Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Sáng 13.3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Thị Mai Phương, Ngô Trung Thành, Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Dự án Luật có nhiều nội dung mới, sửa đổi toàn diện Luật Công chứng hiện hành để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn.

Để phục vụ hoạt động thẩm tra dự án Luật, trước đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tiến hành khảo sát, làm việc với một số cơ quan hữu quan. Năm 2023, Ủy ban đã tổ chức phiên giải trình về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng” và mới đây đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật. Dự kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp

Theo Tờ trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

Tại phiên họp, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng, ghi nhận các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm đầy đủ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các nội dung của dự thảo Luật để xây dựng Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật đầy đủ, bảo đảm phù hợp với các nội dung của dự thảo Luật; bổ sung một số số liệu chứng minh làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách mới; tiếp tục rà soát, bổ sung các dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo, luật hóa tối đa các nội dung dự kiến giao quy định chi tiết đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trong thực tế.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm công chứng viên, độ tuổi hành nghề của công chứng viên, tạm đình chỉ hành nghề, miễn nhiệm công chứng viên; công chứng bản dịch; tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; địa điểm công chứng; công chứng điện tử...

Về mô hình văn phòng công chứng, một số đại biểu cho rằng, quy định văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh như dự thảo Luật là phù hợp, nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị, cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật mô hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu; đánh giá cao Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo đã nỗ lực hoàn thiện hồ sơ dự án Luật rất công phu, kỹ lưỡng. Qua thảo luận cho thấy vẫn còn một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tới. Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tích cực phối hợp với Thường trực các Ủy ban và cơ quan hữu quan để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tham-tra-so-bo-du-an-luat-cong-chung-sua-doi-i362760/