Thân thương bếp củi

Mời quý vị và các bạn nghe Tản văn 'Thân thương bếp củi' của tác giả Lương Thị Hòa, qua giọng đọc Tuấn Tú.

Đôi tay gầy những gân xanh mảnh cẩn thận mở chiếc vung nồi gang nặng trịch. Mùi thơm nếp ào ạt tỏa ra cùng những vân khói xám, vương vất trong lớp bụi nắng chiếu xuyên qua lỗ thông gió bên hông bếp. Nó hít hà hương thơm dai ngọt, dẻo quạnh của nếp già nấu cùng những hạt đậu đen xanh lòng mây mẩy, óng lên sắc rịm như sim chín lưng đồi. Bếp đã tắt lửa nhưng than còn đỏ, lớp xơ dừa khô nỏ với vỏ lạc giữ cho than âm ỉ mãi, nhiệt lượng dưỡng từng thức hạt của đồng ruộng được ủ vùi, bung xòe, kết bện vào nhau. Cả sắc hình đan cài vào hương vị, bịn rịn, ngây ngất. Mấy cành củi khô cháy dở đã tắt lửa nhưng viền than còn vấn vương chút nhiệt, hồng hồng rồi tan biến dần tới khi dịu hẳn, nằm im nghe tiếng người òa lên “Thơm quá!”. Ký ức mùi hương đưa nó trôi về miền xa ngái nơi bếp lửa chờn vờn suốt thời thơ ấu.

Nó chẳng nhớ nổi bao nhiêu lần ngồi canh bếp lửa, chỉ nhớ từ hồi còn là con bé thò lò mũi xanh, nó đã thường loanh quanh cạnh đống rơm khô. Với nó, bếp củi là thân thương cửa nhà, là nhóm nhen nồng ấm gia đình, là nuôi nấng những đẹp xinh của văn minh lúa nước, là trân quý những thức quà dung dị của thân thương xứ sở.

Nó nhớ thuở nhỏ hay theo mẹ xuống bếp. Những ngày đông rét mướt, bếp củi phập phùng lửa rơm đỏ bừng và mùi cơm gạo mới chỉ vừa chín tới xông lên ngào ngạt đôi cánh mũi, bụng nó réo rắt sôi lên. Bếp như hòn than hồng nóng hổi, nó lăn mình vào tìm chút hơi ấm. Nhưng có nơi nào ấm hơn lòng mẹ, nó mon men lại gần chỗ mẹ đang ngồi, nũng nịu rồi ghe ghé mông lên đùi mẹ. Mắt mẹ ngân ngấn nước và cháy lên hai đốm lửa bập bùng như bó đuốc. Trên đốm lửa ấy là chiếc nồi gang nấu cơm đã đen kịt nhọ bếp và chảo thịt mỡ mẹ quay vàng rụm. Mùi thịt thơm ngào ngạt, mê mải vờn hai cánh mũi nó dữ dội. Da mặt mẹ căng bóng, đỏ hừng lên như những hòn than còn mải miết giữ nhiệt ngay cả khi tắt lửa. Những nếp nhăn nông choẹt trên mặt mẹ lặng lẽ xô nhau, mẹ xua nó ra để đôi tay dễ bề nấu nướng. Nó phều môi phụng phịu ngồi xuống cạnh mẹ, rồi vui vẻ lại ngay khi với được một cành cây bé như que đũa, khẳng khiu, vài chỗ lốm đốm mốc trắng. Nó đẩy nhánh cây vào chỗ than đang cháy nỏ, hồi hộp chờ bén lửa, mặt nó sáng hồng khi cành cây nhỏ vụt cháy lên.

Mẹ dạy nó phân biệt rơm rạ, gốc lạc gốc ngô rồi củi khô, trấu lúa. Mỗi thứ bắt lửa nhanh chậm khác nhau, nó còn để ý cả mùi hương khi cháy cũng khác nên phải canh sao cho cơm không khê, chẳng sống. Nếu táy máy mở vung nồi hoài thức ăn sẽ bám đầy hơi khói và tàn tro đen xì phủ lên những hạt cơm trắng ngần trông xấu xí rồi mất cả hương thơm. “Cơm sôi bớt lửa muôn đời chẳng khê”, ông bà ta dặn thế nên mẹ cũng cẩn thận chỉ nó canh chừng lửa nhỏ to đúng lúc. Ngắm mẹ ngồi bên bếp lửa nó thấy sao đẹp đẽ lạ thường, thân thương quá đỗi nhưng khi phải tự mình ngồi canh nó mới hiểu thế nào là tèm nhem khói bếp, hiểu vì sao đôi mắt mẹ ầng ậng nước mỗi buổi nấu cơm.

Hơi nóng phà liên tục vào khuôn mặt nó, lửa như cái lưỡi hung thần tham lam uốn éo, chốc chốc lại chồm tới trên lớp da non nớt và đôi mắt đen như hạt nhãn đã sớm bị hơi khói cay nồng làm cho nhoèn nước. Cố quệt bàn tay bé tí lau cho rõ, vệt than lăn qua cái má phính thành vết nhọ nồi nom đến khôi hài. Mỗi lần như vậy mẹ đều cười hiền lành nhìn nó rồi xua đi rửa mặt. Cơm nước dần trở thành nhiệm vụ của nó. Ngày ngày đánh vật với ngọn lửa hung hăng, nó học cách “nhảy” theo vũ điệu nóng bỏng của ngọn lửa. Thật may nó chưa bị bỏng bao giờ nhưng số lần cơm khê, cơm sống hay thức ăn vướng mùi khói và lấm lem tro bụi quả không ít.

Nó thích nhất khi được nấu bằng thân cây ngô hay củi khô, chúng cứng lại dài, ít khói và cháy dai hơn hẳn rơm rạ. Vừa nấu nó có thể vừa nhẩn nha nêm nếm hoặc gục lên hai đầu gối ngắm ngọn lửa nhẹ nhàng reo trong hoan ca. Với nó, củi lửa cũng có linh hồn riêng, cũng mang vẻ đẹp chỉ mình chúng sở hữu.

Bếp không chỉ là nơi nó ngắm nhìn con mèo loang biếng lười hay chị mái mơ xí xọn mà còn là nơi nó trở thành người con gái vén khéo theo cách mẹ mong. Muốn thức ăn ngon phải vùi than vào một chỗ rồi phả lên mấy vốc trấu lúa hay vỏ lạc khô. Chúng giúp giữ nhiệt và cháy cơm sẽ thơm giòn rộp rộp. Nó mê lắm cơm cháy nấu bằng nồi gang lại được ươm trên than hằng. Khi đã xới vơi cơm, nó háo hức nhờ mẹ lấy đôi đũa cả bẩy ngược lớp cơm cháy dưới đáy nồi. Cơm vàng giòn tróc ra dễ như bỡn. Nó bẻ từng miếng cho vào miệng nhai, rụm rụm, rốp rốp. Cái vấn vương của hạt gạo chính ở chỗ vị ngọt hậu, càng nhai lâu càng nhẩn nha ngọt. Cho nên chẳng cần tới đồ ăn kèm vẫn cảm nhận đủ đầy hương vị của tinh túy đất trời. Nếu có thêm nước thịt sền sệt hay nồi cá kho kẹo lại, vị cay mặn ngọt quện vào tảng cơm cháy giòn tươm, nước miếng chực ứa ra cả trước khi được thưởng thức. Bởi vậy mà chị em nó thường giành nhau ăn cơm cháy, bữa cơm nào cũng chí chóe chẳng nhường.

Nó thích nhất bếp lửa có lẽ là trong những ngày đông tháng giá. Bếp nhà xây kín chẳng mấy khi gió bấc lùa vào. Nó vừa nấu vừa hơ tay trước những vạt lửa bập bùng, chốc chốc lại miết hai lòng bàn tay vào nhau, khe khẽ xoa rồi úp lên má. Cảm giác ấm nóng ru dịu đi hơi lạnh ngày giá. Hôm nào được thêm củ khoai hay bắp ngô mới bẻ vùi vào than hồng thì chẳng còn gì sung sướng bằng. Nếu như khoai luộc, ngô luộc mùi thơm ngọt, vị cũng ngọt thanh thì ngô khoai nướng là thức quà đậm sắc vị quê nhà, thơm hương bếp củi. Tách nhẹ củ khoai nướng, từng sớ khoai ánh lên như mật và những hạt ngô nướng phết thêm mỡ hành thách thức bao kẻ sành ăn. Nó nhớ những khi cả nhà quây quần ăn khoai lang nướng nóng hổi, vừa thổi vừa chấm vào chén mật mía nâu sánh, ngào ngạt, ngọt sắc. Hơi nóng từ củ khoai chùng chình trong tâm trí và vị ngọt vẫn bịn rịn đầu lưỡi mãi tận tới ngày nay. Với nó, đó là vị quê nhà, cái vị chẳng thể nào có được ở mảnh đất nào khác nữa. Người ta nói đúng, món quê ngon nhất khi được ăn ở quê. Xa quê, món ấy chỉ ngon chứ không tròn, không khơi gợi được cái tình, không làm nồng thêm cái ý vị quê hương.

Bếp quê nghèo còn là những chiều dịu nắng nó thong dong dắt trâu từ đồng lúa xa về. Tới triền đê là nó đã có thể trông thấy vài lọn khói lam nhàn nhạt, bồng bềnh phía trên những mái nhà ngói rêu, liêu xiêu bóng chiều. Mùi khói bếp cùng mùi cơm vừa chín tới và thức ăn theo gió chờn vờn trong không khí, tản mác dần với làn hơi mỏng.

Lúc mới vào Nam, nhà nó ở ké chú thím. Chú thím nấu bếp ga, bố nó kê mấy cây tre và chăng tấm bạt lên làm thêm bếp củi. Mùa mưa, nó đi học về lại cặm cụi ngoài đấy nấu cơm. Mưa phả tứ phía, củi ướt không cháy bừng lên được, chỉ có mấy sợi khói đen thậm thụt bay lên. Nước mắt nó chảy giàn cùng nước mưa, loang đầy khuôn mặt. Nó tủi thân, nó nhớ chái bếp ấm êm thuở bé, nhớ căn nhà “chính chủ” ngoài quê. Bố mẹ nó làm về thấy cơm chưa chín thì la mắng, nó chạnh lòng nuốt than thở vào trong. Rồi bố mẹ xây nhà mới, vẫn làm thêm một gian bếp củi. Nó với mẹ lang thang tới các bãi hoang nơi người ta dỡ nhà chuẩn bị quy hoạch khu công nghiệp. Hai mẹ con tìm lặt những hòn gạch còn nguyên vẹn hoặc một nửa, chỉ cần không nát quá, bỏ vào bao tải chở về. Bố thường làm việc tới đêm nên chuyện cửa nhà mẹ trông nom phần nhiều. Nó chỉ có thể xông xáo phụ mẹ, việc tay chân không dám nề hà. Hai mẹ con mua xi, trộn vữa rồi phơi nắng xây cho xong bếp nhỏ. Chái bếp hình vuông, hơi xiêu vẹo và còn nguyên màu gạch thô chứ không tô xi chát vữa cầu kỳ. Khi đặt vào đấy cái kiềng bốn chân cũ đen xì khói bếp và xếp ngay ngắn mớ củi khô, hai mẹ con nó nhìn nhau cười như hoa nở trên khuôn mặt loang lổ mồ hôi.

Bây giờ, nhà nó nấu bếp ga hằng ngày, chỉ những hôm đám giỗ, lễ tết hay khi cần ninh nhừ, mẹ con nó mới lăng xăng bếp củi. Nó cảm tưởng như chỉ dưới lửa phừng bếp củi mới khơi gợi đủ đầy vị ngon của nồi bánh chưng sôi ùng ục mùi nếp nầm trong lá chuối, vị ngọt bùi của nồi chè đậu đen ninh kĩ và cả vị nhừ tươm của nồi canh xương hầm đu đủ ương trong vườn.

Tiếng con Đen ư ử đòi ăn kéo nó về thực tại, phẩy tay nhè nhẹ để lùa hương thơm của nồi xôi mới chín vào cánh mũi, nó hít cho đẫy lồng ngực cái vị ngọt lành của hạt gạo nếp, vị bùi bùi của hạt đỗ đen, lòng cảm thán chẳng có gì hơn được hương đồng gió nội. Nó cẩn thận cời mấy cành củi còn ửng nhiệt ra phía tro nguội chờ tắt hẳn rồi vun lại chỗ than cùng vỏ lạc, xơ dừa. Đậy ngay ngắn chiếc vung nồi, chỉ độ dăm bảy phút nữa thôi là nó có thể xới ra đĩa ăn cùng với chút thịt ruốc bông và chả lụa. Riêng mẹ nó thích ăn với muối vừng muối lạc, vị quê nhà càng đượm càng nồng.

Thân thương bếp củi, vấn vương mùi khói. Những điều bình thường nhỏ bé vẫn lặng lẽ tồn tại, góp thêm cho đời bao ý vị. Bếp củi là tuổi thơ oi oi mùi khói, là nồi cơm thơm ngát mỗi chiều, là bức tranh quê nhạt màu khói lam. Thân thương bếp củi nhen nhóm một tâm hồn bình dị, biết rung cảm trước những điều bé nhỏ, biết nhớ thương những ký ức đời thường, biết tự hào về quê hương xứ sở và biết yêu cả những điều không trọn vẹn./.

VHĐS

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/radio-thanh-hoa/radio-than-thuong-bep-cui/24675.htm