Tham vọng gia nhập NATO nhanh gọn của Phần Lan, Thụy Điển chấm dứt
Nguy cơ quá trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển bị trì hoãn lâu dài vẫn hiện hữu khi cuộc đàm phán gần đây nhất đã không đạt được kết quả.
Phần Lan và Thụy Điển đã thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ về quá trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels vào hôm 20/6. Tuy nhiên, những tín hiệu từ phía Ankara cho thấy những bất đồng về quá trình gia nhập của hai nước này sẽ không được giải quyết sớm, ít nhất là trước khi hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra vào tuần tới, theo AFP.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã gặp đại diện của ba cả quốc gia để thúc đẩy tiến bộ trong gia nhập tổ chức của các nước Bắc Âu. Mặc dù ông Stoltenberg mô tả các cuộc đàm phán là "mang tính xây dựng", phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nói rõ rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, nói rõ: “Hội nghị thượng đỉnh Madrid chưa phải là thời hạn chót, vì vậy các cuộc đàm phán của chúng tôi sẽ tiếp tục”.
Cần nhiều thời gian hơn
Ngay cả trước cuộc gặp mới nhất này, một số nhà quan sát đã đánh giá thấp cơ hội để đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh.
Paul Levin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm, cho biết: “Tôi nghĩ là có thể nhưng sẽ rất khó khăn”. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh quá trình này đòi hỏi sự thỏa hiệp của tất cả các bên.
Cả Brussels, Stockholm và Helsinki kỳ vọng quá trình gia nhập sẽ diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, sự phản đối của Ankara đã tất cả các bên bất ngờ, nhất là vào thời điểm NATO đang muốn thể hiện mình là một mặt trận thống nhất nhằm chống lại Nga.
Bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập NATO đều phải được sự nhất trí thông qua của 30 nước thành viên liên minh. NATO đang lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ có thể trì hoãn vô thời hạn quá trình gia nhập tổ chức của các nước Bắc Âu.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin gần đây bày tỏ lo ngại rằng nếu các vấn đề không được giải quyết trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, "tình hình có nguy cơ sẽ đóng băng".
Nước Đức cũng giảm hy vọng vào việc đạt được một thỏa thuận nhanh chóng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển.
Một nguồn tin cấp cao của chính phủ Đức cho biết hôm thứ 20/6: “Tôi nghĩ đây là vấn đề thuộc về quản trị kỳ vọng và nên đặt nó vào bối cảnh lịch sử”. Người này cũng nhấn mạnh vẫn có thể nhìn thấy giải pháp trong vấn đề này.
“Điều này sẽ không thành thảm kịch nếu chúng ta có nhiều tuần thương lượng hơn”, nguồn tin này cho biết. Điều quan trọng "không có khó khăn nào không thể vượt qua” giữa Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại Luxembourg hôm 20/6, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde nói với các phóng viên: “Chúng ta nên chuẩn bị cho việc này bởi nó có thể mất thời gian”.
Những rào cản
Sự phẫn nộ của phía Ankara chủ yếu nhắm vào Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây liệt vào danh sách các nhóm “khủng bố”. Ankara cũng yêu cầu hai nước này dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp lại, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nhấn mạnh rằng Thụy Điển đã tăng cường luật chống khủng bố trong những năm gần đây. Luật mới chặt chẽ hơn sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 sắp tới.
Thụy Điển cũng cho biết cơ quan xuất khẩu vũ khí độc lập của họ sẽ chuẩn bị xem xét lại chính sách của mình khi nước này là thành viên của NATO.
Ông Levin cho biết ở Thụy Điển, có một khu vực là nơi sinh sống của khoảng 100.000 người Kurd. Điều này làm Thụy Điển có phần khác biệt với các nước châu Âu khác khi nước này “nhìn chung đồng cảm với động cơ của người Kurd”.
“Xét theo chiều hướng này, có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đã đúng khi đặt sự chú ý của mình vào Thụy Điển”, ông Levin cho biết.
Ở trong nước, chính trường Stockholm đang bị tác động bởi một nhà lập pháp độc lập có gốc là người Kurd. Bà Amineh Kakabaveh là một cựu thành viên đảng Cánh tả có nguồn gốc Iran-Kurd.
Bà Kakabaveh đã đe dọa sẽ bỏ phiếu chống lại đề xuất ngân sách của chính phủ trong tuần này nếu Thụy Điển đồng ý bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử lập pháp của Thụy Điển vào tháng 9 tới có thể sẽ là động lực khai thông bế tắc giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Kakabaveh được dự đoán sẽ không được bầu lại vào quốc hội. Điều này sẽ cho phép chính phủ Thụy Điển phần nào thoải mái hơn trong quá trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Có vẻ như chính phủ Thụy Điển đang cố gắng rút khỏi thỏa thuận với bà Kakabaveh để có thể có cuộc thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Levin cho biết thêm.