến công tác Myanmar, tôi có làm quen với một người bạn cũng làm báo, và giữ liên lạc khá lâu sau đó.

Bức ảnh: "Mẹ con ngày gặp lại" của tác giả Lâm Hồng Long, chụp ngày 6/5/1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu ghi lại khoảnh khắc người mẹ gặp lại con trai sau ngày miền Nam giải phóng. Bức ảnh trở thành biểu tượng của ngày thống nhất đất nước.

Bức ảnh: "Mẹ con ngày gặp lại" của tác giả Lâm Hồng Long, chụp ngày 6/5/1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu ghi lại khoảnh khắc người mẹ gặp lại con trai sau ngày miền Nam giải phóng. Bức ảnh trở thành biểu tượng của ngày thống nhất đất nước.

Đấy là thời điểm mà đảng NLD của bà Aung San Suu Kiy vừa lên nắm quyền, được kỳ vọng là sẽ chấm dứt được cuộc xung đột sắc tộc lẫn ý thức hệ kéo dài hàng chục năm ở đất nước này.

Người bạn tôi ca ngợi Tổng thống Thein Sein, người đóng vai trò then chốt trong cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm và hòa bình ấy. Là một nhà báo, anh càng cảm kích sâu sắc vì các tiếng nói ở Myanmar có thể hòa hợp. "Thật may, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được hòa bình", anh nói với tôi.

Hơn một thập niên sau, khi hay tin bà Aung San Suu Kiy bị bắt và nội chiến lại nổ ra, tôi chat hỏi thăm anh. Anh chia sẻ rằng mình đang phải sống trong một điều kiện tồi tệ ở vùng xung đột, và lần này, cảm thán với tôi: "Bản chất của hòa bình là mong manh, bạn à".

Câu chat đó làm tôi, một người chưa bao giờ có ý niệm gì về chiến tranh, phải giật mình. Tưởng tượng lại bầu không khí tích cực cách đây hơn 10 năm, có lẽ không một ai cho rằng xung đột sẽ quay lại Myanmar. Nhưng rồi nó vẫn quay lại, đột ngột và dữ dội, như thể những nỗ lực của 10 năm chỉ là làn gió thoảng.

Đấy là khoảnh khắc tôi hiểu rằng duy trì hòa bình là một nỗ lực mà nếu chỉ lơi lỏng một chút, mọi thứ có thể tồi tệ đi rất nhanh. Những gì chúng ta đang có hiện tại không phải là may mắn hay ngẫu nhiên, mà nó có thể là kết quả của muôn vàn những khoảnh khắc âm thầm/nóng bỏng đã diễn ra trên một bàn đàm phán, hoặc một đối sách ngoại giao, tình báo nào đó.

Năm 2022, thế giới kỷ niệm tròn 6 thập niên sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba. Các nhà nghiên cứu sử học sau này đều nhất trí rằng đây là thời điểm nhân loại đã tiến gần nhất đến sự tự hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân.

13 ngày cân não kết thúc sau những cuộc đàm phán bí mật và quả bom được tháo ngòi: Liên Xô rút quân đội và vũ khí hạt nhân khỏi Cuba; đổi lại, Mỹ từ bỏ kế hoạch chiếm Cuba, cũng như rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Đó là một trong vài sự kiện mà thế giới từng bị đẩy đến bờ vực chiến tranh mà chúng ta biết, trong vô vàn những sự kiện bí mật khác có thể đã âm thầm kết thúc trong bóng tối, trên con đường lặng lẽ nhưng chông gai của việc duy trì hòa bình.

Năm 1795, triết gia vĩ đại Emmanuel Kant có viết một đề xuất có tính cách mạng mang tên "Về hòa bình vĩnh cửu". Ông cho rằng các quốc gia có thể duy trì hòa bình lâu dài thông qua các cơ chế chính trị, ngoại giao và luật pháp quốc tế.

Lý thuyết này được củng cố bởi các nghiên cứu hiện đại, chẳng hạn như công trình của Dean Babst năm 1972, cho thấy không có cuộc chiến nào giữa các chính phủ được bầu cử từ năm 1789 đến 1914. Từ đó đến nay, các nghiên cứu này đã tạo xương sống cho một nền hòa bình bền vững, với các tổ chức lớn như Liên hợp quốc, EU hay ASEAN v.v...

Nhưng những gì đã và đang diễn ra trên thế giới cho thấy bản chất của hòa bình sẽ luôn là mong manh: nó có thể chấm dứt bất cứ lúc nào. Nó không đương nhiên hiện diện. Ngay cả vào thời điểm này, khi lý thuyết về hòa bình của Kant đã tạo ra những thiết chế duy trì và bảo dưỡng nó thường xuyên, thì mầm mống của chiến tranh vẫn âm ỉ đâu đó.

Khi ngày 30/4 tới gần, tôi không chỉ nghĩ về nó như một cột mốc của quá khứ, rằng chúng ta đã thống nhất đất nước ra sao. Tôi nghĩ về nó như một dấu mốc tiến về phía tương lai: chúng ta đã duy trì hòa bình được nửa thế kỷ trong bối cảnh hầu hết là phức tạp và nhạy cảm, và điều này, bản thân nó đã là một thứ đáng tự hào.

Trước đây, tôi có thể cảm thấy phẫn nộ sau khi đọc một tin tức liên quan đến chủ quyền của Việt Nam, và tự hỏi rằng tại sao chúng ta không thể đáp trả mạnh mẽ hơn, ít nhất bằng lời nói và các tuyên bố có tính chất sâu cay hơn.

Nhưng có thể là tôi đã sinh ra và lớn lên giữa hòa bình đủ lâu để nghĩ rằng khung cảnh thanh bình hiện tại đương nhiên mà có, không cần nhiều nỗ lực. Trái lại là đằng khác. Ngay cả việc mềm mỏng trong một tuyên bố sau khi bị khiêu khích, bản thân nó đã là một nỗ lực duy trì hòa bình.

Vì bản chất của hòa bình là mong manh. Giành được độc lập và thống nhất đất nước không tự nhiên mà có. Và giữ được hòa bình cũng thế.

Phạm An

Bay lên nào, em bay lên nào

Thế hệ sinh ra sau 1975 may mắn không phải nếm trải những đau thương của chiến tranh nên có thể nhận định về giá trị của hòa bình ở thế hệ này sẽ rất khác so với thế hệ đi trước. Và những thế hệ mới, được gọi là 9x hay GenZ sau này, chắc chắn cũng sẽ có nhận định về giá trị hòa bình rất khác. Nhưng dù có khác nhau đến mức nào đi nữa, tiếng nói chung vẫn là trân trọng hạnh phúc chung quý giá ấy. Điều đó đã và vẫn được thể hiện qua rất nhiều chia sẻ trên mạng xã hội suốt nhiều năm qua.

Với tôi, một người sinh ra ở nửa sau của thập niên 70 thế kỷ trước, chiến tranh chỉ là những câu chuyện kể. Đó là những câu chuyện kể của cha mẹ về nỗi sợ những năm 1979; những câu chuyện kể về những năm tháng luồn rừng của ông ngoại, một người đi suốt cuộc đời trong màu áo lính, từ chống Pháp cho tới chống Mỹ; những câu chuyện kể của bác ruột đầy nước mắt xót xa về những người lính cắm chốt phía Bắc thập niên 80, người từng là trợ lý của Trung tướng Nguyễn Thế Bôn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Khái niệm chiến tranh với tôi chỉ là những thước phim mà thôi. Nhưng dù mơ hồ về chiến tranh đến mấy, tôi vẫn hiểu, tính ước lệ của điện ảnh không thể nào và không bao giờ thể hiện được cái khốc liệt thực sự của chiến tranh là gì.

Dân số Việt Nam hôm nay đa số là những người trẻ, sinh ra trong hòa bình, nên có lẽ với họ, chiến tranh cũng chỉ mơ hồ như hình dung của tôi. Chiến tranh là gì nhỉ? Ít khi chúng ta đặt ra câu hỏi ấy, nhất là khi ta được sống bình yên như thế này. Nhưng hãy thử nhìn xem những gì mới vừa xảy ra hôm nay, chúng ta sẽ nhận ra chiến tranh tàn khốc đến mức nào.

Cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi ông Donald Trump nhậm chức đã kéo theo rất nhiều hệ lụy toàn cầu. Những quốc gia không hề đối đầu và chưa bao giờ có ý định đối đầu với nước Mỹ trong thương mại như Việt Nam cũng bị liên lụy với các quyết định áp thuế được xem là rất nặng nề của ông Trump. Thị trường chứng khoán toàn cầu gần như "đột quỵ" và rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mất rất nhiều tài sản đầu tư chỉ sau một quyết sách của ông Trump. Giá vàng vọt lên nhanh một cách lịch sử. Các đơn hàng gia công phải tạm đình lại. Nỗi lo lắng bao trùm. Đơn giản, hãy hình dung nếu ta là một nhân viên của một doanh nghiệp mà hoạt động cơ bản là xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chúng ta sẽ nhìn nhận cuộc thương chiến đang căng thẳng hiện nay như thế nào? Nếu leo thang, rủi ro có thể là cắt giảm việc làm và trước mặt chúng ta là một tương lai bất định.

Và đó mới chỉ là chiến tranh thương mại, thứ chỉ mang lại hậu quả cho chúng ta về mặt mưu sinh đơn thuần. Ăn bớt ngon lại một chút; chi tiêu cắt giảm đi nhiều mục; thậm chí có thể bán bớt các tài sản cần thiết đi…, con người vẫn có thể chống chọi với cuộc chiến tranh thương mại theo cách này hoặc cách khác để sống sót. Còn chiến tranh quân sự thì không như vậy. Đó là khi con người ta không còn coi những nhu cầu cơ bản đơn thuần là quan trọng nữa mà phải đối diện lằn ranh mong manh giữa sống và chết. Đó không chỉ là cái sống-chết của cá nhân mình, mà còn là nỗi lo trĩu nặng với tất cả những người thân nhất của mình. Chính vì thế, khi những thước phim tư liệu kể lại những mất mát đau thương của cả một thời kỳ kháng chiến gian khổ được chiếu lại trên truyền hình, đã không ít người phải rơi nước mắt bởi nỗi đau luôn vượt quá hình dung của họ.

Gần đây, nhiều người trong chúng ta đang thấy vô cùng háo hức với dự án đường sắt cao tốc sẽ được bắt tay vào xây dựng nay mai. Chúng ta tưởng tượng ra viễn cảnh một ngày nào đó, một người có thể sống ở Nha Trang nhưng vẫn có thể làm việc ở TP Hồ Chí Minh nhờ vào tốc độ và sự tiện lợi của tuyến đường sắt đó. Nhưng có khi nào chúng ta đặt ra câu hỏi rằng nếu như dân tộc chúng ta không bị đặt vào một hoàn cảnh phải chống lại ngoại xâm kéo dài như vậy, có khi nào tuyến đường sắt ấy đã tồn tại từ lâu rồi? Đó chính là một trong số rất nhiều hậu quả kéo dài của chiến tranh. Chỉ có hòa bình mới mang lại cơ hội để con người ta xây dựng cuộc sống một cách tốt hơn mỗi ngày. Dễ hiểu, khi được sống trong hòa bình, mọi năng lượng vốn dĩ phải dồn vào cho sinh tồn đã được dồn vào cho những câu chuyện của tương lai. Dưới bom đạn, tương lai nhiều khi đơn giản chỉ là ngày mai ta còn sống hay không. Còn trong hòa bình, tương lai có thể là những toan tính trăm năm.

Ông ngoại tôi trở về sau hai cuộc kháng chiến mà không thể nào cho tôi có được một người cậu hoặc một người dì. Mẹ tôi là người con duy nhất và mẹ phải xa ông từ khi mẹ mới chào đời. Trên cơ thể ông vẫn còn vết đạn, cái vết đạn mà thỉnh thoảng tôi vẫn hay nghịch từ ngày còn nhỏ. Khu vườn bé bé của ông bà ở Đà Nẵng cũng làm tôi nhớ về hình dung của mình về chiến tranh là gì. Ngày xưa, tôi vẫn thường bới được những viên đạn ở gần cái gốc ổi trước nhà. Mỗi một viên đạn bới được sẽ luôn đồng hành với một câu chuyện ông ngoại kể về một thời khốc liệt. Nhưng gia đình tôi còn may mắn khi ông còn có thể trở về ngày hòa bình lập lại. Rất nhiều gia đình khác không có được may mắn ấy. Thậm chí, có những gia đình đến tận giờ này vẫn chưa tìm thấy di hài của người thân, những chiến sĩ vẫn còn nằm lại đây đó ở những nơi từng là chiến trường năm xưa.

Thế hệ chúng tôi lớn lên quen với câu hát "Bay lên nào, em bay lên nào", câu hát về một đêm pháo hoa hòa bình rất đẹp. 50 năm đã trôi qua sau cuộc chiến và năm nào chúng ta cũng được chứng kiến những đêm pháo hoa rất đẹp. Thời chiến, không ai bắn pháo hoa cả. Nhưng thời bình, đó là thứ mà chúng ta xem như là nghiễm nhiên phải có ở mỗi dịp lễ tết. Để có những đêm "bay lên nào" như thế, đã có những đau thương, mất mát không cách nào có thể bay đi khỏi lòng người ở lại.

Trên mạng xã hội mấy ngày gần đây có những video cho thấy đời sống hôm nay hạnh phúc nhường nào. Một trong những video như thế là cảnh người dân TP Hồ Chí Minh, đa số là những người trẻ, tập trung ở bến Bạch Đằng xem khẩu đội đại bác nghi lễ tập dượt cho ngày đại lễ. Mỗi loạt đại bác vang lên, những tiếng reo hò ồ lên hân hoan. Tiếng đại bác giữa thời bình mang lại những háo hức rất lớn nhưng nếu chúng ta đặt câu hỏi cho một ai đó ở thế hệ cha ông mình về cảm nhận của họ về tiếng đại bác, chúng ta sẽ hiểu rằng nỗi ám ảnh chiến tranh dai dẳng đến mức nào.

Khi được "bay lên nào, em bay lên nào", ta hãy trân trọng những gì ta đang có. Đất nước chúng ta có thể còn chưa bằng nơi này, nơi nọ nhưng sự bình yên thì có lẽ không nơi nào sánh bằng. Và khi được sống trong hòa bình, ta cũng nên phải xứng với hòa bình bằng cách nhận thức được mình cần phải làm gì, dù nhỏ thôi, để có thể góp một phần duy trì hòa bình ấy cho thế hệ kế tiếp được bay lên đúng nghĩa.

Hà Quang Minh

Sự hy sinh của người lưu giữ ký ức

Người bạn đạo diễn gọi tôi, nhờ liên hệ nhân vật cho bộ phim tài liệu sẽ chiếu nhân dịp 30/4. Tôi bảo, tôi không muốn làm lại những câu chuyện cũ nữa. Nếu bây giờ làm về chiến tranh, tôi chỉ hy vọng tìm được những câu chuyện còn chưa được khai thác, những số phận chưa được phát hiện, mong giúp ai đó có được chỗ đứng công bằng trong lịch sử. Thực tế, trong suốt đời viết báo của mình, tôi đã tiếp cận như thế: việc của tôi là viết chuyện người ta chưa biết, chứ viết chuyện cũ làm gì nữa.

Nhưng cô vẫn muốn gặp lại những nhân vật cũ. Đó là những nhân chứng đã xuất hiện nhiều lần trên báo chí trong suốt 50 năm qua. Những nạn nhân của đợt bom B52 trút xuống Hà Nội trong mùa Đông năm 1972, những biểu tượng ý chí kiên cường của người dân Thủ đô, và tất nhiên, là biểu tượng của nỗi đau.

Cuối cùng tôi vẫn nhận lời hỗ trợ. Một phần vì phim của cô sẽ chiếu ở nước ngoài, một kênh truyền hình uy tín của các quốc gia Ảrập. Có nhiều khán giả trên thế giới cần được biết đến lịch sử của đất nước tôi. Kể nếu là kênh truyền hình Mỹ có khi tôi lại không nhận lời: tôi thực sự không thích làm lại các câu chuyện cũ.

Tôi không thích các câu chuyện cũ, bởi chúng bắt nhân chứng phải sống lại nhiều lần cùng một nỗi đau. Với khán giả trẻ, với nhà làm phim hay nhà báo, đó là những câu chuyện cần được kể. Nhưng với nhân vật, đó chỉ thuần túy là một bi kịch cá nhân thôi. Họ được cộng đồng quy ước là một biểu tượng, vì họ đã sống, đã chiến đấu, đã đau nỗi đau của dân tộc và thể hiện phẩm chất kiên cường của dân tộc. Nhưng vì cái quy ước đó mà biến đời họ thành cái bảo tàng mở cửa cho đại chúng, đến mỗi mùa kỷ niệm lại lôi nhau ra phỏng vấn, mong chờ họ vồn vã mời chúng ta vào, rồi giới thiệu bố tôi đã hy sinh thế nào, mẹ tôi đã đau khổ ra sao, kia là quyển sách cháy dở của em trai tôi và chỗ này là nơi gia đình tôi ăn bữa cơm cuối cùng, thực sự là điều khiến tôi không thoải mái.

Nhưng đó là một phần của nghề nghiệp. Chúng tôi vẫn cần các câu chuyện đó, để những người trẻ Việt Nam không quên lịch sử đất nước mình, hay là một người trẻ ở một quốc gia xa xôi biết đến ý nghĩa thực sự của hai chữ "Việt Nam". Chúng ta đã có hòa bình hôm nay, chiến thắng những đế quốc, cũng nhờ vào tình yêu của bạn bè năm châu, từ chính những người dân nước Mỹ cho đến những người dân Bắc Phi, người Palestine, người Cuba ở bên kia địa cầu. Sứ mệnh của chúng tôi là kể lại những câu chuyện đó. Làm nhà báo đôi khi phải chấp nhận "tiêu chuẩn kép" như thế.

Các nhân chứng cũng cảm thấy phiền hà. Một người phụ nữ nói với vị đạo diễn: "Trả lời phỏng vấn có tiền không? Có tiền thì cô làm, chứ không nói lại mãi những chuyện này đâu". Tôi thấy đấy là một tuyên bố rất công bằng: họ vốn đã hy sinh quá nhiều cùng đất nước trong những năm chiến tranh. Chúng tôi là ai để bắt họ hy sinh thêm, gán cho họ cái vai hướng dẫn viên cả đời?

Mà nhất là cái cuộc "tham quan" này lại là tham quan những ký ức đau buồn nhất. Đúng là có một ý nghĩa đấy, có một sứ mệnh trong những câu chuyện này đấy, nhưng sao cứ bắt họ làm mãi? Họ có ăn lương ngồi chờ "được lên TV" đâu. Họ cũng đã vất vả lắm, để gây dựng lại Huế, Hà Nội, Sài Gòn, cũng phải lao động miệt mài với vai trò riêng, vượt qua bao nhiêu thử thách kinh tế, đóng góp cho cộng đồng trong suốt nửa thế kỷ qua rồi cơ mà. Nếu có thứ gì nghiệt ngã hơn việc mất người thân, đó chính là việc phải tái hiện cảnh mất người thân nhiều lần trong đời. Thế mà có những nhân chứng, của những sự kiện lớn (thường là đau buồn nhất) đã phải làm việc đó trước ống kính hàng chục lần.

Cuối cùng, những cuộc phỏng vấn vẫn diễn ra. Cái câu "có tiền thì cô làm" chỉ là lời nói sẵng, thể hiện sự bực mình của một người già đã bước vào tuổi bảy mươi. Nhưng chúng tôi hiểu rằng đó vẫn là một sự hy sinh. Không thể diễn đạt theo một cách nào khác, rằng bắt người ta làm nhân chứng cho nỗi đau của chính mình, suốt nửa thế kỷ, là một cách hy sinh. Họ hiểu, dù có là một người lao động phổ thông, buôn bán, đã ở tuổi gần đất xa trời, dù không diễn đạt được theo cách của một tay nhà báo, họ vẫn hiểu: mình có trách nhiệm kể lại ngày tháng ấy, vì lợi ích của cộng đồng.

Đạo diễn gọi tôi ra bờ hồ Trúc Bạch, đặt máy quay, và trò chuyện về hành trình làm phim của cô. Chúng tôi nói khá lâu, không biết sau này cô biên tập đưa vào phim những gì. Nhưng tôi đã nói: "Người ta có quyền được quên đi chứ". Tôi không thể phủ nhận ý nghĩa của một bộ phim làm về Ngày thống nhất đất nước được, nhưng tôi chỉ muốn nhắc rằng bên cạnh quyền nhớ, người ta có cả quyền quên. Cộng đồng cần nhớ, những mỗi cá nhân có quyền quên: có lẽ họ cũng đã rất vất vả để gạt đi nỗi đau mà sống tiếp, xây dựng gia đình và đất nước.

Có một xung đột ở đó. Và xung đột đó được giải quyết, bằng một sự hy sinh, âm thầm, có thể gọi là "nhỏ bé", nhưng không dễ dàng, của những người được chọn làm nhân chứng.

Khi biên tập viên nói với tôi về chuyên đề "Giá trị của hòa bình", tôi đã nghĩ đến sự hy sinh ấy. Trong những thổn thức của hôm nay khi nghĩ về ngày thống nhất, có một cái giá, bé thôi nếu so với hy sinh của cả dân tộc những ngày tháng ấy, nhưng vẫn cần được gọi tên ra. Khi bạn đọc một câu chuyện trên báo, xem một phỏng vấn xúc động, bạn hãy nhớ rằng ở đó, có một nhân chứng, đang sống lại những nỗi đau lớn nhất cuộc đời. Nhớ như thế, có thể chúng ta sẽ thấy trân trọng hơn từng câu chuyện mình được nghe kể lại.

Đức Hoàng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tham-thau-gia-tri-cua-hoa-binh-i766311/