Thắm tình người nơi đất khó

Cách trung tâm xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng hơn 10km, thôn Phú Thuận hiện có khoảng 240 hộ dân, đa số là đồng bào dân tộc S'tiêng sinh sống. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con nơi đây vẫn cố gắng gìn giữ, phát huy những nét văn hóa đẹp của dân tộc. Nhờ phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng nên có những phận người được hồi sinh, những em bé mồ côi có gia đình để lớn lên…

Chặn đứng hủ tục

Nhiều bà con S’tiêng cho rằng, việc trẻ em mới sinh ra nhưng không may mẹ qua đời thì phải mai táng theo là hủ tục có từ lâu đời. Theo sự phát triển của xã hội, hủ tục này đã không còn nữa. Thế nhưng, người dân thôn Phú Thuận, xã Phú Riềng vẫn không quên câu chuyện cách đây 4 năm, em Điểu Môi Xe bị người thân ruồng rẫy khi mẹ không may qua đời. Nhờ được anh Điểu Giá, người dân thôn Phú Thuận nhận nuôi nên em thoát chết. Anh Điểu Giá kể lại: 4 năm trước, chị Thị Dơi sau khi sinh Điểu Môi Xe được 1 tháng thì qua đời. Do Điểu Môi Xe không được cha thừa nhận nên họ hàng bên nội không nhận nuôi, họ hàng bên ngoại vì xấu hổ cũng xa lánh. Lúc đó, Điểu Môi Xe và chị gái (cùng mẹ khác cha, người cha đã chết) là Thị Hương đều mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có người đề nghị chôn Điểu Môi Xe theo mẹ nhưng tôi và nhiều người khác phản đối kịch liệt. Vì vậy, tôi nhận nuôi 2 chị em Điểu Môi Xe và Thị Hương.

Nhờ sự cưu mang của gia đình anh Điểu Giá, các con đã có một gia đình trọn vẹn

Nhờ sự cưu mang của gia đình anh Điểu Giá, các con đã có một gia đình trọn vẹn

Anh Điểu Giá cho biết thêm: “Lúc đó, có người nói thằng bé là họa, làm xấu họ hàng, dân làng nên chôn nó theo mẹ luôn. Tôi phân tích, làm như vậy là vi phạm pháp luật. Và người thân cháu không nuôi thì tôi nhận nuôi, mọi người sợ xấu hổ thì để cái xấu hổ đó tôi gánh”.

Siêng năng tích lũy thì đủ ăn

Năm 2018, khi nhận nuôi Điểu Môi Xe và Thị Hương, gia đình anh Điểu Giá gặp không ít khó khăn. Bởi anh chị chỉ có nghề cạo mủ cao su và đang nuôi 3 con ruột. Mặt khác, anh Điểu Giá còn gánh một khoản nợ khá lớn trước đó. Chị Thị Duyên - vợ anh Điểu Giá chia sẻ: Lúc bấy giờ, tuy chồng nhận nuôi nhưng trong thâm tâm tôi cũng lưỡng lự. Vì nhà mình đang gặp khó khăn, làm thuê mà nhận nuôi thêm 2 đứa cháu nữa thì không có ai chăm sóc.

Thế nhưng, khi chị Thị Duyên đến nhà Điểu Môi Xe thì những lo lắng, trăn trở đều tan biến. Chị Duyên cho biết: Tôi rơi nước mắt khi thấy tình cảnh của Điểu Môi Xe bị người thân bỏ mặc nên quyết tâm nhận nuôi cháu. Giờ tôi thấy thoải mái, coi tụi nhỏ giống như con ruột. Lúc nó biết nói, tôi đi làm về nó hỏi mẹ đi đâu, bố đi đâu, vắng bố một lúc là nó đòi, chính những điều đó làm vợ chồng tôi vui.

Từng mắc sai lầm do muốn làm giàu nhanh chóng và phải trả giá, vì thế sau khi nhận nuôi 2 chị em Điểu Môi Xe, anh Điểu Giá đã nhận ra rằng, chỉ có siêng năng lao động thì mới đảm bảo cuộc sống gia đình. Từ đó, để có thời gian chăm sóc các con, anh bàn với vợ nghỉ cạo mủ cao su thuê và tập trung mở tiệm tạp hóa buôn bán nhỏ. Nhận thấy nhu cầu của bà con, mấy năm nay vợ chồng anh còn mua xe ôtô, mỗi sáng đi lấy rau, thịt, cá ở chợ huyện về bán cho bà con quanh vùng để cải thiện thu nhập. Nguồn thu hằng ngày từ việc kinh doanh chợ di động, gian hàng tạp hóa cố định tại nhà nên gia đình anh có thu nhập ổn định. Các con của vợ chồng anh Điểu Giá nhờ đó cũng tự lập, biết chủ động phụ giúp cha mẹ việc bán hàng.

Yêu thương nhau cuộc sống sẽ đẹp hơn

Chị Thị Dơi trước đây có chồng là anh ruột của chị Thị Duyên, vợ anh Điểu Giá. Sau khi chồng mất, chị Thị Dơi có qua lại với một người đàn ông khác, tuy nhiên lúc mang thai Điểu Môi Xe thì không được cha của bé công nhận. Chính bởi điều này nên khi anh Điểu Giá nhận nuôi Điểu Môi Xe thì nhiều người đã nghĩ sai lệch về anh, nhưng vì thương 2 chị em Điểu Môi Xe nên anh vượt qua tất cả. Anh Điểu Giá cho biết: Lúc đó, có người nghĩ tôi nuôi các con để nhận số tiền mà mạnh thường quân ủng hộ. Có người còn cho rằng, tôi có quan hệ huyết thống với Điểu Môi Xe. Rồi nhiều người nói nuôi đi sau này lớn lên nó bù đắp, nhưng tôi không nghĩ tới điều đó.

Ở thôn Phú Thuận, trẻ em không may mồ côi được họ hàng, bà con nhận nuôi không chỉ có Điểu Môi Xe, Thị Hương. Và nghĩa cử này rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, khi nghe những câu chuyện về sự bảo vệ con của chị Thị Duyên, tôi càng nể phục chị. Những đứa trẻ như Thị Hương và Điểu Môi Xe khi lớn lên, biết được thân phận mình thường sẽ mặc cảm. Tôi mong rằng, ngoài sự nỗ lực của vợ chồng anh Điểu Giá, sự bao bọc của xã hội thì các con sẽ phát triển và hòa nhập tốt với xã hội.

Chị Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Riềng

Từ khi mẹ mất, Điểu Môi Xe nhận được nhiều tình cảm yêu thương của xã hội. Nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ và tiền, sữa được địa phương hỗ trợ hằng tháng để nuôi em cho đến khi hơn 1 tuổi. Tấm lòng thơm thảo của cộng đồng cùng tình cảm yêu thương, chăm sóc của vợ chồng anh Điểu Giá đã giúp Điểu Môi Xe lớn lên từng ngày. Không chỉ nuôi dưỡng, chị Thị Duyên còn ra sức bảo vệ các con trước những lời bông đùa vô ý của người xung quanh.

“Khi con bị bỏ rơi, tôi nhận về nuôi là để con tin rằng cuộc sống con người luôn có tình cảm yêu thương nhau. Con người ta chỉ được sống một lần thôi, sống sao cho lành mạnh và vui vẻ. Nếu mình siêng năng tích lũy thì sẽ đủ ăn thôi” - anh Điểu Giá chia sẻ.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/133164/tham-tinh-nguoi-noi-dat-kho