Tham vọng hồi sinh ngành chip bán dẫn của phương Tây

Mỹ và châu Âu có ý định quay trở lại ngành chip bán dẫn trước vai trò ngày càng lớn của châu Á ở bối cảnh hiện tại.

Theo hãng Nikkei Asia, các công ty Mỹ và châu Âu từng có thời gian thống trị ngành điện tử toàn cầu trước đây. Trong thế kỷ 20, phương Tây từng dẫn đầu về công nghệ mới và sản xuất những con chip tiên tiến nhất thế giới. Tuy nhiên, đến những năm 1990, mọi chuyện đã thay đổi.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với căng thẳng địa chính trị và những khó khăn về nguồn cung, chính phủ các nước đang tăng cường sản xuất chất bán dẫn. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với căng thẳng địa chính trị và những khó khăn về nguồn cung, chính phủ các nước đang tăng cường sản xuất chất bán dẫn. Ảnh: Reuters

Tại châu Á, các nhà sản xuất Nhật Bản đã đi trước, thúc đẩy phát triển ngành chip bán dẫn với giá thành rẻ hơn so với những con chip được sản xuất ở những nơi khác. Đến ngày nay, hầu như toàn bộ hoạt động sản xuất chip trên thế giới đều diễn ra ở châu Á trong khi Mỹ và châu Âu cũng có sản xuất nhưng không đáng kể.

Chip bán dẫn (vi mạch bán dẫn), là một thành tựu công nghệ đỉnh cao, được tạo ra bằng cách tích hợp hàng trăm hoặc thậm chí hàng tỷ linh kiện điện tử nhỏ trên một tấm bán dẫn.

Sự thống trị về công nghệ của châu Á ngày càng rõ rệt. Lợi thế quy mô lớn về chip bán dẫn ở châu Á đã giúp giảm chi phí đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đối mặt với căng thẳng địa chính trị, các nước bên ngoài châu Á ngày càng lo ngại về sự tập trung của ngành ở châu lục này.

Tình trạng thiếu chip bán dẫn trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng thêm những lo ngại này.

Trước tình hình căng thẳng địa chính trị và những khó khăn về nguồn cung, chính phủ các nước ở châu Âu và Mỹ đang tăng cường sản xuất chất bán dẫn, thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp nhằm khuyến khích các nhà sản xuất chip hàng đầu thành lập nhà máy trên bờ biển.

Cụ thể, Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ hứa hẹn sẽ tài trợ khoảng 39 tỷ USD cho các nhà sản xuất chip thông qua các khoản vay, bảo lãnh và tín dụng thuế.

Đạo luật CHIPS và Khoa học là một kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Mỹ nhằm đưa nước này quay lại thời hoàng kim, trở thành nước dẫn đầu không chỉ về các phát minh và sở hữu bản quyền công nghệ, mà còn là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu trong thập niên tới. Đạo luật này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật từ ngày 9/8/2022.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng có sáng kiến trị giá hàng tỷ đô la để tăng cường năng lực sản xuất chip bán dẫn. Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Ả Rập Saudi hiện cũng đang tìm cách thâm nhập vào thị trường hấp dẫn này.

Sự thống trị của châu Á trong chip bán dẫn

Tuy nhiên, quá trình di chuyển chuỗi cung ứng chip bán dẫn không phải là điều đơn giản. Nhiều thập kỷ tập trung hóa đã củng cố vị thế của châu Á như một trung tâm sản xuất chất bán dẫn. Các công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) hay Samsung Electronics (Hàn Quốc) đã thống trị thị trường chất bán dẫn cao cấp, rất cần thiết cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Các nhà sản xuất ở Đông Nam Á dẫn đầu thị trường chip truyền thống đạt hiệu quả cao để sử dụng cho mọi thứ từ ô tô đến máy xay sinh tố.

Ngoài ra, những công ty Nhật Bản cũng nắm quyền kiểm soát tốt những thiết bị thường bị bỏ qua trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như công cụ và vật liệu sản xuất chip. Fujifilm giờ đây có thể sản xuất vật liệu chuyển mạch điện lên chip và hóa chất đánh bóng bề mặt chip. Các công ty như Canon và Nikon cũng sản xuất chất bán dẫn có giá trị cao.

Các nhà máy sản xuất chip cao cấp mới có thể phải chi tới 10 tỷ USD để duy trì hoạt động nhưng rất ít quốc gia có thể tập hợp các nguồn lực và sẵn sàng cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, quốc gia có thể giành lại được thị phần này chỉ có thể là Mỹ bởi chuyên môn và năng lực sản xuất chip lành nghề. Mỹ cũng đạt được nhiều thành công trong việc thu hút các nhà sản xuất chip tiên tiến. Chẳng hạn như TSMC đang xây dựng một nhà máy ở bang Arizona nhằm mục đích sản xuất chất bán dẫn thế hệ tiếp theo trong vòng vài năm tới. Quan trọng nhất, Washington là nước sẵn sàng tài chính để biến điều đó thành hiện thực.

Tuy nhiên, ngay cả Mỹ cũng không thể thực hiện một mình. Các nhà máy sản xuất chip mới sẽ cần nguyên liệu nhập khẩu từ châu Á, máy móc từ Nhật Bản và châu Âu, hoặc cả hai. Ngoài ra, chip do Mỹ sản xuất vẫn sẽ được chuyển đến châu Á để lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, ít nhất là trong tương lai gần. Vì vậy, quá trình sản xuất của TSMC ở các nhà máy thuộc bang Arizona đã nhiều lần trì hoãn.

Đối với tất cả các nước đang xác định lại vị thế chuỗi cung ứng toàn cầu, khả năng rời bỏ toàn bộ hoạt động sản xuất chip bán dẫn khỏi châu Á được xem là khó xảy ra. Các nhà máy đang được xây dựng ở phương Tây chủ yếu nhằm mục đích đa dạng hóa cơ sở sản xuất và giúp chuỗi cung ứng trở nên kiên cường hơn trước các cú sốc.

Tuy nhiên, động thái này cũng có giá trị. Sự dư thừa ngày càng tăng sẽ giúp chi phí cao hơn và tỷ suất lợi nhuận nhỏ hơn.

"Còn quá sớm để nói tất cả những điều này sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng việc phương Tây quay trở lại sản xuất chip sẽ không khiến châu Á bị thiệt thòi", Stefan Angrick - chuyên gia kinh tế cấp cao và phó giám đốc của công ty Moody's Analytics ở Tokyo nói./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tham-vong-hoi-sinh-nganh-chip-ban-dan-cua-phuong-tay-20240717151658855.htm