Thân cát bụi

Đang chạy, xe bỗng lì bánh; giật mình, hóa ra là cát! Dải cát lớn, do người bán vật liệu xây dựng mới đổ tối qua! Bực mình, bọn này làm ăn tắc trách quá! Cứ đổ cát vung vãi ra đường, khiến người ta phải chịu vất vả khi gặp phải sự cản trở từ sự tắc trách của họ.

Minh họa: Bing

Phẫn nộ một hồi, về nhà vẫn còn ấm ức bởi suýt nữa bị ngã. Mà đã ngã xe máy thì hậu quả như thế nào cũng chẳng lường được! Lấy trà ra pha; uống cho quên đi nỗi bực dọc, nhưng vừa để ấm xuống mặt bàn thủy tinh, thấy ấm trơn tuột, trượt ngang mặt bàn mới ngỡ ngàng: À, bàn làm bằng kính trơn tuột vì không có ma sát. Ồ, hay nhỉ? Tạo Hóa thật thần kỳ: Có ma sát, thì gây khó khăn cản trở giao thông, nhưng không có ma sát lại dễ dẫn đến mọi đồ vật không thể để yên một chỗ! Lúc này mới tĩnh tâm suy tư về Cát.

Cát song hành cùng loài người ngay từ thuở sơ khai. Cát hiện diện trong đời sống hàng ngày, những hạt cát nhỏ nhoi vô tri tồn tại bên cạnh chúng ta chẳng thể xa rời! Này nhé: Muốn có những ngôi nhà chọc trời, những biệt thự, villa… đều có sự góp mặt từ cát! Nếu không có Cát, nhân loại lấy gì xây nhà, đắp tường…. để có chỗ nghỉ ngơi? Những hạt cát cứ lặng thầm đóng góp cho cuộc đời mà chẳng hề kiêu sa, kênh kiệu. Cát giúp cho cuộc sống con người thêm phong phú bởi những sản phẩm được sản xuất từ chính nó! Nào là cốc, chén thủy tinh, là cửa kính, đến những lọ pha lê đắt tiền… Vậy đấy, đó là sản phẩm từ: Cát!

Nhưng, người ta vẫn ghét cát, bởi nó cản trở giao thông, nó bay vào mắt khiến ta khó chịu, thậm chí có lúc nó xuất hiện trong khẩu phần ăn uống làm ta không sao nuốt nổi… Thế là ghét! Ghét cay ghét đắng, đến mức quên những gì nó cống hiến cho cuộc đời! Chẳng thế mà, trên bước đường vào kinh đô Huế đi tìm danh lợi Cao Bá Quát đã mượn hình tượng bãi cát dài để trút nỗi niềm tâm sự xót xa và ngám ngẩm của mình! Những cồn cát mênh mông vô tận có lúc là nguồn của cải để nhân loại khai thác, tận dụng; cũng có lúc nó trở thành sa mạc khiến người ta bị ám ảnh tới tận cùng! Cát với những đặc tính độc đáo khiến ta khó chịu, nhưng lại vẫn thấy nó cần thiết biết bao trong đời sống hàng ngày. Nó còn là nơi ấp ủ mỗi người khi trở về cõi vĩnh hằng: “Sống trong cát chết vùi trong cát” (Mẹ Tơm - Tố Hữu)…

Hơn 2000 năm trước, khi nói về Con Người, Đấng Kitô có dạy: “Thân cát bụi sẽ trở về cát bụi”. Phải chăng, Chúa coi thường chúng ta? Không, thiết nghĩ: Chúa ví mỗi người như hạt cát, nhỏ nhoi thế; nhưng hết sức cần thiết, có ích cho đời! Bởi nhiều hạt cát sẽ làm nên sức mạnh, làm nên những giá trị lớn lao cho cuộc đời thêm đẹp, thêm tươi! Đừng nghĩ mình nhỏ bé để rồi buông xuôi, đầu hàng trước những khó khăn vất vả, gian khổ hiểm nguy mà hãy sống cho ra sống! Mỗi chúng ta, có người đã từng có ích cho đời, cũng có người mang bao kèn cựa ghen tuông, lừa lọc, dùng mọi thủ đoạn đê hèn để dẫm đạp lên người khác mà tiến bước. Thậm chí có kẻ được người khác giúp đỡ, nhưng cứ vênh vênh tự đắc bởi người ta phải giúp vì nịnh nọt, xun xoe trước mình mà không chịu vào toillet để tự soi gương xem, mình là ai; đã giỏi hơn hay nâng đỡ người ta ở chỗ nào? Không tự biết mình, nhưng rồi lại sẵn sàng chỉ trích bôi nhọ người mà mình phải mang ơn… Con người vốn có tất cả các cực đối lập về phẩm chất, năng lực; nhưng chẳng ai tồn tại vĩnh viễn vì tất cả cũng sẽ hóa thân thành cát bụi và rồi lại song hành cùng nhân loại tiếp tục tiến bước với thời gian…

Cát nhỏ bé vô cùng, cát có thể làm ta khó chịu trong một số hoàn cảnh; nhưng cát cũng rất cần thiết cho cuộc đời, cho hôm nay và mai sau! Chọn lựa là hạt cát như thế nào là quyền tự quyết của mỗi người. Điều lớn lao và quan trọng nhất chính là hãy để cuộc sống của mình không bao giờ uổng phí!

Vĩnh Nguyên Nguyễn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/than-cat-bui-a21344.html