Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Chiều 11.9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Quốc phòng…

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay, cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực động viên công nghiệp là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003.

Thời gian qua, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 và nhiều luật, nghị quyết có tác động đến công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như: Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018…, do đó, đòi hỏi phải xây dựng dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để điều chỉnh những quy định về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên trước mắt và lâu dài.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Ngoài ra, nhằm phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên trong bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên và gắn với phương thức tác chiến của quân đội, nhiệm vụ của công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu…

Nội dung dự án Luật tập trung vào 5 chính sách nổi bật gồm, Chính sách 1: Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chính sách 2: Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chính sách 3: Thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chính sách 4: Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chính sách 5: Bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (năm 2008), 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (năm 2003) và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay. Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc xây dựng Luật nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt cũng như lâu dài trên cơ sở phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tình hình an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng, sự chống phá của các thế lực thù địch. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Các đại biểu phát biểu

Các đại biểu phát biểu

Các đại biểu phát biểu

Các đại biểu phát biểu

Một số ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng từng luật, pháp lệnh có liên quan, trong đó có những dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để xác định cụ thể các nội dung nào chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột và đề xuất phương án xử lý để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi. Rà soát các quy định chuyển tiếp giữa Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và Pháp lệnh Động viên công nghiệp để tránh có khoảng trống pháp lý trong triển khai thực hiện Luật.

Tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận về các nội dung của dự án Luật, như: quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh; nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh…

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới ghi nhận những ý kiến xác đáng, chất lượng và đầy trách nhiệm của các đại biểu tham gia; nêu rõ, các ý kiến sẽ là nguồn thông tin, nội dung quan trọng để Ban Soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Luật, Báo cáo thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 26 tới đây.

Tin và ảnh: Trung Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tham-tra-so-bo-du-an-luat-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-va-dong-vien-cong-nghiep-i342619/