Tham vấn chính sách để loại bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ

Phát biểu giải trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trong phiên họp toàn thể tại hội trường theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, một trong 3 mục đích của quy định tham vấn chính sách là nhằm loại bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm tới quy định hoàn toàn mới là tham vấn chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Giải trình toàn diện về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, tham vấn chính sách đóng vai trò rất quan trọng, là cơ sở để quy phạm hóa chính sách. Chất lượng chính sách sẽ quyết định đến chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tham vấn chính sách cũng là một quy định mới của dự thảo luật so với luật hiện hành.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh giải trình về quy định tham vấn chính sách trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh giải trình về quy định tham vấn chính sách trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, việc bổ sung các quy định về tham vấn chính sách là rất cần thiết nhằm 3 mục đích.

Một là để thể chế hóa ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và của đồng chí Tổng Bí thư về việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; chính sách phải cụ thể, rõ ràng; đánh giá tác động phải thực chất.

Bên cạnh các hình thức lấy ý kiến góp ý đã được quy định trong luật hiện hành, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, cần phải có những hình thức khác để bảo đảm tính kịp thời, khả thi, dân chủ, khoa học, chuyên nghiệp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Hai là để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay trong quy trình xây dựng pháp luật. Hiện nay quy trình xây dựng chính sách đang lồng ghép với quy trình lập, đề nghị xây dựng chương trình lập pháp dẫn đến việc xây dựng chính sách chưa được quan tâm đúng mức, đôi khi còn hình thức; chính sách chưa cụ thể, còn chung chung; đánh giá tác động thiếu thực chất.

Ba là để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp cận “từ sớm, từ xa” đối với các chính sách do Chính phủ quyết định.

Về phân biệt giữa tham vấn chính sách và lấy ý kiến góp ý, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm của một số nước, nhiều nước đã sử dụng thuật ngữ “tham vấn chính sách”, bản chất của tham vấn chính sách cũng là việc lấy ý kiến.

Tuy nhiên, có sự khác biệt về đối tượng, nội dung, phương thức tùy thuộc vào từng hệ thống pháp luật và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của từng nước.

Đối tượng lấy ý kiến rộng hơn, đa dạng hơn, như đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ; các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Còn đối tượng tham vấn thì tập trung hơn. Dự thảo luật quy định Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ, quản lý ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nội dung chính sách cần tham vấn. Đây là các cơ quan có thẩm quyền được giao quyết định chính sách và tham mưu quyết định dự án luật. Do đó, muốn chính sách thực chất thì cần phải tham vấn các đối tượng này để tìm kiếm sự phản biện, làm cơ sở cho việc hoàn thiện và tạo sự đồng thuận đối với chính sách, làm cơ sở cho việc soạn thảo dự luật sau này.

Về nội dung, việc lấy ý kiến thông thường là lấy ý kiến toàn văn đối với hồ sơ chính sách và hồ sơ dự thảo. Còn nội dung tham vấn có trọng tâm, trọng điểm hơn, thông thường là một đến một vài chính sách có gắn kết trực tiếp giữa nội dung chính sách với chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của các cơ quan được tham vấn.

Ví dụ như bộ A dự kiến có 6 chính sách, mà chính sách liên quan đến bộ B thì người đứng đầu hoặc cấp phó người đứng đầu của bộ A đề xuất chính sách phải gặp trực tiếp, tổ chức hội nghị trực tiếp với lãnh đạo của bộ B để tìm kiếm sự đồng thuận và tìm kiếm giải pháp khả thi cho chính sách, làm cơ sở cho Chính phủ quyết định chính sách.

Tham vấn chính sách đối với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo hướng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội có quyền được mời các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, các nhà khoa học, các chuyên gia, các hiệp hội đến để phản biện chính sách do cơ quan đề xuất chính sách thuyết trình để tìm kiếm sự đồng thuận cũng như phản biện, tạo sự khả thi trong chính sách trong cuộc sống sau này.

Về phương thức, lấy ý kiến bằng rất nhiều phương thức khác nhau, như đăng tải hoặc lấy ý kiến bằng văn bản, bằng hội thảo, tọa đàm. Phương thức lấy ý kiến không có sự trao đổi, đối thoại, phản biện một cách trực tiếp và qua lại giữa cơ quan lấy ý kiến và đối tượng được lấy ý kiến. Còn tham vấn chính sách là thông qua phương thức trực tiếp tổ chức hội nghị tham vấn, có sự trao đổi, đối thoại, phản biện trực tiếp giữa cơ quan tham vấn và đối tượng được tham vấn tạo thành sự thực chất trong việc xây dựng chính sách.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tham-van-chinh-sach-de-loai-bo-loi-ich-nhom-loi-ich-cuc-bo-815584