Tham vấn ý kiến về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Ngày 05/01, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chủ trì tổ chức Tọa đàm tham vấn về bảo vệ an toàn trẻ em để góp ý cho dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Thống kê báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia năm 2019, 2020, 2021 có khoảng 1800-2000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô mỗi năm.
Trong xu hướng sử dụng ô tô tăng nhanh, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ em, an toàn giao thông cho trẻ em là một vấn đề cấp thiết và cấp bách cần được gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm để xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em.
Nâng cao ý thức phòng tránh tai nan giao thông cho trẻ
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề tai nạn thương tích là vấn đề đang đặt ra tại Việt Nam vì vậy việc tham vấn, xem xét để giải quyết tai nạn thương tích ở trẻ khi tham gia giao thông cũng rất cần thiết. Và những ý kiến tham vấn về bảo vệ an toàn trẻ em trong sử dụng phương tiện ô tô, xe máy trong quá trình tham gia giao thông sẽ được thảo luận, đề xuất các quy định về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an dự thảo trình Quốc hội trong thời gian tới.
Đặc biệt, tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã nhấn mạnh, trẻ em là lứa tuổi chưa có nhận thức đầy đủ về hành vi, khi tham gia giao thông, trẻ có thể vô tình làm các hành động gây nguy hiểm cho mình mà chính trẻ cũng chưa thể nhận thức được. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh hiện nay còn bất cẩn, thiếu ý thức phòng tránh tai nan giao thông cho trẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, trên thực tế, trẻ em không chỉ là người được người lớn chở khi tham gia giao thông mà nhiều trẻ để đến trường cũng trực tiếp tham gia giao thông: tự đi xe đạp, xe đạp điện khi tới lớp. Một số quy định về nguyên tắc hiện tại phù hợp với người tham gia giao thông là người lớn nhưng đối với các trường hợp người tham gia giao thông là trẻ em chưa phù hợp với nhóm tuổi và khả năng của các em như trách nhiệm tự giữ an toàn cho mình và cho người khác vì vậy cần có những quy định phù hợp với nhóm đối tượng tham gia giao thông là trẻ em theo nguyên tắc “Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.
Cũng tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đã có phần giao lưu với 2 trẻ em ở cấp tiểu học, để hiểu hơn về trải nghiệm của các em khi được bố mẹ cho tham gia giao thông bằng xe ô tô. Các em đều chia sẻ việc hay được cho ngồi ghế phụ trước mà không sử dụng thiết bị an toàn.
Trẻ em vẫn còn non nớt, chưa đủ nhận thức về cần đảm bảo an toàn của bản thân khi ngồi trên xe ô tô tham gia giao thông, vì vậy việc đảm bảo an toàn cho trẻ bao gồm cả việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên xe cũng rất cần các bậc phụ huynh hiểu và thực hiện. Điều này cũng được chị Trần Thị Ngân, đại diện phụ huynh có con nhỏ tại Tây Mỗ, Hà Nội tham gia buổi tọa đàm đồng tình.
Theo chị Ngân, bản thân chị cũng có những trải nghiệm về những khó khăn khi phải chú ý an toàn cho con nhỏ trong tham gia giao thông bằng ô tô, khi không sử dụng các thiết bị đảm bảo an toàn cho trẻ. Vì vậy, những quy định về an toàn cho trẻ trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết để giúp phụ huynh nâng cao ý thức và trách nhiệm đảm bảo an toàn cho chính con mình trong quá trình tham gia giao thông.
Tham gia trao đổi, PGS.TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng đã có phần chia sẻ những kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng dây an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.
Theo PGS.TS. Phạm Việt Cường, hiện chỉ có 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ nhưng có tới 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình. “Đây là vị trí nguy hiểm đối với trẻ em trên xe nếu không có thiết bị như dây an toàn”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng đã đưa ra kiến nghị về sự cần thiết phải có những quy định và hướng dẫn về sử dụng thiết bị an toàn đạt chuẩn kỹ thuật cho trẻ em dưới 12 tuổi hoặc chiều cao dưới 150cm, trẻ dưới 12 tuổi không ngồi ghế trước, áp dụng yêu cầu thiết bị an toàn cho trẻ trên các phương tiện giao thông theo lộ trình…
Khuyến khích sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông
Hiện nay, chương trình giáo dục mầm non không chỉ trang bị kiến thức cho trẻ mà còn trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ ở lứa tuổi này. Mô hình khu vực trường học an toàn giao thông tập trung vào cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông trên một số địa bàn đông dân cư tại Hà Nội cũng đã được ông Tạ Đức Giang – Phó Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông TP Hà Nội chia sẻ.
Ông Giang cũng khuyến nghị việc áp dụng các quy định xử phạt đối với việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi, tổ chức an toàn giao thông tại trường học cần có quy định về khu vực trường học an toàn đặc biệt là khu vực trường học có lượng giao thông lớn, có nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.
Theo bà Dương Thùy Nga – Quản lý Chương trình mũ bảo hiểm cho trẻ em của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, Chương trình đã được triển khai trong trường học các cấp tại 9 tỉnh/TP đã trao tặng hơn 8000 mũ bảo hiểm từ năm 2012 – 2023 trong đó tập trung truyền thông về thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng mũ bảo hiểm trong tham gia giao thông. Việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn rất quan trọng, tỉ lệ trẻ em không đội mũ bảo hiểm đến trường còn cao vì vậy cần có biện pháp tăng độ an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông được văn bản hóa trong dự thảo Luật.
Bà Nguyễn Hoàng Yến – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng cũng chia sẻ các nghiên cứu, thông tin truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng trong sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trong quá trình tham gia giao thông; quy chuẩn chất lượng thiết bị an toàn và đưa ra kiến nghị về quy định về sử dụng thiết bị an toàn cho tất cả người ngồi trên xe ô tô trong đó có cả trẻ em trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ quan điểm và kiến nghị cần có đánh giá tác động trên cơ sở bằng chứng, quy chuẩn an toàn quốc gia; độ tuổi, chiều cao, cân nặng của trẻ để sử dụng thiết bị an toàn cho phù hợp; tiêu chuẩn về thiết bị an toàn cho trẻ em, giáo dục ý thức về an toàn tham gia giao thông là bắt buộc trong cấp học phổ thông và cơ sở giáo dục; đưa quy định an toàn trong xe đưa đón học sinh đi học, xe vận tải…; lấy độ tuổi là lát cắt ngang trong các quy định như hạ độ tuổi trẻ em được sử dụng xe đạp, máy điện khi tham gia giao thông đường bộ; bắt buộc có giấy phép lái xe đối với trẻ em đủ tuổi sử dụng xe gắn máy; đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe đạp; chế tài xử lý đối với hành vi quên trẻ em trên xe cá nhân, đẩy mạnh việc quản lý sản xuất, kinh doanh và theo dõi chất lượng sản phẩm mũ bảo hiểm, nhất là mũ bảo hiểm cho trẻ em; tiệm cận với tiêu chuẩn an toàn của quốc tế…
Đại biểu đến từ Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình trong việc đưa quy định về trẻ em ngồi ghế phía trước, đội mũ bảo hiểm khi đi ô tô, xe máy và cần có lộ trình để thực hiện phù hợp với bối cảnh của Việt Nam; cần có sự đồng bộ trong các chính sách khuyến khích sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông, các hãng sản xuất ô tô có kèm các thiết bị an toàn cho trẻ, gia đình sử dụng các thiết bị an toàn; quy chuẩn an toàn cho trẻ trên tất cả các phương tiện giao thông…
Bà Leo Thị Lịch - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định sẽ đưa các nội dung thảo luận tại buổi tọa đàm vào báo cáo thẩm tra để bổ sung thêm cho dự thảo luật. Đặc biệt là những vấn đề mang tính khả thi để các bên liên quan có thể thực hiện được; tầm quan trọng về thay đổi tư duy và nhận thức của người dân về đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông đặc biệt tăng cường công tác tuyên truyền đối với người điều khiển giao thông đưa đón trẻ.
Phát biểu bế mạc, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em chia sẻ bản tổng hợp các ý kiến sau buổi tọa đàm sẽ được gửi cho các đồng chí Thường trực của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục để gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý, tham vấn cho dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để Luật khi ban hành mang tính khả thi và phù hợp nhất cho người dân và đặc biệt là đối với trẻ em.
Quy định số 129 của Hội đồng Kinh tế Châu Âu của Liên Hợp quốc định nghĩa “Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô là thiết bị được thiết kế cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô nhằm hạn chế khả năng cơ thể trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp phương tiện tham gia giao thông va chạm hoặc giảm tốc độ đột ngột”. Thiết bị an toàn cho trẻ em gồm nhiều loại như nôi, ghế chuyên dụng và đệm nâng để phù hợp với chiều cao và cân nặng của trẻ và phải được lắp đặt cố định với xe ô tô qua chốt an toàn ISOFIX.
Căn cứ vào những nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm về thực hành tốt trên 91 quốc gia ban hành luật bắt buộc quy định sử dụng thiết bị an toàn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gửi văn bản khuyến nghị tới Thủ tướng Chính phủ ngày 28/04/2022 và Bộ trưởng Bộ Công An ngày 28/07/2023 đưa vào Luật nội dung: Trẻ em cao dưới 150 cm và dưới 12 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn trên xe ô tô phù hợp với tuổi/chiều cao của trẻ và không được ngồi ở hàng ghế trước của xe.