Thân phận đặc biệt của nữ giáo viên dạy nhiều vua nhất Việt Nam, được chọn đặt tên trường ở TP. Hồ Chí Minh

Ở thời kỳ Việt Nam vẫn nặng quan niệm trọng nam khinh nữ, người phụ nữ tài giỏi này lại làm được điều đáng ngưỡng mộ là dạy học cho vua. Không những một mà có đến ba ông vua là học trò của bà.

Lịch sử Việt Nam ghi nhận một nữ giáo viên đặc biệt, từng dạy cho 3 vị vua nhà Nguyễn. Bà là Nguyễn Thị Nhược Bích (1830 – 1909), sinh ra ở làng Đông Giang, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận (nay là Phan Rang, Ninh Thuận). Sinh thời, bà Nhược Bích là con gái của ông Nguyễn Nhược Sơn, nguyên là Thanh Hóa Thừa nguyên Bố chính sứ Hộ lý Tổng đốc, mẹ là bà Thục nhân họ Nguyễn.

Cha bà Nhược Bích là nhân tài hiếm có, tính tình khẳng khái, không thích ràng buộc. Khi làm quan, ông nhiều lần bị bãi chức cũng vì tính cách đó. Thừa hưởng gen di truyền của cha, bà Bích từ nhỏ đã tài giỏi hơn người. Suốt tuổi thơ đi theo cha làm quan ở các tỉnh, đến đâu bà Bích cũng gây ấn tượng bởi sự thông minh của mình.

Ảnh minh họa bà Nhược Bích

Ảnh minh họa bà Nhược Bích

Năm 1848, bà Bích được tiến cử vào cung cho vua Tự Đức. Một buổi ngâm vịnh nọ, vua xướng đề thơ Tào Mai (Hoa mai sớm nở) và bà là người làm thành thơ nhanh nhất, hay nhất. Vua Tự Đức rất hài lòng, đặc biệt khen ngợi và trọng thưởng cho bà. Thậm chí vua còn nói:“Khéo điều chế câu thơ như người điều chế mai, tỏ rõ chí khí như của Tể tướng Phó Duyệt, thật là bổ ích. Đáng tiếc là nữ, nếu là nam thì chức ấy trẫm cũng không tiếc”.

Dù không thể làm tể tướng nhưng bà Nhược Bích cũng đã khẳng định được vị thế của mình sau này bằng cách dạy học trong cung. Thân là Tiệp dư nhưng bà được giao nhiệm vụ dạy học, chăm sóc các hoàng tử. Vua Tự Đức yêu quý bà vì học rộng hiểu nhiều, có đạo đức, lễ nghĩa. Trong cung ai cũng tôn kính nữ giáo viên này.

Bà Nhược Bích chính là cô giáo của 3 vị vua nhà Nguyễn: Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh ( dạy Kiến Phúc, Đồng Khánh khi còn làm Thái tử và dạy Hàm Nghi khi đã lên ngôi ).

Hạnh Thục ca là tác phẩm ghi lại toàn bộ các sự kiện xảy ra trong cuộc tháo chạy năm 1885 do bà Nhược Bích viết

Hạnh Thục ca là tác phẩm ghi lại toàn bộ các sự kiện xảy ra trong cuộc tháo chạy năm 1885 do bà Nhược Bích viết

Không chỉ vậy, bà Nhược Bích còn được đi cùng vua trong những buổi vấn an Hoàng thái hậu Từ Dụ về công việc trong triều, hoàng tộc. Một thời gian sau, từ Tiệp dư, bà trở thành thư ký cho Thái hậu Từ Dũ và gần như là người duy nhất được ở gần hầu hạ thái hậu.

Năm 1883, vua Tự Đức qua đời, tự tay bà Nhược Bích đã biên soạn ý chỉ sắc dụ của Lưỡng Tôn cung (chỉ Hoàng thái hậu Từ Dụ và Chính phi Trang Ý). Năm 1892, dưới thời vua Thành Thái, bà Nhược Bích được phong làm Tam Phi Lễ Tần. Đến năm 1909, tức năm Duy Tân thứ ba, nữ giáo viên tên tuổi này qua đời, thọ 79 tuổi.

Trường Tiểu học Nguyễn Nhược Thị ở TP. Hồ Chí Minh

Trường Tiểu học Nguyễn Nhược Thị ở TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay tên bà được chọn đặt cho một ngôi trường tiểu học ởphường 15, quận 8, TP. Hồ Chí Minh: Nguyễn Nhược Thị.

Theo SHTT&ST

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/than-phan-dac-biet-cua-nu-giao-vien-day-nhieu-vua-nhat-viet-nam-duoc-chon-dat-ten-truong-o-tp-ho-chi-minh/20231129044154817