THAM VẤN Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND TẠI KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Sáng 19/7, tại tỉnh Bình Định, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật này. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng; Thường trực Hội đồng Dân tộc, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân một số tỉnh miền Trung và các chuyên gia, nhà khoa học.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật nêu rõ, sau gần 08 năm tổ chức thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc thực hiện các hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự, thủ tục, góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu Hội đồng nhân dân”, cùng với nhiều nghị quyết, văn bản hướng dẫn khác, nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa, lan tỏa sự đổi mới trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử từ Quốc hội tới HĐND các cấp.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật

Tại địa phương, trong bối cảnh ngày càng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thông qua các hoạt động giám sát thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, đã tạo chuyển biến tích cực trong hoàn thiện thể chế pháp luật, thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của địa phương; kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên nhiều mặt, lĩnh vực; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...

Trước yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính toàn diện, cụ thể của Luật Hoạt động giám sát và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, Hội đồng Dân tộc đã được giao và chủ trì, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Hồ sơ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát, và đã được Quốc hội xem xét, thông qua trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định, quá trình lập đề nghị xây dựng Luật được Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện hết sức kỹ lưỡng, từ khâu tổng kết thi hành Luật trên phạm vi toàn quốc, cũng như quy trình lấy ý kiến, tổ chức các Hội thảo tham vấn đều có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan của Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp. Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các cơ quan dân cử các cấp về các vướng mắc, bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát để đề xuất ra 05 chính sách sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành.

Trong chưa đến 01 tháng kể từ ngày đề nghị được thông qua, Hội đồng Dân tộc - là cơ quan được phân công chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo dự án Luật đã chủ động tham mưu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập; xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch xây dựng Luật; hoàn thiện bước đầu dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật và các tài liệu có liên quan; đã xin ý kiến chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi lấy ý kiến các cơ quan, địa phương và đăng tải lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cho biết hội thảo lần này là hội thảo thứ hai trong chuỗi 04 hội thảo dự kiến được tổ chức từ trung tuần tháng 7 đến đầu tháng 8, kết hợp với các cuộc khảo sát trên địa bàn các địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, đây là các diễn đàn rất quan trọng trong quy trình lấy ý kiến đối với dự án Luật để Ban soạn thảo cũng như các cơ quan, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong hồ sơ dự án Luật, củng cố thêm các cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc và hoàn thiện nội dung, kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật đề nghị các đại biểu tham luận, thảo luận thẳng thắn, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề sau:

Một là, đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về kết quả thể chế quan điểm, chỉ đạo của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát trong dự thảo Luật hiện nay.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Nghị quyết số 27 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, các kết luận của Đảng đoàn Quốc hội đã đặt ra khá nhiều chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ của lần sửa đổi này nhằm đổi mới công tác giám sát, đảm bảo đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trên cơ sở tổng kết thi hành luật, xây dựng, đánh giá tác động các chính sách hết sức kỹ lưỡng trong giai đoạn lập đề nghị, đến nay, nhiều nội dung thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được đưa vào dự thảo Luật, tuy nhiên, tính toàn diện, đầy đủ, hợp lý, thực chất, đáp ứng yêu cầu đề ra của các quy định liên quan trong Dự thảo cũng cần được đánh giá, làm rõ thêm.

Hai là, đề nghị các đại biểu xem xét việc thể hiện của dự thảo luật cho đến nay đã bám sát 05 chính sách của đề nghị xây dựng Luật, các định hướng, nguyên tắc, yêu cầu khi xây dựng dự án luật này hay chưa? Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, mặc dù, trong quá trình soạn thảo, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép phát sinh những chính sách mới, nhưng đi cùng là các quy trình về tổng kết thi hành các quy định liên quan, đánh giá tác động của chính sách mới. Do đó, theo Ban Soạn thảo, cần nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung các quy định sửa đổi, bổ sung theo đúng phạm vi các chính sách đã được thông qua.

Ba là, đề nghị các đại biểu đánh giá về tính hợp hiến và sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật của dự thảo Luật. Qua quá trình lập đề nghị xây dựng Luật, có thể thấy dự án Luật này có mối quan hệ chặt chẽ, chi phối nhiều vấn đề tại một số Luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, nhất là đối với Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Do đó, yêu cầu về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật của nội dung dự thảo Luật cần đặc biệt chú trọng.

Bốn là, đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, hiện nay, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 28 nội dung sửa đổi, bổ sung (trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung tại 09 điều, bổ sung 12 điều), sửa đổi tương đối toàn diện cả về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân (với nhiều nội dung mới như: tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn; tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, giải trình...).

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật nêu rõ, hiện nay, các quy định trong dự thảo Luật về thẩm quyền, trách nhiệm; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện trong hoạt động giám sát của HĐND, cơ quan của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND chủ yếu được luật hóa từ các quy định của Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời cũng bám sát 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật. Tuy nhiên, có thể thấy các nội dung dự thảo các quy định về hoạt động giám sát của HĐND đến nay còn tương đối “vơi”, cả về lý luận và thực tiễn. Các quy định mới, chưa được quy định tại văn bản nào như: việc điều hòa hoạt động giám sát của HĐND còn đang “để ngỏ”. Việc có thể quy định tương tự hoàn toàn như hoạt động giám sát của Quốc hội hay không, cần phải làm rõ hơn.

Nguyên tắc là HĐND thực hiện các hoạt động giám sát tại địa phương tương tự như các hoạt động của Quốc hội, tuy nhiên, bối cảnh thực tiễn, cơ cấu tổ chức và sự phối hợp giữa của các cơ quan ở địa phương dẫn đến những đặc thù nhất định trong hoạt động giám sát của HĐND. Do đó, Ban soạn thảo mong muốn lắng nghe những ý kiến sâu sắc, những đề xuất sửa đổi cụ thể của đại diện địa phương, các chuyên gia trong vấn đề này để khắc phục, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý đã và đang gặp phải trong hoạt động giám sát của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới hoạt động giám sát của HĐND.

Năm là, các quy định về chất vấn việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề và các vấn đề đã hứa cũng là vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu, cả trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Các quy định như dự thảo Luật hiện nay đã đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, kiến nghị, yêu cầu giám sát hay chưa, cần sửa đổi, bổ sung những nội dung gì nữa không.

Ngoài các vấn đề trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các đại biểu tham gia thêm các nội dung khác có liên quan đến dự thảo Tờ trình và các tài liệu khác trong hồ sơ dự án luật nếu thấy cần thiết.

Sau phát biểu khai mạc, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật báo cáo tóm tắt những nội dung cơ bản về hồ sơ dự án Luật.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật thông tin Hội thảo./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88075