Thắm tình quân dân trong mưa bão
Nằm ở điểm đầu cực bắc tỉnh Phú Yên giáp với Bình Định, trong bão số 9, thôn Hòa Lợi thuộc xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên là một trong những địa bàn chịu sức tàn phá không nhỏ của gió bão. Sát cánh cùng nhân dân trong mưa bão, những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Hòa, BĐBP Phú Yên đã cùng với các cấp chính quyền, các lực lượng nhanh chóng triển khai tổng lực, tích cực hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Sát cánh cùng địa bàn
Chúng tôi về thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu sau ngày cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Không như hình ảnh thường gặp về một làng biển sau bão, ngập ngụa rác bẩn, cây cối đổ ngã hoang tàn. Trước mắt chúng tôi, những cung đường bê tông chạy thẳng xuống bến đò đã sạch sẽ, thoáng đãng. Hàng trăm chiếc sõng, ghe thuyền của ngư dân đã được neo đậu xếp sắp trật tự theo dọc bờ kè. Bên những ngôi nhà sát bờ chân sóng, bà con đang giăng chăn màn, quần áo, lưới chài lên phơi phóng. Những chuyến xe liên tục vào, ra chở vật liệu, thức ăn nuôi tôm xuống bến đò tập kết để chuyển qua bè tôm. Nhịp sống yên bình đã nhanh chóng trở lại khiến tôi khó hình dung, một trận cuồng phong xảy ra nơi này mới chỉ hôm qua.
“Hòa Lợi nằm ngoài rìa chứ không trong vùng tâm bão nhưng cơn bão này sức gió quá mạnh, lại kéo dài nhiều giờ nên thôn Hòa Lợi bị ảnh hưởng không nhỏ. Gió bão đánh tốc mái, hư hỏng hàng chục căn nhà, làm sập 3 nhà, quật ngã cả trăm cây dừa, gãy hai trụ điện. Sáng qua, cả con đường này ngập ngụa rác, thân cây, cành lá gãy đổ, cộng thêm phần lưới chài, rác từ biển bị sóng đánh tấp lên. Hai trụ điện đổ xuống kéo cả hệ thống dây điện chằng chịt nằm chắn ngang con đường khiến cả thôn ách tắc, không thể đi lại”- ông Lê Văn Chi, Bí thư chi bộ thôn Hòa Lợi kể.
Cũng theo ông Chi, gió bão vừa giảm, chiều đó, anh em Đồn Biên phòng Xuân Hòa đội áo mưa xuống đường xắn tay cưa chặt cành cây, dọn dẹp ngay mọi thứ. Nhìn bộ đội hùng hục khiêng vác, dọn dẹp dưới mưa, bà con cảm động, hô hào mỗi người chung một tay. Chỉ một buổi chiều cùng góp sức, cả thôn đã thu gom hàng chục tấn rác. Những ngả đường nhanh chóng thông thoáng, giúp mọi người thuận tiện đi lại.
Những ngư dân có mặt ở bến thuyền Hòa Lợi cho chúng tôi biết, có đến ba, bốn chục chiếc sõng thúng và 3 chiếc thuyền nhỏ bị bão đánh chìm, sáng nay được BĐBP giúp tìm kiếm, trục vớt lên. Anh Lê Kim Hạt, người có thuyền chìm, vừa được trục vớt kể, đêm hôm trước bão, sóng biển cao đến 5, 6m, anh mang theo cát phủ tấp lên mái nhà. Bà con nhà ở sát biển đều được đưa đến những ngôi nhà kiên cố trong làng để trú tránh. Mới 3 giờ sáng, gió quăng quật liên hồi, 6 giờ anh chạy ra bến nhìn về đầm thì thấy nhiều sõng thúng, ghe thuyền, có cả chiếc thuyền nhà mình bị bứt neo trôi ra xa. Gió thêm một lúc nữa thì hàng loạt chiếc bị nhấn chìm sâu xuống đầm. Thấy dân sốt ruột, lo lắng, anh em Trạm kiểm soát Biên phòng Hòa Lợi (Đồn Biên phòng Xuân Hòa) ra trấn an, chờ hết bão, đồn Biên phòng sẽ điều cán bộ, chiến sĩ về giúp bà con trục vớt.
Suốt đêm qua, anh Hạt cứ mong trời mau sáng để ra trục vớt thuyền mình lên. Mờ sáng nay, nhìn anh em Biên phòng đã có mặt ở bến, anh và bà con trong làng thấy vững lòng, phấn khởi. Nhờ tập trung được sức lực của quân, dân nên việc trục vớt khá nhanh. Liên tục hết chiếc này đến chiếc khác được kéo lên trong tiếng reo vui của mọi người. “Nhìn chiếc ghe của mình được kéo lên, tui mừng đến muốn khóc. Bởi nếu không còn thuyền thì lấy gì ra biển làm ăn, nuôi vợ con.”- anh Hạt bộc bạch.
“Tấm lá chắn” ở vùng sóng gió
Ngồi cùng người dân Hòa Lợi, tôi còn nghe anh Ngô Văn Ba, chủ một bè tôm ở đầm Cù Mông xúc động nhắc lại câu chuyện của chính mình. Anh cho biết, gia đình có 3 bè tôm ngoài đầm nên, anh đứng ngồi không yên. Khi vừa thấy bớt gió, anh định lén xuống ghe, ra bè cho tôm ăn. Nhưng, vừa bước chân xuống sõng, ra biển, anh bị cán bộ BĐBP ra ngăn giữ lại. “Thực sự vì sốt ruột tôm đói, ban đầu tui cũng bực bội nhưng 30 phút sau, trời lại nồm, gió rất mạnh. Cứ nhìn những đợt gió cuộn lên, hất tung rồi nhấn chìm nhiều thuyền thúng, tôi rùng mình. Cứ nghĩ, trong những hoàn cảnh tương tự, nếu không bị ngăn cản, thật dễ gặp rủi ro. Vậy nên, nói cán bộ, chiến sĩ BĐBP như tấm lá chắn bảo vệ dân, quả không sai”.
Sau nhiều ngày đêm bám địa bàn, ngâm mình trong gió bão, mưa lạnh, sát cánh cùng người dân vượt bão, khuôn mặt của anh em cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Hòa có phần sạm đen hốc hác nhưng nụ cười vẫn không kém tươi tắn. Tâm sự với chúng tôi, Trung úy trẻ Ngô Bá Ngọc, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Hòa Lợi, Đồn Biên phòng Xuân Hòa bộc bạch, “Mừng nhất là trong bão, địa bàn không có người bị tai nạn, thương vong”.
Theo Trung úy Ngọc, người dân trên địa bàn đa phần làm nghề nuôi trồng thủy sản. Vốn liếng thả xuống mỗi lồng bè là tài sản cả gia đình nên họ dễ bất chấp nguy hiểm để bảo vệ. Thấy gió bão vừa ngớt, không ít người muốn dong xuồng ra bè cho tôm ăn. Anh quán triệt cán bộ, chiến sĩ liên tục kiểm tra, canh gác dọc bến bãi, kiên quyết không cho ai ra biển.
“Nhờ bảo vệ được an toàn cho người dân mà sau bão, chúng tôi đã nhanh chóng tập trung sức lực khắc phục những hư hỏng, đổ nát để sớm trở lại cuộc sống thường nhật. Qua mưa bão, mới thấy mình thêm trưởng thành, anh em đơn vị càng được bà con tin yêu, nghĩa tình quân dân thêm gắn kết”- Trung úy Ngọc hạnh phúc chia sẻ.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tham-tinh-quan-dan-trong-mua-bao-post434691.html