Tham vọng hồi sinh ngành sản xuất chip của Nhật Bản

Từng là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, giờ đây Nhật Bản đang nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất chip trong nước trước những lo ngại về chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị toàn cầu

Lịch sử ngành công nghiệp bán dẫn

Nhật Bản từng là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất chip song đã chọn tập trung vào những sáng kiến sinh lợi hơn thuộc công nghệ bán dẫn thế hệ tiếp theo cùng máy móc sản xuất cần thiết, bỏ lại hoạt động chế tạo thực tế cho các công ty khác ở nước ngoài. Năm 1989, có tới 6 công ty điện tử Nhật Bản, trong đó bao gồm Toshiba, Hitachi, NEC và Fujisu lọt vào top 10 thế giới về doanh số bán chip trước khi dần chuyển khỏi sản xuất.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida (giữa) thăm nhà máy TSMC ở tỉnh Kumamoto vào ngày 6/4/2024.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida (giữa) thăm nhà máy TSMC ở tỉnh Kumamoto vào ngày 6/4/2024.

Một số công ty như NEC và Hitachi cố gắng lấy lại thời hoàng kim thông qua việc thành lập liên doanh chế tạo chip nhớ Elpida Memory vào năm 1999, song công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2022. Trong giai đoạn này, Chính phủ Nhật Bản dường như không sẵn sàng đầu tư ở mức có thể đảm bảo cho sự thành công của các liên doanh kể trên. Song giờ đây mọi chuyện đã thay đổi.

Kazuto Suzuki, Giáo sư chính sách khoa học công nghệ thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho biết, chính phủ coi thời điểm này có lẽ là cơ hội cuối cùng để tận dụng kinh nghiệm và bí quyết của các kỹ sư để hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn trước khi những người này nghỉ hưu.

Những nỗ lực thúc đẩy đầu tư

Martin Schulz, Chuyên gia kinh tế chính sách thuộc Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) chỉ ra rằng thời kỳ huy hoàng của Nhật Bản diễn ra vào những năm 1990 khi nước này chiếm khoảng 50% tổng sản lượng chip sản xuất toàn cầu, nhưng con số đó hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 9%. Nhật Bản dần rời bỏ vị thế thống trị trong giai đoạn này để nhường chỗ cho Hàn Quốc và Đài Loan.

Tuy nhiên, Nhật Bản những năm gần đây đã ý thức được việc mình đang bỏ rơi một ngành công nghiệp cực kỳ quan trọng. Trang tin Nippon dẫn số liệu cho thấy nước này đã phân bổ 3.900 tỷ yen (24,8 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2023 để củng cố năng lực sản xuất chất bán dẫn. Con số này tương đương 0,71% GDP, cao hơn các quốc gia phát triển như Đức với 0,41%, Mỹ với 0,21% và Pháp với 0,2% và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới.

Chiến lược sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản bao gồm hai trụ cột chính: Tái lập vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp chip và thu hút các nhà đầu tư sản xuất chip nước ngoài thông qua nhiều khoản trợ cấp hào phóng, từ đó giảm nguy cơ phụ thuộc vào nguồn cung không ổn định từ bên ngoài.

Tháng 2/2024, với nguồn hỗ trợ lên tới 476 tỷ yen (3,2 tỷ USD) từ Chính phủ Nhật Bản, Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC đã khánh thành một nhà máy chế tạo tại tỉnh Kumamoto, miền Nam Nhật Bản, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn công nghệ từ quý IV/2024. Tương tự, Nhật Bản đang trợ cấp 92,9 tỷ yen cho công ty chip nội địa Kioxia và Western Digital của Mỹ để xây dựng một nhà máy sản xuất bộ nhớ 3D NAND Flash tại khu vực Yokkaichi, thuộc tỉnh Mie.

Ngoài ra, hai bên cũng đang phát triển một nhà máy ở tỉnh Iwate và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024. Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đang hỗ trợ liên doanh trong nước Rappidus 590 tỷ yen để hợp tác với IMB (Mỹ), xây dựng một nhà máy chế tạo chất bán dẫn tại Hokkaido. Mục tiêu của Rapidus là có thể sản xuất hàng loạt chip tiên tiến kể từ năm 2027.

Thay đổi đột ngột nhưng cần thiết

Giáo sư Suzuki đánh giá nỗ lực chuyển hướng của Chính phủ Nhật Bản thời gian qua là đột ngột nhưng cực kỳ cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu chất bán dẫn tăng mạnh và cạnh tranh ngày càng gia tăng trong lĩnh vực này.

Đặc biệt sau giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch dẫn đến tình trạng khan hiếm trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất ôtô, máy tính cho đến lò vi sóng, các nước trên thế giới đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của chất bán dẫn, cho rằng đây không chỉ là nhu cầu của riêng một nước mà còn của cả thế giới, Theo giáo sư Suzuki, các nhà hoạch định chính sách nhận ra rằng phần lớn chất bán dẫn của thế giới đều được sản xuất tại Đài Loan, vì vậy, bất kỳ sự cố khẩn cấp nào tại Eo biển Đài Loan sẽ khiến người dùng Nhật Bản trở nên “dễ bị tổn thương”. Tình trạng thiếu hụt chip cũng ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới Tokyo vốn đang nỗ lực triển khai nhiều chính sách thu hút các công ty nước ngoài và tái sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các công ty trong nước.

Nhật Bản cũng ủng hộ việc Mỹ tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chip tiên tiến nhất. Tháng 3/2024, các nguồn thạo tin cho hay Chính phủ Mỹ đang lập danh sách các nhà máy sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc bị cấm tiếp nhận các thiết bị quan trọng, động thái nhằm giúp các công ty hạn chế vận chuyển công nghệ dễ dàng hơn vào Trung Quốc. Lý do phía Washington đưa ra là những lo ngại về an ninh quốc gia. Tương tự, Nhật Bản cũng lo sợ rằng nếu Trung Quốc có nhiều dư địa tiếp cận các công nghệ chip tiên tiến sẽ mang lại cho nước này lợi thế to lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và nhiều công nghệ mới nổi khác, cho phép Bắc Kinh phát triển các loại vũ khí tiên tiến hơn thời gian tới.

Tuy nhiên, nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản đòi hỏi nhiều hơn ngoài vốn và các nhà máy sản xuất chế tạo. Cuộc đua bán dẫn ngày càng trở nên khốc liệt với sự thống trị mạnh mẽ của Đài Loan và những “ngôi sao” đang lên khác ở châu Á - bao gồm Malaysia, Singapore và Indoneisa. Vì vậy, Nhật Bản cần nhanh chóng đào tạo một thế hệ nhân lực lành nghề, có kinh nghiệm trong sản xuất chất bán dẫn. Đây được coi là chìa khóa quan trọng nếu muốn giành lại vị thế dẫn đầu trong công nghệ chip.

Mai Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/tham-vong-hoi-sinh-nganh-san-xuat-chip-cua-nhat-ban-i730197/