Tham vọng cai trị nước Nga của công chúa Sophia

Dần dà, Sophia nhận ra rằng trình độ trí tuệ và sức mạnh ý chí bản thân của mình ngang bằng, thậm chí vượt qua những người đàn ông xung quanh mình, vì vậy không có lý do gì có thể cấm cản cô nắm giữ quyền lực tối cao.

Cha của Sophia qua đời khi cô mười chín tuổi và em trai mười lăm tuổi của cô trở thành Sa hoàng Fyodor III. Ngay sau lễ đăng quang của Fyodor, vị Công chúa bắt đầu nổi lên từ sự mờ nhạt của tháp terem. Trong suốt triều đại của Fyodor, người ta càng thấy cô xuất hiện nhiều hơn trong những hoàn cảnh cho đến nay phụ nữ hoàn toàn không biết đến.

Cô tham dự các phiên họp của Hội đồng đại quý tộc. Để quan điểm chính trị của cô trưởng thành hơn và học cách đánh giá tính cách đàn ông, cậu của cô là Ivan Miloslavsky và bộ trưởng hàng đầu, Công tước Vasily Golitsyn, cho cô tham gia vào các cuộc thảo luận và đưa ra quyết định.

Dần dà, Sophia nhận ra rằng trình độ trí tuệ và sức mạnh ý chí bản thân của mình ngang bằng, thậm chí vượt qua những người đàn ông xung quanh mình, vì vậy không có lý do gì có thể cấm cản cô nắm giữ quyền lực tối cao, ngoại trừ giới tính của cô và truyền thống không thể phá vỡ ở Moskva rằng kẻ nắm quyền phải là đàn ông.

 Tranh mô tả chân dung công chúa Sophia. Ảnh: The Mad Monarchist.

Tranh mô tả chân dung công chúa Sophia. Ảnh: The Mad Monarchist.

Trong tuần cuối cùng của cuộc đời Fyodor, Sophia ở bên giường bệnh của em trai, đóng vai trò là người an ủi, bạn tâm giao và người đưa tin, đồng thời tham gia sâu vào các công việc của Nhà nước. Cái chết của Fyodor và việc người em cùng cha khác mẹ của cô là Peter (không phải Ivan, em trai cùng dòng máu với cô) lên ngôi đã đột ngột giáng một đòn khủng khiếp lên Sophia.

Cô thực sự thương tiếc Fyodor, người từng là bạn đồng học, là bạn chơi đùa cũng như em trai; hơn nữa, lời hứa về việc phục hồi chức của Naryshkin tại triều đình đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi đặc quyền của cô, một công chúa Miloslavsky. Chắc chắn cô sẽ ít tiếp xúc với các quan chức cấp cao của nhà nước như Công tước Vasily Golitsyn, người cô rất ngưỡng mộ. Tệ hơn nữa, vì cô và nhiếp chính mới, Thái hậu Natalya, không ưa nhau, nên cô thậm chí có thể bị đưa trở lại tháp terem.

Sophia tuyệt vọng tìm giải pháp khác, vội đến gặp Thượng phụ để phản đối việc để Peter lên ngôi quá nhanh. Cô cho rằng Peter còn trẻ con, trong khi Ivan thì đã trưởng thành và nên là Sa hoàng. Thượng phụ Yoakhim từ chối, khẳng định chỉ một Sa hoàng có thể cai trị. Sophia tạm rút lui. Tuy nhiên, vài ngày sau, tại tang lễ của Fyodor, cô công khai bày tỏ cảm xúc.

Trong đám rước, không có màn trướng che chắn trước công chúng theo truyền thống, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ che mặt một phần, Sophia khóc lóc thảm thiết và kêu gọi đám đông chứng kiến sự đau buồn của mình.

Hành động của Sophia là chưa từng có tiền lệ, và tại thánh đường đông đúc, Natalya đã trả đũa. Trong lễ tang kéo dài lê thê, Natalya nắm tay Peter và bước ra ngoài.

Sau đó, bà giải thích rằng con trai mình đã kiệt sức và đói, việc ở lại sẽ không tốt cho sức khỏe của cậu bé, nhưng gia đình Miloslavsky cảm thấy bị xúc phạm. Và sau đó, cậu em trai kiêu ngạo Ivan Naryshkin của Natalya, người vừa quay trở lại triều đình, lại làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. “Người chết,” ông nói, ám chỉ toàn bộ gia tộc Miloslavsky, “nên chôn cất người chết.”

Khi rời khỏi nhà thờ, Sophia lại bộc lộ nỗi đau buồn, giờ đây xen lẫn với cơn thịnh nộ cay đắng. “Các người đã thấy em trai Sa hoàng Fyodor của chúng tôi đột ngột rời khỏi thế giới này như thế nào rồi đấy. Kẻ thù của ông đã đầu độc ông. Xin thương xót những kẻ mồ côi chúng tôi. Chúng tôi không cha, không mẹ, không anh em. Em trai của chúng ta, Ivan, không được bầu làm Sa hoàng, và nếu chúng tôi có lỗi, hãy để chúng tôi đến sống ở những vùng đất khác do các vị vua Cơ đốc giáo cai trị.”

Robert K. Massie/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/tham-vong-cai-tri-nuoc-nga-cua-cong-chua-sophia-post1567245.html