Thân thương làng mật

Dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, về quê gặp Bí thư Chi bộ Khu 8 Phạm Trường Sơn thông báo: Đến ngày 7/3 âm lịch (tức ngày 30/3 này) kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập làng, nhà báo viết một bài về quê nhé! Vui vì làng đã 55 năm tuổi. Lo vì không biết viết gì đây mặc dù mình lớn lên ở đây, trưởng thành từ đây…

Gia đình tôi không phải là một trong những gia đình đầu tiên lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Xuân Khiêng (khu 8 thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên - trước thuộc tỉnh Lào Cai, nay thuộc tỉnh Lai Châu) từ năm 1965. Mãi năm 1979, gia đình tôi mới cùng một số gia đình lên đây và được sắp xếp nối tiếp vào giữa rừng xanh. Ngày đầu mới lên vùng đất này, nhìn thấy tứ bề đồi núi bao bọc, rừng cây xanh tán rậm rì, mặt trời chưa khuất sau dãy núi đã thấy chung quanh tối om om… không khỏi ngao ngán. Cuộc sống quẩn quanh với việc đồng, việc nương, leo núi kiếm củi mỗi ngày, bao nhọc nhằn rù rì kéo đời người ngược xuôi vất vả. Giữa những năm tháng gian nan đó, đói kém hiện hữu trên từng mái nhà, từng gương mặt hằn rõ sự lam lũ. Tuy nhiên, những khó khăn đó chưa thể sánh với những ngày đầu lập làng.

Các bậc cao niên trong làng thường kể cho con cháu nghe thời kỳ đầu như cổ tích về chặng đường hình thành và phát triển làng Xuân Khiêng.

Đầu năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, 30 hộ với 162 nhân khẩu rời làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định thanh bình, êm ả bên sông, theo ô tô, ngồi tàu ngược núi lên vùng đất mới. Từ ga Bảo Hà, vùng đất vốn nổi tiếng với câu ca: “Cọp Bảo Hà…”, đoàn người gồng gánh theo đường bộ qua Văn Bàn, hướng về Than Uyên. Có gia đình con nhỏ phải đặt ngồi một bên quang, một bên là chút ít đồ đạc gồng gánh men theo đường mòn vượt đèo Khau Co. Sau lễ chia tay đầy xúc động ngày 1/4/1965 (tức 30 tháng 2 năm Ất Tỵ), các gia đình rời làng và ngày 7/3 năm Ất Tỵ đặt chân đến vùng đất mới, nên ngày 7/3 âm lịch được lấy là ngày hội truyền thống của làng.

Không thể nói hết nhọc nhằn ngay từ đầu khi đến Than Uyên, những thế hệ đầu tiên lập làng mới phải căng hết sức, dồn hết lực để bắt tay gây dựng cuộc sống. Những ngày đầu đầy gian nan đó, nghĩa tình miền xuôi - miền ngược đậm đà đã gắn kết hai làng Xuân Khiêng và Bản Khiêng cho đến tận hôm nay. Những ngày đó, cán bộ, nhân dân Bản Khiêng (nay là khu 9 thị trấn Than Uyên) đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho các gia đình người Xuân Khiêng ở nhờ, dựng nhà, khai khẩn đất hoang thành ruộng, thành nương màu mỡ, gieo trồng lúa, ngô… sản xuất lương thực, tạo dựng cuộc sống mới. Ngay tên làng Xuân Khiêng cũng được ghép từ miền quê nơi chôn nhau cắt rốn và nơi khởi nghiệp mới ăm ắp nghĩa tình: Xuân Hồng và Bản Khiêng…

Buổi đầu gặp biết bao gian nan, thiếu thốn, thiếu ăn, thiếu muối, thú rừng quẩn quanh đe dọa… tất cả không làm nản lòng những người mới đến. Song, người biết dựa vào nhau và sự lãnh đạo của Đảng để trụ lại. Trong chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, 6 nóc nhà của làng bị thiêu trụi. Khó khăn đè tiếp khó khăn, tưởng chừng không có cơ đứng vững. Nhưng lòng người không nản. Làng tạm sơ tán vào rừng, vẫn khai phá đất hoang, vẫn làm tròn nghĩa vụ với nhà nước. Nhiều trai làng lên đường nhập ngũ hoặc đi dân công hỏa tuyến bên Lào, có người ngã xuống, máu thấm vào đất, người ở lại gánh vác thêm phần việc của họ...

Chiến tranh lui vào quá khứ, nhường bước cho cuộc sống mới. Vùng lau lách hoang dại xưa kia nay là bản làng trù phú. Người dân làng hướng tới làm giàu. Nhiều cách làm giàu, nhiều loại cây được trồng thử để tìm hướng đi. Từ thực tế địa phương, cây mía được trồng, ban đầu chưa được coi trọng, phải qua vài năm thử nghiệm không ít chật vật, cây mía mới được chấp nhận và nhanh chóng lan rộng ra khắp làng. Bên cạnh màu xanh của lũy tre, làng còn có màu xanh của mía trù phú và thơm thảo. Ở làng nhà nào cũng trồng mía làm đường mật (đường phên), mỗi năm dân làng thu hàng chục tấn đường phên… Từ thực tế đó, tôi viết bài báo “Làng mật thơm hương” được đăng Báo Lào Cai số Xuân Nhâm Thân 1992 - mùa xuân đầu tiên ngay sau tái lập tỉnh Lào Cai, đó là hành trang cho tôi bước chân vào làng báo.

Chúng tôi trưởng thành, rời làng tỏa đi công tác khắp miền. Nỗi nhớ Xuân Khiêng luôn thường trực và cứ hễ rảnh rỗi hay thu xếp được công việc, thời gian là phóng về thăm quê. Từ những năm 1990 – đầu 2000, tuyến đường Lào Cai về Than Uyên xuống cấp trầm trọng, hơn 130 km mà đi ô tô mất cả ngày bởi ổ trâu, ổ gà, đá hộc lộc cộc, bụi tung mù mịt, về đến nhà thì từ đầu tóc tới chân tay lấm lem bụi đất. Rồi tuyến đường xương sống chạy dọc làng cũng là nỗi khổ của người dân “mưa lầy lội, nắng bụi mù”. Những ngôi nhà tranh mái cũ bạc theo thời gian…

Từ 1/1/2004 huyện Than Uyên được chia tách về tỉnh Lai Châu mới, mỗi lần về quê, chúng tôi thấy rõ sự thay đổi nhanh chóng đến ngỡ ngàng của vùng đất này. Tuyến đường nhựa rộng dài trải dọc Than Uyên đã mở ra hướng phát triển mới cho huyện nói chung và Xuân Khiêng nói riêng.

Bây giờ về Xuân Khiêng đã thấy diện mạo mới ngay từ cổng làng, những ngôi nhà xây cao tầng thi nhau mọc lên, tôn dáng vóc làng quê vốn nghèo khó lên tầm cao mới. Có những ngôi nhà to đẹp, hoành tráng không khác gì phố thị, những chủ nhân ngôi nhà khiến người khác ngạc nhiên với cách làm giàu nhanh chóng, chắc chắn. Tuyến đường xương sống chạy khắp làng đã được đổ bê tông phẳng phiu, người dân đi lại không còn nỗi lo mỗi mùa mưa lầy lội như trước nữa. Đêm đêm đường điện chiếu sáng vắt quanh làng soi tỏ từng số nhà như phố thị. Và màu xanh. Đứng ở đâu phóng tầm mắt ra xa đều gặp màu xanh của cây cối, rừng ngút ngát, thành quả của thay đổi từ phá rừng trồng cây lương thực kiếm ăn ngày trước đến bây giờ trồng cây gây rừng…

Ngày trước, người làng đếm xem có bao nhiêu thanh niên học cấp 3 (THPT), còn nay thì tính xem có bao nhiêu sinh viên đại học, bao người có trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ… Những con số đầy ắp niềm vui là minh chứng cho sự đổi thay rõ rệt nhất của Xuân Khiêng hôm qua – khu 8 hôm nay. Những người con sinh ra, trưởng thành từ nơi này tiếp tục viết tiếp trang sử, tô thắm nét đẹp mà lớp cha anh mất bao công sức gây dựng, để người dân luôn tự hào về mảnh đất Xuân Khiêng thân thương…

Hải Xuyên

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/than-thuong-lang-mat-z8n20200316143529722.htm