Bổ sung việc phản biện của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng chính sách

Chiều 13.2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Góp phần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật

Đa số ĐBQH tán thành với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cho rằng, dự thảo Luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể là xây dựng luật ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề mang tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên, thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành.

Nhiều ý kiến bày tỏ tin tưởng, với nhiều quy định mới trong dự thảo Luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian tới.

 ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, việc lược bỏ quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã rất phù hợp với thực tế. Bởi hiện nay, mặc dù được trao quyền trong luật, nhưng hầu hết chính quyền cấp xã rất ít ban hành văn bản quy phạm, thậm chí nhiều địa phương, chính quyền cấp xã không ban hành văn bản quy phạm.

 ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tán thành với những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật quy định tại Điều 69 và Điều 70 dự thảo Luật, gồm cả đãi ngộ đặc biệt về nhân lực, tài lực, đầu tư hiện đại hóa để tăng cường ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, đây là sự đầu tư xứng đáng cho một hệ thống pháp luật đáp ứng 12 tiêu chí mà Bộ Chính trị đề ra trong Kết luận 119-KL/TW về tính dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi hiệu quả, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ áp dụng, tiết kiệm thời gian, chi phí, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng.

Tạo hành lang pháp lý vững chắc, thuận lợi hơn cho phản biện xã hội với các dự thảo luật

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề về phản biện xã hội, tham vấn, góp ý đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Điều 6), và bày tỏ tán thành quy định MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), đây là quy định phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ hiện nay của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện, thể chế hóa các quy định liên quan đến nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tại các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Qua đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc và thuận lợi hơn cho hoạt động phản biện xã hội đối với các dự thảo luật trong quá trình xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng của dự thảo luật.

Cùng quan điểm này song ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung việc phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngay tại quy trình xây dựng chính sách.

 ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, dự thảo Luật đã tách quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Quy trình xây dựng chính sách (quy định tại mục II về xây dựng chính sách) không quy định MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phản biện chính sách mà chỉ tham gia ý kiến. Điều này chưa phù hợp với Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật tại Thông báo số 4927 của Tổng Thư ký Quốc hội về Phản biện xã hội và tham vấn chính sách; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ-TW của Bộ Chính trị về đối tượng phản biện xã hội tại khoản 1, điều 9; và tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26.10.2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Do đó, việc MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia ngay từ khâu đề xuất, xây dựng chính sách bảo đảm các chính sách đó phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cũng như hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng chính sách, đưa chính sách đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cũng nêu rõ, việc bổ sung phản biện xã hội chính sách tại quy trình xây dựng chính sách là phù hợp, đúng thẩm quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 6 như sau: MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật này, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật khác có liên quan.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, không khí thảo luận tại Hội trường rất sôi nổi, tập trung, dân chủ, trí tuệ, với tinh thần trách nhiệm cao. Nội dung phát biểu vừa toàn diện, bao quát trên mọi vấn đề mà dự án Luật đề cập, vừa cụ thể, thiết thực, góp ý thẳng vào các nội dung, quy định tại các điều, khoản của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ và ý kiến thảo luận tại Hội trường, gửi đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu và các cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, giải trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bo-sung-viec-phan-bien-cua-uy-ban-mttq-va-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-vao-quy-trinh-xay-dung-chinh-sach-post404437.html