'Thần tích Việt truyện' - Trẻ học làm người qua những câu chuyện thần tiên
Thông qua những mẩu chuyện được nhóm tác giả chủ động viết lại cho phù hợp với xu hướng thời đại, giản lược một số tình tiết nặng tính giáo điều, báo đáp hận thù, quyển thứ hai của bộ 'Thần tích Việt truyện' được kỳ vọng sẽ giúp kiến tạo lối sống cao đẹp, hướng thiện, vì cộng đồng,... cho trẻ nhỏ.
Từ giữa năm 2019, nhóm dự án cộng đồng của nữ tác giả Huyền Trang đã cho ra mắt tập đầu tiên của bộ truyện cổ tích đương đại "Thần tích Việt truyện", nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của nhiều phụ huynh và độc giả nhỏ tuổi.

"Thần tích Việt truyện" giúp trẻ học làm người qua những câu chuyện thần tiên.
Tiếp nối thành công ấy, từ những ngày đầu Xuân mới, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM đã phối hợp với nhóm tác giả của dự án để phát hành quyển thứ hai của bộ sách.
Giống tập đầu tiên, Thần tích Việt truyện quyển số 2 cũng được các tác giả điều chỉnh khéo léo vài chi tiết, nội dung vốn dĩ có thể “gián tiếp” làm xấu tinh thần, nhận thức của độc giả trẻ em bởi sự khác biệt về văn hóa đương thời lẫn xu hướng cuộc sống hiện đại. Dẫu thế, cùng với những bức tranh vẽ minh họa đầy xúc tích, các nội dung được thể hiện trong Thần tích Việt truyện quyển số 2 vẫn giữ được nét bay bổng tựa như truyện cổ tích, thần thoại lẫn giả tưởng, và bằng cách này cuốn hút các em nhỏ đồng hành với hàng loạt tuyến nhân vật.
Trong tâm trí của mọi đứa trẻ, điều ước gửi đến bà tiên luôn mầu nhiệm, ông bụt luôn che chở cho người yếu thế. Và đúng như vậy, các mẩu chuyện sẽ giúp các em dễ dàng nhận thấy rõ đâu là điều xấu, cái tốt; trân trọng rường mối láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, đùm bọc yêu thương nhau trong nghĩa đồng bào; đề cao đạo lý – trung hiếu trong tất cả mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc.
Đơn cử, trong bộ truyện này, sự cao thượng của hành động Hoàng cứu sống Kim đã được đền đáp, bởi đó là nét đẹp của tính thiện của mỗi con người, hay như tình bạn sắt son giữa Lý Sự và Trương Khỏe để cùng nhau tồn tại bất chấp những khiếm khuyết của mỗi người về thể chất, trí tuệ...
Ngoài ra, nhân vật chú tiểu Kiên và vị sư phụ Huyền Không đã mang đến một cái kết hoàn toàn “có hậu” cho nhóm sơn tặc khi mà ông bà ngày xưa luôn có câu “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”, và rằng mọi sự nhẫn nại trong sống – học tập và làm việc đều sẽ được đền đáp xứng đáng.
Có thể thấy rằng, đọc sách cũng là một phương pháp để phụ huynh từng ngày một cùng trẻ bổ sung kho kiến thức về thường thức đời sống, về sự hướng thiện trong suy nghĩ cho đến việc làm. Và hơn bao giờ hết, duy trì một văn hóa đọc thường xuyên sẽ giúp con trẻ chủ động phát huy trí tưởng tượng, lĩnh hội kiến thức.
Với gần 60 mẩu chuyện nhỏ được bố cục trong 9 câu chuyện chính, Thần tích Việt truyện quyển số 2 nói riêng và cả hai tập truyện Thần tích Việt truyện nói chung chắc chắn sẽ khiến bọn trẻ thích thú đọc và nghiền ngẫm.
Sách hiện có bán tại cửa hàng sách Văn hóa Văn nghệ (88-90 Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) và đường sách Nguyễn Văn Bình (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).