Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Ngày 10-4, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Phiên họp mở rộng, thẩm tra đề nghị xây dựng và thẩm tra sơ bộ dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến ý của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an báo cáo, tiếp thu, giải trình nghiêm túc và đề xuất phương hướng tiếp theo đối với dự án luật.

Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm bổ sung những thiếu hụt về chính sách an toàn giao thông; bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; bổ sung những thiếu hụt về chính sách vận tải đường bộ; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về kết cấu và về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 61 điều.

 Phiên họp mở rộng, thẩm tra đề nghị xây dựng và thẩm tra sơ bộ dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phiên họp mở rộng, thẩm tra đề nghị xây dựng và thẩm tra sơ bộ dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng và thẩm tra sơ bộ nội dung dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bởi sau gần 15 năm thực hiện nhiều quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, đặc biệt là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến nhấn mạnh, thực tiễn trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, nhất là ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân chưa cao; tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo thống kê, từ năm 2009 tới 1-2023, toàn quốc đã xảy ra hơn 379.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124.000 người, bị thương hơn 367.000 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội kết luận phiên họp.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội kết luận phiên họp.

Một số ý kiến cũng cho rằng, việc tách Luật Giao thông đường bộ thành dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, các ý kiến đề xuất cần rà soát kỹ lưỡng phạm vi, nội dung điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để bảo đảm sự thống nhất giữa hai luật này, không để chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Đồng thời, phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách.

Phát biểu kết luận phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới đánh giá cao Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Trên cơ sở đó, Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị, Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình tất cả ý kiến của các đại biểu để bổ sung, làm rõ về sự cần thiết để tăng thêm tính thuyết phục; rà soát lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp... bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tham-tra-so-bo-du-an-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-724511