Tham vọng của các đại gia bán lẻ Nhật Bản tại thị trường Việt Nam
Loạt thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản như Matsukiyo, Uniqlo, Aeon Mall... đang tỏ rõ tham vọng với thị trường bán lẻ Việt Nam qua các kế hoạch phát triển dài hạn.
Ngày 29/9, Matsumoto Kiyoshi (Matsukiyo), chuỗi bán lẻ hàng đầu Nhật Bản về làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, khai trương cơ sở đầu tiên tại Hà Nội. Sự kiện đánh dấu một bước tiến của Matsukiyo sau hơn ba năm ra mắt tại Việt Nam kể từ 2020.
Matsukiyo, thương hiệu thành lập từ năm 1932 tại Chiba (Nhật Bản) bởi nhà sáng lập Matsumoto Kiyoshi, hiện có 1.800 cửa hàng khắp nước Nhật. Tập đoàn cũng sở hữu chuỗi cửa hàng tại Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong.
Tại Việt Nam, Matsukiyo ký kết hợp đồng liên doanh với CTCP Chế biến Thực phẩm Hoa Sen (Lotus Food Group) để thành lập công ty liên doanh Matsukiyo Việt Nam, và mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào ngày 18/10/2020. Đến nay, ngoài cơ sở vừa khai trương tại Hà Nội, Matsukiyo đang sở hữu 6 cửa hàng tại Sài Gòn.
Bà Lê Vân Mây - Chủ tịch HĐQT Matsukiyo Việt Nam chia sẻ, hãng đã dành nhiều năm nghiên cứu hành vi tiêu dùng trước khi xác định Việt Nam là mảnh đất tiềm năng với các thương hiệu mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe Nhật Bản.
Dự kiến đến năm 2024, sẽ có khoảng 15 cơ sở Matsukiyo được mở mới tại Việt Nam - nằm trong chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế của hãng.
Cách đó ít ngày, thương hiệu bán lẻ thời trang đến từ Nhật Bản Uniqlo cũng vừa công bố kế hoạch khai trương cửa hàng tiếp theo tại Hà Nội. Cơ sở mới của Uniqlo có diện tích hơn 2.000 m2, tọa lạc tại tòa nhà số 1 phố Bà Triệu, một trong những tòa nhà mang đậm dấu ấn lịch sử ở quận Hoàn Kiếm.
Theo ông Hideki Nishida - Tổng Giám đốc Uniqlo Việt Nam, đây là một trong những cửa hàng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của hãng. Sau khi ra mắt, Uniqlo Bà Triệu sẽ nâng tổng số lượng cơ sở Uniqlo lên con số 22, và là điểm bán thứ 10 tính riêng tại Hà Nội, hoạt động song song cùng cửa hàng online Uniqlo.com.
Uniqlo ra mắt thị trường Việt Nam từ tháng 12/2019 với cửa hàng đầu tiên tại TTTM Parkson Lê Thánh Tôn (TP HCM). Đây được xem là cửa hàng có diện tích lớn nhất của Uniqlo tại Đông Nam Á. Chỉ chưa đầy 4 năm, hãng liên tục mở rộng quy mô, đồng thời là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Một “ông lớn” bán lẻ khác của Nhật là AEON Mall cũng đang đẩy nhanh kế hoạch mở rộng các trung tâm thương mại và cửa hàng khác tại Việt Nam. Nguồn tin từ Nikkei Asia cho biết, tập đoàn có kế hoạch tăng số lượng siêu thị tại Hà Nội lên 100 cửa hàng và tăng gấp ba số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025.
Năm 2024, tập đoàn có kế hoạch mở thêm một trung tâm thương mại mới tại TP Huế. Đây sẽ là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung hiện nay với tổng vốn đầu tư gần 170 triệu USD, tổng diện tích mặt bằng hơn 8,6 ha.
Tính đến hiện tại, AEON Mall đang có 6 trung tâm thương mại, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM. Theo số liệu được tập đoàn đưa ra từ tháng 5/2023, Việt Nam là quốc gia được AEON đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD.
Sức hút từ thị trường Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt quy mô 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP. Việt Nam với quy mô dân số 100 triệu người cùng sức tiêu dùng tăng cao cũng trở thành mảnh đất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản.
Báo cáo tài chính năm 2022 của AEON Mall cho thấy, việc vận hành các trung tâm thương mại tại Việt Nam giúp tập đoàn thu về doanh thu gần 13,3 tỷ yên, tương đương hơn 2.250 tỷ đồng - chiếm hơn nửa tổng doanh thu mà tập đoàn đạt được tại các thị trường trong khối ASEAN (hơn 24,8 tỷ yên).
Đây là cơ sở để tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản coi Việt Nam là thị trường quan trọng trong khu vực ASEAN, và sẵn sàng chi tiền để mở rộng thêm chi nhánh.
Trong khi đó, chia sẻ tại sự kiện khai trương cửa hàng mới của Matsukiyo, ông Nobuta Tetsuhiro - Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 20 năm qua; đồng thời là quốc gia ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất ASEAN khi tăng 8% vào năm 2022.
Bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay, Việt Nam vẫn tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các công ty Nhật Bản. Theo khảo sát gần đây của Tổ chức thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Việt Nam đang là quốc gia và khu vực được các công ty Nhật Bản ưa chuộng thứ hai sau Mỹ để mở rộng kinh doanh trong tương lai.
Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được đánh giá có tiềm năng và mức tăng trưởng cao, là điểm đến lý tưởng trong kế hoạch tăng doanh thu và thâm nhập thị trường quốc tế của nhiều doanh nghiệp.Trước đó, CEO của Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, từng nhận định đây sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới của hãng.
“Các nhà bán lẻ Nhật Bản như AEON, Uniqlo, Matsukiyo… đã gia nhập thị trường Việt Nam và đang dần mở rộng hoạt động kinh doanh, với sự ủng hộ của người tiêu dùng và sự hỗ trợ từ Chính phủ hai nước”, ông Nobuta Tetsuhiro nhận định.
Đặc biệt, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một khối thương mại bao gồm Việt Nam, Nhật Bản, Australia, Mỹ và 8 quốc gia khác, đem đến mức thuế thấp hoặc bằng 0 cùng thủ tục nhập khẩu đơn giản, được dự đoán sẽ giúp các sản phẩm và dịch vụ của Nhật Bản có thêm nhiều lợi thế khi đặt chân vào thị trường này.
Cũng theo kết quả khảo sát được JETRO thực hiện năm 2022, 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN và xét theo khu vực chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh.