Than đá là loại nhiên liệu khó bỏ
Khi đứng ra tổ chức Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), nước chủ nhà Anh từng tuyên bố một trong những mục tiêu của sự kiện cấp cao này là 'đưa than đá lui vào quá khứ'.
Tuyên bố luôn dễ hơn hành động, nhưng đôi lúc tuyên bố dưới dạng văn bản cũng đầy thách thức. Các đoàn đàm phán tham dự COP26 cứ viết đi viết lại phần nội dung yêu cầu thế giới phải ngừng sử dụng điện than cũng như chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Cuối cùng, bản thỏa thuận đạt được tại hội nghị giảm nhẹ từ “loại bỏ điện than” xuống còn “giảm dần điện than”.
Tại sao than đá là trọng tâm tranh cãi?
Trong số 3 loại nhiên liệu hóa thạch than đá, dầu mỏ và khí đốt, than đá là tác nhân gây hại cho khí hậu lớn nhất vì tạo ra khoảng 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Đốt than còn đem lại một số tác động xấu về mặt môi trường khác chẳng hạn như làm ô nhiễm không khí, qua đó tiếp tay tạo ra khói bụi, mưa a xít, gây bệnh đường hô hấp.
Là quốc gia đông dân nhất cũng như là “công xưởng” thế giới, Trung Quốc đứng số 1 về tiêu thụ than đá. Ấn Độ và Mỹ xếp ngay phía sau.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc năm 2019 sản xuất 4.876 terawatt/giờ điện từ than đá, bằng phần còn lại của thế giới cộng lại. Tuy nhiên tổ chức nghiên cứu Ember chỉ ra rằng nếu tính thêm yếu tố dân số, thì Úc mới là nước có mức phát thải than bình quân đầu người cao nhất Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Tỷ lệ than đá trong sản xuất điện toàn cầu ổn định suốt 5 thập niên - Ảnh: AP
Tại sao khó loại bỏ than đá?
Than đá tương đối dễ thay thế, con người nhiều thập niên qua đã phát triển một số giải pháp năng lượng tái tạo sẵn sàng sử dụng. Nhưng than đá lại quá dồi dào và quá rẻ.
Thậm chí khi năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn về giá, than đá cũng chẳng dễ bị loại bỏ. Năng lượng tái tạo không thể đáp ứng đủ nhu cầu dùng điện toàn cầu ngày một tăng.
IEA dự báo Ấn Độ - quốc gia phụ thuộc nhiều vào điện than - cần một hệ thống điện quy mô tương đương hệ thống của Liên minh châu Âu (EU) để đáp ứng nhu cầu dùng điện trong 20 năm tới. Vai trò của than đá trong ngành điện suốt 5 thập niên qua vẫn ổn định, số liệu IEA cho thấy tỷ lệ than đá trong sản xuất điện toàn cầu chỉ giảm từ 38% năm 1973 xuống 37% năm 2019.
Tương lai của than đá
Tại COP26, nhiều quốc gia dễ bị tổn thương lo sợ sẽ bị thiệt hại nặng nếu nước biển dâng cao, nên hy vọng chính phủ các nước đồng ý tham gia một thỏa thuận loại bỏ than đá. Nhưng vì Ấn Độ phản đối, văn kiện cuối cùng chỉ kêu gọi “giảm dần điện than”, lại không đặt ra mốc thời gian cụ thể.
Bất chấp thỏa thuận mơ hồ tại COP26, tương lai dài hạn của than đá vẫn rất khó nói, không phải chỉ vì lo ngại về khí hậu.
Tại Mỹ, khí đốt tự nhiên thay thế than đá trong nhiều năm vì lý do kinh tế, mặc dù than thời gian gần đây bỗng nhiên lại “có giá” vì giá khí đốt tăng.
Kể từ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, nhiều quốc gia đều đặt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0, một nỗ lực đòi hỏi phải loại bỏ nhà máy điện than không trang bị công nghệ thu phát thải. Áo, Bỉ và Thụy Điển đã đóng cửa số nhà máy điện than cuối cùng của họ, Anh có kế hoạch sẽ làm việc này vào năm 2024. Loạt tuyên bố từ nhiều nước trước lẫn trong thời gian COP26 diễn ra báo hiệu “ngày tàn” sắp đến với khoảng 370 nhà máy điện thoại trên toàn cầu.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/than-da-la-loai-nhien-lieu-kho-bo-174449.html