Tham vấn ý kiến chuyên gia về giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội
Sáng 12/7, Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến chuyên gia để xây dựng khung phân tích, các chỉ báo về hiệu quả và các yếu tố tác động của chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội tại tỉnh Lâm Đồng.
Đây là một nội dung thuộc Đề tài khoa học cấp tỉnh “Giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” do Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng chủ trì.
Hội thảo với sự chủ trì của Th.s Nguyễn Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng; Th.s Phạm Kim Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; GS.TS Trịnh Duy Luân - Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; TS. Vũ Thị Thùy Dung – Trưởng Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường Đại học Đà Lạt.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo UBND và phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm, Di Linh cùng các nhà khoa học và cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Th.s Nguyễn Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng cho biết: Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là khi có Quy định 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về trường chính trị chuẩn.
Đề tài khoa học “Giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” được UBND tỉnh giao cho Trường Chính trị tỉnh chủ trì nhằm tìm kiếm, xây dựng các giải pháp cụ thể, thiết thực và khả thi để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội với 4 mục tiêu: Xây dựng cơ sở lý luận chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Hệ thống hóa toàn diện các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay; Đánh giá thực trạng và tác động của việc thực hiện các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, Th.s Phạm Kim Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh: Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc cho đồng bào DTTS ở Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội đối với đồng bào các DTTS luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tộc người thiểu số, giữ vững ổn định chính trị và đảm bảo quốc phòng - an ninh, thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất giữa các dân tộc trong cộng đồng quốc gia Việt Nam.
Lâm Đồng là tỉnh thuộc khu vực Nam Tây Nguyên có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 24,1%, việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất và phát triển bền vững của địa phương.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Trung ương, của tỉnh về chính sách dân tộc trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS tại Lâm Đồng ngày càng được nâng cao theo sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, các cấp, các ngành quan tâm với quan điểm nhất quán, văn hóa DTTS là một bộ phận quan trọng, là động lực của sự phát triển. Qua đó, đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS ở Lâm Đồng có bước cải thiện rõ rệt. Việc sưu tầm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã và đang được gìn giữ, phát huy. Cơ sở vật chất, một số di sản văn hóa của vùng đồng bào các dân tộc được tôn vinh. Hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được có tính bước ngoặt, tạo nền tảng để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các DTTS thì vẫn còn những lĩnh vực chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số nội dung trong các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội chưa phù hợp với đời sống văn hóa, tập quán sinh hoạt của người DTTS; kinh tế tuy có bước phát triển đáng kể nhưng thiếu tính bền vững; một bộ phận người đồng bào DTTS đời sống còn khó khăn. Đặc biệt, bước đầu xuất hiện khoảng cách chênh lệch về đời sống giữa chính đồng bào DTTS này với đồng bào DTTS khác... Từ đó, đã có tác động sâu sắc đến đời sống vùng đồng bào DTTS, ảnh hưởng đến việc phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, gây ra những khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Do đó, Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm thu thập, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý các cấp để hoàn thiện báo cáo khoa học về cơ sở lý luận chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội và các chỉ báo để đo lường đánh giá. Trên cơ sở đó, giúp cho nhóm nghiên cứu xây dựng công cụ để đo lường và đánh giá hiệu quả của chính sách dân tộc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm sáng tỏ một số nội dung, đưa ra những nhận định chung về cơ sở lý luận và thực trạng thực hiện chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; tư vấn, định hướng về khung phân tích, chỉ báo đo lường để đánh giá hiệu quả và tác động cũng như gợi ý các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội, làm cơ sở xây dựng phương pháp nghiên cứu, bộ công cụ cho đề tài.
Bên cạnh đó phân tích thực trạng việc thực hiện chính sách dân tộc, tác động và hiệu quả của chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội đối với đồng bào DTTS. Từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu, thiết thực, góp phần tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS, để không ai bị bỏ lại phía sau; đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Qua đó, cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.