'Thần kỳ' Đài Loan và lời giải từ sản xuất công nghệ cao
Đài Loan gắn liền với cụm 'Thần kỳ Đài Loan', ý chỉ quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20.
Sau khi giành lại Đài Loan từ Nhật Bản hậu Thế chiến II, Trung Quốc tập trung vào tái thiết cơ sở hạ tầng bị hư hại trong chiến tranh, sau đó chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế và tiếp tục định hướng nền kinh tế. Đài Loan bắt đầu khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn. Kế hoạch phát triển kinh tế đầu tiên là chuyển đổi nền kinh tế thuần nông của Đài Loan sang sản xuất. Đây là chiến lược nhìn xa trông rộng, có vai trò lớn đối với hiện đại hóa Đài Loan.
Buổi bình minh công nghiệp sản xuất Đài Loan
Năm 1948, Đài Loan tiến hành sản xuất điện tử tiêu dùng, bắt đầu từ lắp ráp radio bằng ống chân không nhập khẩu và các bộ phận khác. Doanh nghiệp nhảy sang lắp ráp đài bán dẫn năm 1961, kéo theo lượng đơn hàng lớn, chủ yếu từ các công ty Nhật Bản xuất khẩu đài sang Mỹ. Đơn hàng ngày một tăng, cần phải xây dựng cơ sở lớn để đáp ứng. Điều này đánh dấu buổi bình minh của kỷ nguyên công nghiệp mới tại Đài Loan.
Các nhà sản xuất mở rộng sang lắp ráp TV cho thị trường trong nước nhờ mua lại công nghệ từ các tập đoàn Nhật Bản thông qua thỏa thuận cấp phép và liên doanh. Trong khi đó, họ cũng dùng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ để xây dựng nhà máy, chỉ lắp ráp TV cho thị trường Mỹ.
Hoạt động lắp ráp đài và TV tăng tốc vào những năm 1960 và đầu những năm 1970, tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng Đài Loan không có năng lực sản xuất linh kiện riêng lẻ. Để kích thích ngành công nghiệp linh kiện điện tử trong nước, chính quyền áp đặt các quy định về hàm lượng nội địa đối với các sản phẩm điện tử bán tại Đài Loan. Yêu cầu này buộc các nhà sản xuất TV Nhật Bản phải chuyển giao công nghệ cho đối tác hoặc nhà sản xuất linh kiện địa phương.
Dù vậy, lúc này quy mô của doanh nghiệp vẫn nhỏ, thường sao chép hay dùng lại công nghệ nước ngoài. Do cho rằng sản phẩm làm ra trong nước có chất lượng kém, công ty Đài Loan hướng đến các thị trường như Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ Latinh. Doanh thu từ xuất khẩu sau đó giúp họ đạt quy mô kinh tế, tạo nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào thiết bị sản xuất hiện đại.
Những cải tiến về chất lượng và bí quyết sản xuất trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng của Đài Loan tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp bán dẫn, động lực tăng trưởng kinh tế chính tiếp theo của hòn đảo này. Năm 1964, một phòng thí nghiệm bán dẫn được thành lập tại Đại học Quốc gia Chiao Tung ở Tân Trúc, miền bắc Đài Loan, chịu trách nhiệm đào tạo nhiều kỹ sư, những người đã trở thành trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan.
Vài năm đầu tiên, lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn non trẻ không nhận được nhiều hỗ trợ từ bên ngoài vì các tập đoàn đa quốc gia do dự đầu tư. Một lý do khiến họ thận trọng là dây chuyền đòi hỏi cam kết vốn lớn, trong khi chưa thể đảm bảo sản phẩm cuối cùng sẽ đạt được các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng hay không. Cuối cùng, ngành công nghiệp bán dẫn của hòn đảo cũng nhận được cú hích vào năm 1967 khi tập đoàn Philco của Mỹ bắt đầu lắp ráp mạch tích hợp (IC) trong nước.
Việc tích lũy bí quyết kỹ thuật và sản xuất trong ngành bán dẫn diễn ra chậm chạp cho đến năm 1974, khi Tổ chức Nghiên cứu và Dịch vụ Điện tử (ERSO) được thành lập gần Đại học Quốc gia Chiao Tung. Với sự hỗ trợ của một nhóm các chuyên gia kỳ cựu từ Mỹ, ERSO mua lại công nghệ bán dẫn oxit kim loại bổ sung (CMOS) được sử dụng trong các chip IC từ tập đoàn RCA. Có thể thấy, việc cấp phép công nghệ CMOS của RCA có vai trò như tấm vé vào cửa, đưa Đài Loan gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Thiết kế vi mạch bắt đầu
Phải có dịch vụ đúc trong thiết kế bán dẫn có chất lượng thì công ty thiết kế vi mạch mới thành công. Syntek, công ty thiết kế vi mạch đầu tiên của Đài Loan, được thành lập vào năm 1982 dưới sự lãnh đạo của một cựu quản lý ERSO và các đồng nghiệp của ông. Để tận dụng nguồn cung kỹ sư địa phương tài năng dường như vô tận của hòn đảo, vào giữa những năm 1980, một loạt các công ty điện tử đa quốc gia cũng mở các nhà thiết kế vi mạch của riêng họ tại đây.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của dịch vụ thiết kế vi mạch cho thấy rõ ràng Đài Loan đang thiếu hụt các dịch vụ đúc trầm trọng. UMC là xưởng đúc duy nhất trên đảo vào thời điểm đó nhưng chỉ tập trung vào sản xuất các thiết kế riêng và không muốn gia công cho các nhà thiết kế khác. Năm 1987, chính quyền can thiệp bằng cách thành lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) để tập trung vào các dịch vụ đúc.
Chiến lược sản xuất chip vi mạch cho các công ty bên ngoài của TSMC sớm đạt được thành công lớn. Công ty nhận đơn hàng không chỉ từ các nhà thiết kế vi mạch trong nước, mà còn từ các nhà thiết kế nước ngoài. Sự nổi lên nhanh chóng của TSMC đã khuyến khích UMC bắt tay vào việc mở rộng quy mô lớn đầu tiên vào năm 1989, khi đầu tư 6 tỷ Đài tệ (227,3 triệu USD theo tỷ giá hối đoái khi đó) để thiết lập dây chuyền chế tạo thứ hai. Dây chuyền mới chủ yếu dành cho việc sản xuất bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên tĩnh (SRAM), một loại bộ nhớ bán dẫn nhanh, tương đối đắt tiền và tiết kiệm điện. Đến cuối năm 1990, có tám công ty sản xuất vi mạch ở Đài Loan, hầu hết đều thuộc sở hữu trong nước.
Về mặt sản phẩm, khoảng trống lớn còn lại trong dòng sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM), rẻ hơn SRAM và đóng vai trò là bộ nhớ chính trong hầu hết các máy tính cá nhân. Khoảng trống đó được lấp đầy vào năm 1989 khi Acer thành lập liên doanh DRAM với Texas Instruments của Mỹ. Tuy nhiên, khi ấy, công nghệ sản xuất DRAM ở Đài Loan vẫn tụt hậu so với các công ty dẫn đầu từ 3 đến 5 năm. Năm 1992, ERSO chuyển giao công nghệ sản xuất DRAM và SRAM cho UMC và TSMC, hai công ty này cũng sớm thành lập dây chuyền sản xuất cho riêng mình. Đến năm 1995, khoảng cách giữa Đài Loan và các nước đã rút ngắn còn khoảng một năm.
Trải qua nhiều thập kỷ, Đài Loan đã trở thành quê hương của không ít tên tuổi. TSMC nằm trong top 10 công ty công nghệ dẫn đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Reuters. Foxconn là công xưởng sản xuất điện tử đa quốc gia lớn nhất toàn cầu với các đối tác như Apple, Google… Acer và Asus là hai thương hiệu máy tính lớn thứ 5 và 6 trong quý IV/2020.
Báo cáo cạnh tranh toàn cầu phát hành tháng 10/2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp Đài Loan hạng 12/141. Theo ông Francis Kuo-Hsin Liang, Thứ trưởng Kinh tế Đài Loan, “Đài Loan là người chơi rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao… Mọi người có thể không nhận ra rằng ít nhất 85% laptop bán ra trên thế giới là do Đài Loan sản xuất”, dưới tên các thương hiệu lớn. Năm 2019, đứng đầu các mặt hàng xuất khẩu của Đài Loan là máy móc, thiết bị điện (màn hình phẳng, màn hình cảm ứng, vi chip); máy móc bao gồm máy tính.
Có rất nhiều con đường cho các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển, Đài Loan cũng là một bài học khá điển hình đi lên từ công nghệ. Tại Việt Nam, Chính phủ tuyên bố chiến lược Make In Vietnam. Phát biểu tại "Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam? Đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số, và đặc biệt là sự phát triển mới của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải quyết những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu".