Thán phục cụ bà người Ê Đê biết nói 5 thứ tiếng dân tộc

Bà H'tum Niê, gần 70 tuổi, người Ê Đê, ở xã biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, biết nói 5 thứ tiếng dân tộc khiến ai cũng thán phục.

Vợ chồng bà H'tum Niê trú tại buôn Jang Lành, xã Buôn Đôn, có 7 người con gái và 1 con trai. Điều đặc biệt là 8 con dâu, rể của bà nhiều người không cùng dân tộc Ê Đê nhưng sống rất hòa thuận, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.

14 năm "mua" 7 con rể

Bà H'tum kể vào năm 1956, bố của bà là ông Nay Nen Lào (người Thái Lan, khi đó 18 tuổi) sang Buôn Đôn làm ăn rồi cưới vợ là bà H'Kiện Niê (người Lào).

 Bà H'tum Niê bên ngôi nhà mang kiến trúc độc đáo của người Thái Lan. Ảnh: Hải Dương

Bà H'tum Niê bên ngôi nhà mang kiến trúc độc đáo của người Thái Lan. Ảnh: Hải Dương

Đến năm 1969, vợ chồng ông Nay Nen Lào sinh ra bà H'tum. Do trong vùng hầu hết là người dân tộc Ê Đê nên bố mẹ để bà mang họ của dân tộc này với mục đích sống hòa nhập trong buôn làng.

Năm 20 tuổi, bà H'tum yêu và cưới ông Y Mức Byă (dân tộc Ê Đê) rồi sinh được 1 người con trai và 7 con gái. Hiện cả 8 người con của vợ chồng bà đã có gia đình.

Điều đặc biệt, nhiều người con của bà dù mang họ của người Ê Đê nhưng vẫn lấy chồng, vợ dân tộc khác như M'nông, Mường, Kinh. Duy nhất người con trai lấy vợ dân tộc Ê Đê.

Buôn Jang Lành (xã Buôn Đôn) nằm bên tỉnh lộ 1. Ảnh: Hải Dương

Buôn Jang Lành (xã Buôn Đôn) nằm bên tỉnh lộ 1. Ảnh: Hải Dương

Chia sẻ với PV VietNamNet về việc có nhiều dâu, rể là người dân tộc khác nhau, bà H'tum cho biết vợ chồng bà rất hạnh phúc, may mắn khi toàn bộ dâu, rể đều hiền lành, chăm làm và các con yêu thương lẫn nhau. Bà luôn xem dâu, rể như con ruột của mình.

Theo lời bà H'tum, từ năm 2010, bà bắt đầu đi "mua" rể theo phong tục cho con gái đầu. Đến năm 2024, bà "mua" xong 7 người rể cho 7 người con gái, mỗi người hết khoảng 100 triệu đồng (bao gồm cả lễ vật, tiền, vàng...). Hiện tại, vợ chồng bà đã chia cho mỗi người con 30m2 đất mặt đường để làm nhà, riêng vợ chồng con gái út ở lại với vợ chồng bà.

Gia đình bà có hơn 10ha đất rẫy, hiện đã chia cho con cái mỗi người một ít để làm ăn. Trong đó, vợ chồng con gái út cùng vợ chồng bà làm khoảng 8ha và nuôi hơn 50 con trâu bò.

Nói về ngôi nhà đang ở có kiến trúc độc đáo của người Thái Lan, bà H'tum cũng chia sẻ ngôi nhà này được làm từ những năm 1986, do ông nội là người Thái nên đã theo phong cách này. Trong buôn Jang Lành hiện chỉ có 4 căn nhà mang kiến trúc như vậy.

"Dù hầu hết con cái đã ra ở riêng nhưng lâu lâu, chúng lại tập trung hơn 30 người về nhà bố mẹ để ăn uống, sum vầy. Do có nhiều dân tộc cùng một nhà nên tôi thường xuyên dặn con cháu phải giữ gìn nét truyền thống văn hóa của dân tộc mình, dù có vợ hoặc chồng là dân tộc khác. Vợ chồng tôi cũng may mắn vì hơn 30 người cả con lẫn cháu rất đoàn kết và thương yêu lẫn nhau" - bà H'tum nói.

Biết nói 5 thứ tiếng dân tộc

Do có nhiều dâu, rể là người dân tộc khác nên trong quá trình sinh sống, bà H'tum vừa học hỏi vừa đi nhiều nơi và bản thân bà nói được 5 thứ tiếng, gồm Ê Đê, Lào, M'nông, Kinh và Gia Rai. Ngoài ra, bà biết chút ít tiếng Tày, Mường.

Việc biết nói nhiều thứ tiếng dân tộc giúp bà H'tum dễ dàng giao tiếp với các con dâu, rể.

Anh Y Thanh Tú (phải) rất hạnh phúc khi được gia đình bên vợ quý mến. Ảnh: Hải Dương

Anh Y Thanh Tú (phải) rất hạnh phúc khi được gia đình bên vợ quý mến. Ảnh: Hải Dương

Anh Y Thanh Tú (một người con rể của bà H'tum) cho biết hiện vợ chồng anh sống trong nhà bố mẹ vợ. Tuy nhiên, anh không mặc cảm mà còn rất vui vì được gia đình bên vợ thương yêu, đùm bọc.

"Cuộc sống vợ chồng tôi rất hạnh phúc. Hàng ngày, tôi lên nương rẫy đi làm, có khi đi làm cùng bố mẹ vợ, tối về lại quây quần bên mâm cơm" - anh Thanh Tú chia sẻ.

Anh Hồ Sỹ Chuyên - cán bộ văn hóa xã Buôn Đôn - cho biết gia đình bà H'tum Niê là gia đình tiêu biểu về tình đoàn kết, thương yêu lẫn nhau và chưa hề có điều tiếng gì. Các thành viên đều biết tôn trọng, chia sẻ và cùng nhau phát triển kinh tế.

"Tôi cũng đi rất nhiều nơi nhưng chưa thấy gia đình nào có 5 dân tộc cùng sinh sống với nhau. Đây là trường hợp hiếm hoi và gần như không có ở địa phương này.

Tôi cũng rất nể phục bà H'tum vì biết nói 5 thứ tiếng dân tộc để giao tiếp, trao đổi với con dâu, rể. Bà H'tum còn có điều đặc biệt là mỗi khi con của mình lấy người dân tộc nào là bà mặc đồ dân tộc đó trong đám cưới con, để thể hiện sự tôn trọng bên gia đình thông gia" - anh Chuyên nói.

Buôn Jang Lành được thành lập vào năm 1890, có diện tích tự nhiên hơn 335ha, 241 hộ dân với 958 nhân khẩu. Trong buôn có 11 dân tộc cùng định cư sinh sống, bao gồm Kinh, Ê đê, M'nông, Jarai, Sán chỉ, Khmer, Tày, Thái, Lào, Nùng, Mường.

Buôn có nhiều phong tục tập quán cộng đồng tốt đẹp như cúng bến nước, giao lưu văn hóa cồng chiêng, lễ bỏ mả, cúng sức khỏe, cúng lúa mới mừng mùa.

Kinh tế người dân buôn Jang Lành chủ yếu là chăn nuôi, trồng lúa nước, trồng cây hoa màu theo thời vụ, trồng các loại cây lâu năm... Trong vài năm trở lại đây, do được hưởng thụ nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước nên đời sống người dân buôn Jang Lành ngày càng phát triển cả về kinh tế, xã hội lẫn văn hóa, tinh thần...

Hải Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/than-phuc-cu-ba-nguoi-e-de-biet-noi-5-thu-tieng-dan-toc-khac-nhau-2418001.html