Thân thương ngày gió về

Tháng Ba về hân hoan trong sự giao thoa của tiết Xuân - Hạ. Màu vàng óng ả của nắng non làm bừng sáng không gian ảm đạm sau những ngày mưa Xuân rả rích. Đất trời xoay vần chuyển từ giá buốt sang ấm áp, cây cối vì vậy cũng khoác lên mình chiếc áo mới non xanh mỡ màng.

Những tán bàng trong mùa thay lá ''vẽ'' lên những bức tranh trầm mặc của phố Hà thành. Ảnh: Khánh Huy

Những tán bàng trong mùa thay lá ''vẽ'' lên những bức tranh trầm mặc của phố Hà thành. Ảnh: Khánh Huy

Dạo bước trên phố Hà thành, ta thấy nét đẹp trầm mặc, mang chút hoài cổ của những tán lá bàng từ từ chuyển màu từ xanh sang vàng, rồi đỏ thẫm; nét rực rỡ, tươi mới của hoa phong linh; hay nét dịu dàng trong sắc tím, hồng hoa ban, cũng nhờ vạt nắng non mà trở nên lung linh, bừng sáng, đầy sức sống. Ấy vậy mà, chỉ qua một đêm, Hà Nội trở gió bất chợt mang theo cảm giác vừa thân quen, vừa lạ lẫm… Người xưa vẫn gọi đợt rét này là “rét nàng Bân" - đây là đợt rét muộn, thường xuất hiện vào tháng 3 âm lịch ở miền Bắc.

Theo dân gian, đây là đợt rét cuối cùng của mùa Xuân, gắn liền với truyền thuyết về nàng Bân. Nàng đan áo ấm cho chồng nhưng khi hoàn thành thì trời đã sang Xuân không còn rét nữa. Ông trời thương tình, cho thêm một đợt rét muộn để chiếc áo của nàng đan được chồng mặc.

Đợt rét chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn ngủi, khoảng một tới hai tuần, sắc trời có thể sẽ ảm đạm, xám xịt đôi phần như sự dùng dằng, lưu luyến của mùa Đông còn sót lại. Giữa khúc hoan ca giao mùa tháng Ba của thiên nhiên, trong những gam màu rực rỡ, đủ sắc, đủ hương của màu đỏ đồng lá bàng khi thay lá, vàng ruộm hoa phong linh, đỏ rực hoa hoa gạo, tím hồng hoa ban thì những cơn gió lạnh bất chợt ghé thăm như mang tới cho Hà Nội thêm nét đẹp trầm mặc, cổ kính.

Sáng sớm, dưới cái lạnh se sắt, dù có đôi chút bất ngờ nhưng nhịp sống người Hà Nội vẫn vậy. Bên cạnh phố xá tấp nập người, xe, vẫn có nét thong dong, trầm tĩnh. Các cụ cao niên vẫn nhịp nhàng với bài tập dưỡng sinh; những bác xe ôm hay những người đã luống tuổi ngồi góc vỉa hè nhấp ngụm trà nóng...

Chiều chiều, ta lại bắt gặp vài bác trung niên túm năm, tụm ba bên bàn cờ tướng trước cửa nhà. Những gánh hàng rong, gánh hoa tháng Ba vẫn nhẹ nhàng trôi trên phố; có gánh bún rong ngang qua; chiếc xe đạp cũ với mẹt bánh rán phố cổ vàng óng ả, hay cô bán nước thong thả kê chiếc ghế nhỏ ở ven bờ hồ… Thoang thoảng theo chiều gió, mùi thơm của một món ăn bình dị, gần gũi, dễ khiến người ta kiếm tìm chút ấm áp trong cái lạnh tái tê.

Đêm muộn, khi người người, nhà nhà đã an yên trong tổ ấm của mình, khi từng cơn gió lạnh chốc chốc lại đập vào cánh cửa sổ, dưới ánh đèn le lói hắt xuống mặt đường vắng lặng, trông bóng dáng thân quen của ai đó đổ dài dưới nền đường. Họ vẫn cặm cụi, cần mẫn theo từng nhịp chổi đưa, làm đẹp cho đời. Để sớm đầu tuần, dù cái rét có căm căm, dù cái lạnh có tái tê, dù cơn mưa phùn có bất chợt kéo qua thì phố phường vẫn sạch sẽ, đẹp xinh.

Trong cái rét ngọt cuối mùa, Hà Nội càng đẹp giản dị của những tiếng rao đêm, những xe bánh mì, nồi sắn hấp, gánh xôi đêm làm ấm lòng người lao động. Những hình ảnh thân thương, gần gũi ấy luôn là một phần của Hà Nội, để thấy được Hà Nội không chỉ phồn hoa, tấp nập mà còn giản dị, bao dung, ôm ấp cả những kiếp người mưu sinh.

Mỗi mùa ở Hà Nội đều mang những dáng hình khác nhau. Tôi yêu tháng Ba không chỉ bởi sắc màu thiên nhiên, như bản nhạc với những nốt trầm, bổng đa sắc, mà còn yêu cả những lúc đổi thay bất chợt của thời tiết để ta thấy luyến tiếc, trân trọng những mùa sắp qua, như cách mình gìn giữ và trân trọng quá khứ, rồi mở lòng đón nhận những điều mới mẻ, sẵn sàng cho một hành trình mới với nhiều đổi thay tươi sáng.

Mai Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/than-thuong-ngay-gio-ve-414237.html