Tham vọng của T&T Group với 'siêu cảng' ICD Vĩnh Phúc

Để kết nối SuperPort Vĩnh Phúc tới những mắt xích quan trọng khác trong chuỗi cung ứng, T&Y SuperPort Vĩnh Phúc vừa ký kết hợp tác chiến lược với Vietnam Airlines và Tổng công ty đường sắt Việt Nam.

Bài toán xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, bền vững

Trong 7 tháng đầu năm nay, nhiều ngành xuất khẩu như thủy sản, da giày vẫn chịu hệ lụy khi các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy trong giai đoạn trước đến nay vẫn chưa khôi phục hoàn toàn. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến cơ hội xuất khẩu đến các thị trường quốc tế tiềm năng.

Tìm lời giải cho bài toán chuỗi cung ứng ổn định, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn với các doanh nghiệp diễn ra ngày 11/đã nhấn mạnh tới việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam, giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, để khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế cùng phát triển.

Đồng thuận với các quyết sách của Chính phủ, ngày 12/8, thỏa thuận hợp tác chiến lược nhiều bên gồm T&T Group, ngân hàng SHB, Công ty cổ phần T&Y SuperPort Vĩnh Phúc (T&Y), Tập đoàn YCH (Singapore), Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng công ty đường Đường sắt Việt Nam (VNR) đã được ký kết với mục tiêu xây dựng một chuỗi cung ứng quy mô toàn diện.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB cho biết, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Singapore quyết định thống nhất đưa mối quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới, nhằm phát huy tối đa sự kết nối trong các lĩnh vực có thế mạnh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp”.

Những mắt xích hỗ trợ “siêu cảng”

Là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu tại Việt Nam, T&T Group đang quản lý vận hành cảng Quảng Ninh, cảng nước sâu quốc tế với sản lượng bốc xếp trung bình năm đạt khoảng 7,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, điểm nhấn trong lĩnh vực logistics của T&T Group là Dự án Trung tâm logistic ICD Vĩnh Phúc (SuperPort Vĩnh Phúc) - liên doanh giữa T&T Group và Tập đoàn YCH (Singapore) có dự kiến vận hành giai đoạn I vào cuối năm nay.

Được xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 83 ha, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm, “siêu cảng” tại Vĩnh Phúc là cái tên đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh ASEAN có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Container Depot - ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

"Siêu cảng” tại Vĩnh Phúc có công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm

"Siêu cảng” tại Vĩnh Phúc có công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm

Với vị trí chiến lược của mình, SuperPort Vĩnh Phúc được kỳ vọng trở thành một trung tâm logistics lớn và hiệu quả nhất Việt Nam, có khả năng phục vụ hàng hóa đa phương thức, gồm đường hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt; trở thành “cánh tay nối dài” đưa ngành logistics Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Hiện chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam đang đứng thứ 39/160, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN nhưng chi phí logistics ở Việt Nam vẫn đang cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới. SuperPort Vĩnh Phúc đặt mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam giảm xuống 14% và đến 2035 xấp xỉ Singapore ở mức 8-10% và việc hợp tác của SuperPort Vĩnh Phúc với Vietnam Airlines cùng VNR chính là để thực hiện mục tiêu này.

Theo đó, SuperPort Vĩnh Phúc tích hợp kho hàng không kéo dài (OACT) của mình vào toàn bộ các dịch vụ/mô hình thương mại của Vietnam Airlines. Với lượng hàng hóa thông qua đường hàng không dự kiến tăng khoảng 12%/năm, việc hợp tác giữa hai doanh nghiệp sẽ góp phần làm giảm tắc nghẽn tại Cảng Hàng không Nội Bài, rút ngắn thời gian chờ hàng, giảm chi phí logistic, tăng hiệu suất thực hiện đơn hàng, góp phần làm tăng trưởng mảng vận chuyển hàng hóa.

Bắt tay với VNR, SuperPort Vĩnh Phúc dự kiến sẽ xây dựng nhánh đường sắt để kết nối tuyến đường sắt quốc gia vào khu vực dự án siêu cảng. Trong đó, tuyến hàng hóa đường sắt di chuyển từ cảng tới Vân Nam - Trung Quốc. Để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, hai bên cũng sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư quốc tế để phát triển dự án nhằm đưa hệ thống đường sắt Việt Nam đạt chuẩn khổ đường ray và nhà ga đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Việc hoàn thiện kết nối vận chuyển hàng hóa đường hàng không và đường sắt còn giúp SuperPort Vĩnh Phúc khai thác niềm năng hàng hóa từ mạng lưới của tập đoàn YCH tại Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.

Mảnh ghép cuối cùng trong hệ thống logistics đang được T&T Group triển khai đó là tài chính hỗ trợ vốn. Ngân hàng SHB, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ và nghiệp vụ ngân hàng thông thường cho cả hai nhóm khách hàng; còn xem xét cấp mới hoặc duy trì hạn mức tín dụng ngắn, trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines và VNR. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các chương trình ưu đãi, đặc quyền cho cả hai doanh nghiệp.

“Chúng tôi tin những thỏa thuận hợp tác được ký kết sẽ là dấu mốc, tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp cùng nhau hiện thực hóa những cam kết trong thời gian sớm nhất, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh, khôi phục thị trường và chuỗi cung ứng, tạo ra các giá trị cộng hưởng vượt trội cho doanh nghiệp và kinh tế quốc gia”, ông Hiển nhận định.

Hoàng Nam

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tham-vong-cua-tt-group-voi-sieu-cang-icd-vinh-phuc-d171931.html