Tham vọng chết yểu, Trung Nguyên và Ministop chia tay

Kế hoạch phát triển 500 cửa hàng tiện lợi Ministop rộng khắp cả nước giữa Công ty G7 (thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên) và Công ty TNHH Ministop (thành viên của tập đoàn Aeon - Nhật Bản) đã chính thức dừng lại từ cách nay vài tháng.

 Cửa hàng đầu tiên giữa G7 và Ministop được khai trương cuối năm 2011 và hiện đang được sửa lại.

Cửa hàng đầu tiên giữa G7 và Ministop được khai trương cuối năm 2011 và hiện đang được sửa lại.

Mới đây, Ministop đã cùng đối tác mới của mình là tập đoàn Sojitz ra thông báo hợp tác phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop mới ở thị trường Việt Nam.

G7 rút khỏi Ministop

Theo thông báo của Sojitz và Ministop công bố hồi cuối tháng 4 vừa qua, vào cuối năm 2011, Ministop đã bắt đầu mở một số cửa hàng đầu tiên của mình ở thị trường Việt Nam dựa trên một thỏa thuận nhượng quyền thương mại với G7. Tuy nhiên, Ministop giờ đây đã chấm dứt hợp đồng với G7, đồng thời tiến hành một thỏa thuận nhượng quyền mới với Ministop Việt Nam - một nhánh hoạt động của tập đoàn ở Việt Nam được thành lập gần đây bằng nguồn vốn trong nước, để tiếp tục mở rộng và phát triển kinh doanh.

Thông báo này đồng nghĩa với việc G7 không còn hợp tác với Ministop. Một nguồn tin từng làm việc trong chuỗi Ministop cũng khẳng định với TBKTSG rằng G7 hiện đã không còn tham gia hợp tác với họ. Phía Trung Nguyên cũng xác nhận điều này. Bà Võ Thị Hà Giang, Phó giám đốc truyền thông của Trung Nguyên, lý giải việc G7 không hợp tác với Ministop nữa là do Trung Nguyên muốn tập trung vào kinh doanh cà phê - thế mạnh và năng lực lõi của công ty.

Có thể thấy tham vọng về việc phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi ở các thành phố lớn giữa Trung Nguyên và Ministop đặt ra cách đây gần năm năm giờ đã không còn. Tuy nhiên, theo bà Giang, Trung Nguyên vẫn duy trì chuỗi cửa hàng riêng nhưng sẽ chỉ tập trung vào mô hình quán cà phê và cửa hàng chuyên doanh cà phê.

Mục tiêu 500, chỉ được 17

Trước đây, vào lúc Trung Nguyên công bố việc ký hợp tác với Ministop, nhiều người cho rằng đây là cơ hội “giải cứu” chuỗi cửa hàng G7 Mart đang kinh doanh thất bại ở thời điểm đó. Tại một buổi họp báo hồi năm 2010, lãnh đạo G7 cho biết hai bên sẽ thành lập liên doanh, trong đó G7 chiếm 75% cổ phần và Ministop đóng góp 25%, với số vốn ban đầu trên 10 triệu đô la Mỹ, mục tiêu phát triển 500 cửa hàng trong vòng năm năm.

Tuy nhiên, đây là con số mà nhiều người cho là “quá tham vọng”. Bởi lẽ một số chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đã có mặt ở Việt Nam sớm hơn còn chưa đặt ra mục tiêu cao như vậy do việc tìm địa điểm ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM là rất khó khăn, giá thuê đắt đỏ. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen mua hàng ở các cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Trước sự hoài nghi của nhiều người, G7 khi đó đã “chứng minh” liên doanh có thể thực hiện mục tiêu đặt ra vì ngoài việc phát triển các cửa hàng mới họ còn có sẵn 460 điểm bán G7 Mart có thể tăng cường đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, đối tác của G7 là tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính và nhiều kinh nghiệm, đã thành công ở Nhật Bản và một số nước khác. Liên doanh này cho rằng họ có thể thu hút khách bằng mô hình “lạ” so với những đối thủ chỉ thuần bán hàng tạp hóa. Ministop là sự kết hợp giữa bán thức ăn nhanh và bán hàng tạp hóa.

Tuy nhiên từ tham vọng đến thực tế là một quãng đường xa. Theo kế hoạch, cửa hàng Ministop đầu tiên sẽ khai trương vào tháng 5-2011, nhưng đã bị trì hoãn đến cuối năm 2011. Những năm sau đó, trong lúc các đối thủ như Circle K, Family Mart, Shop & Go, B’s mart... tăng tốc phát triển chuỗi cửa hàng thì người tiêu dùng vẫn khó tìm được các cửa hàng Ministop ở các tỉnh thành. Thực tế là sau gần năm năm hợp tác, chuỗi cửa hàng Ministop chỉ dừng lại ở 17 điểm bán. Cho đến nay, “mô hình lạ” của Ministop đã được hầu hết các cửa hàng 24h khác áp dụng.

Giới quan sát cho rằng có khả năng hàng trăm cửa hàng của G7 Mart chưa thật sự phù hợp với điều kiện mà Ministop đề ra. Mặt khác, đa số đây là những điểm kinh doanh do G7 “nâng cấp” từ các cửa hàng tạp hóa truyền thống thông qua việc nhượng quyền kinh doanh, chứ không phải do chính G7 đầu tư.

Theo chia sẻ của Trung Nguyên, điểm đặc biệt nhất của chuỗi cửa hàng liên kết là sự ưu tiên 100% hàng hóa Việt Nam. Thoạt nghe thì thấy đây là một nỗ lực lớn của G7 trong đàm phán nhưng với giới kinh doanh bán lẻ, có ý kiến cho rằng “ràng buộc” này chẳng khác nào G7 tự thu hẹp lượng nhà cung cấp cho mình, trong khi đây là điều “cấm kỵ” đối với các nhà bán lẻ. Trước đó đã có không ít chuyên gia phân tích về “cái chết non” của chuỗi cửa hàng G7 Mart do doanh nghiệp này không thể kết nối với nhà sản xuất khiến sản phẩm không phong phú và giá thành không mang tính cạnh tranh.

Bắt tay với Sojitz, Ministop nâng mục tiêu lên 800 cửa hàng

Một nhà kinh doanh bán lẻ cho biết ông không bất ngờ về kết cục chia tay giữa Ministop và G7. Theo ông việc hợp tác trước đây với G7 chỉ là một cách đi tắt của tập đoàn bán lẻ Aeon để thâm nhập và tiếp cận thị trường Việt Nam. Giờ đây, Aeon đã phát triển được những trung tâm thương mại lớn, kinh doanh rất thành công, mua cả cổ phần để tham gia quản lý điều hành hai hệ thống siêu thị Citimart và Fivimart.

Cũng theo nhà kinh doanh này, sự chia tay của hai bên có thể liên quan đến chuyện quy tắc về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT, nhằm hạn chế các nhà bán lẻ nước ngoài mở cơ sở thứ hai) đã không còn hiệu lực đối với các nhà bán lẻ mở cửa hàng tiện lợi. Cụ thể, theo Thông tư 08/2013/TT-BCT được Bộ Công Thương ban hành vào năm 2013, quy định “Trường hợp lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 mét vuông tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng không phải thực hiện quy định về ENT”.

Đây được xem là một bước nới lỏng, mở rộng hơn so với cam kết gia nhập WTO, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI trong việc mở cơ sở bán lẻ có quy mô nhỏ như mô hình cửa hàng 24h. Vị này phân tích thêm: Ministop đã có kinh nghiệm ở thị trường trong nước lại không còn bị khống chế mở điểm bán mới thì việc họ đi tìm một đối tác mạnh hơn về tài chính, có khả năng hỗ trợ họ phát triển chuỗi cửa hàng trong nước thay cho G7 là điều dễ hiểu.

Thực tế, Ministop đã bắt tay với tập đoàn đồng hương Sojitz. Không đạt mục tiêu mở 500 điểm bán khi hợp tác với G7 nhưng khi bắt tay với Sojitz, Ministop và đối tác tiếp tục đẩy mục tiêu lên 800 cửa hàng trong vòng 10 năm. Để thực hiện mục tiêu này, Sojitz và Ministop lên kế hoạch mở rộng nhượng quyền thương hiệu các cửa hàng, cung cấp hỗ trợ kinh doanh cho người lao động. Kế hoạch mở rộng chuỗi kinh doanh này dự kiến sẽ đồng bộ hóa với các nhóm kinh doanh khác của tập đoàn Aeon đang được phát triển ở Việt Nam gồm các trung tâm thương mại Aeon Mall, hệ thống siêu thị CitiMart và Fivimart.

Một điều đáng chú ý là ngoài việc đầu tư vốn vào Ministop, Sojitz với lợi thế có hơn 20 công ty thành viên đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ ở Việt Nam sẽ hỗ trợ cho Ministop Việt Nam trong việc thu mua, hậu cần, phát triển cửa hàng, và các hoạt động dịch vụ, cơ sở hạ tầng... Trong tương lai, Sojitz còn xây dựng một chuỗi giá trị thực phẩm bán lẻ từ khâu chế biến nguyên liệu thô.

Aeon và Sojitz là hai tập đoàn kinh doanh lớn của Nhật Bản có nhiều năm phát triển ở thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt, cả hai đều có tiềm lực tài chính vững mạnh. Nhiều người cho rằng việc họ cùng nhau hợp tác phát triển chuỗi 800 cửa hàng Ministop ở Việt Nam là không khó trong bối cảnh thị trường bán lẻ hiện đại trong nước chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển và chỉ chiểm khoảng 25% tổng thị trường bán lẻ cả nước.

Ngoài ra theo Sojitz, dự án hợp tác phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop này giúp tăng cường mối liên kết giữa Aeon và Sojitz trong việc mở rộng kinh doanh ở Việt Nam của cả hai tập đoàn trong tương lai.

Theo TBKTSG

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tham-vong-chet-yeu-trung-nguyen-va-ministop-chia-tay-post4642.html