Bài 2: Linh thiêng tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong hành trình khám phá di sản văn hóa phi vật thể dọc sông Hồng, chúng tôi có dịp đến thăm nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại các tỉnh và tìm hiểu nhiều nét văn hóa đẹp của các địa phương, các dân tộc. Dọc dài đôi bờ dòng sông, tín ngưỡng thờ Mẫu sâu đậm trong đời sống văn hóa tâm linh của các cộng đồng.

Mẫu vừa hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, vừa lắng sâu trong tâm khảm mỗi con người khi nhớ về tổ tiên bao đời. Bởi vậy, trên đất nước ta nói chung, cư dân đôi bờ sông Hồng nói riêng từ lâu đã hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu, hiển hiện không chỉ ở những ngôi đền với hình hài rõ nét, mà còn ở trong tâm thức, trí tưởng tượng của mỗi con người. Tín ngưỡng này hình thành từ lòng tôn kính, ý thức tưởng nhớ tổ tiên. Bởi Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà, tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.

Nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Dọc sông Hồng từ Lào Cai tới Thái Bình có rất nhiều ngôi đền nổi tiếng được nhiều người tìm tới tham quan, bái vọng. Chẳng hạn, bắt đầu từ Lào Cai có đền Mẫu Trịnh Tường (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát), Đền Mẫu, Đền Thượng, Đền Cấm, đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai); tại Yên Bái có đền Đông Cuông (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên), đền Tuần Quán (thành phố Yên Bái); tại Phú Thọ, cách xa quần thể Đền Hùng (tại thành phố Việt Trì) là đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa); tại Nam Định là Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản); tại Thái Bình là Đền Trần, đền Mẫu Tiên La, đền Thánh Mẫu…

“Các ngôi đền không chỉ là nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ thánh, thần của Nhân dân, mà còn là “cột mốc văn hóa tâm linh”. Đặc biệt, tại Lào Cai, những đền thờ Mẫu còn góp phần đánh dấu chủ quyền quốc gia nơi biên ải” - Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa nhấn mạnh.

Tháng Ba - mùa hoa gạo đỏ in bóng dòng sông Hồng cũng là thời điểm diễn ra lễ hội đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Ngôi đền nằm ngay bên bờ sông Hồng và cách cột mốc biên giới số 94 khoảng 30m, án ngữ ở vị trí hết sức quan trọng về mặt tâm linh, điều này càng củng cố hơn về “cột mốc tâm linh” của cha ông ta dựng lên nơi vùng biên ải. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân các dân tộc nơi đây đã tổ chức bắn chìm nhiều tàu thủy của quân Pháp khi hành quân lên Trịnh Tường và từ đó, thác hùng vĩ trên sông mang tên gọi “Thác Tây”.

Ý kiến đánh giá của các bậc cao niên và các nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân của Thánh Mẫu toàn năng, trông coi miền rừng núi - địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Đền Mẫu Trịnh Tường chính là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn. Mẫu với khuôn trăng đầy đặn, nét mặt hiền từ, mặc áo màu xanh, choàng khăn xanh. Trong đạo Tứ Phủ (người cai quản Nhạc Phủ), Mẫu Thượng Ngàn là người có công to lớn trong việc cung cấp nguồn của cải, trị vì thiên tai, giúp đỡ con người nơi núi rừng biên ải. Sự xuất hiện và tồn tại của đền Mẫu Trịnh Tường ở Bát Xát - Lào Cai nhằm ca ngợi và tôn vinh vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ngày nay, Đền Mẫu mở cửa đón khách thập phương về dâng hương cầu phúc, cầu tài, cầu lộc.

Đến với Đền Mẫu, mọi người như được trở về với quá khứ lịch sử, nhớ về cha ông suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó là ý niệm, là tâm linh, tư tưởng yêu nước, sự biết ơn những người có công với nước, với quê hương xuyên suốt lịch sử. Đồng thời, cũng là truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, là cội nguồn của đời sống tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc trong mọi hoàn cảnh từ xưa cho tới hôm nay.

Từ Trịnh Tường, xuôi dòng sông Hồng hơn ba chục cây số là ngã ba sông (sông Nậm Thi hợp lưu với sông Hồng) in hình ngôi đền cổ với niên đại hơn 300 năm - Đền Mẫu (ở phường Lào Cai, thành phố Lào Cai). Ngôi đền nằm ở vị trí cửa ngõ biên giới, cạnh trục đường giao thương hai nước Việt - Trung. Trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, không gian đền trở nên rộng mở, khoáng đạt, uy nghi. Mẫu Liễu Hạnh - một trong "Tứ bất tử", người mẹ linh kiệt trong tiềm thức dân gian của dân tộc Việt Nam ngự trong ngôi đền này. Quá trình hình thành ngôi đền gắn với hoạt động giao thương giữa hai nước Việt - Trung. Vùng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) ngay từ thời cổ đại đã là nơi tấp nập giao thương. Tương truyền rằng, vào thế kỉ XV, tại đây thường xuyên có thú dữ hoành hành, nạn giặc quấy nhiễu, Mẫu Liễu Hạnh đã hiển linh làm người bán hàng cơm, hàng nước cứu độ, làm phúc cho dân lành, giúp triều đình giữ gìn bờ cõi. Để tưởng nhớ công lao của Mẫu Liễu Hạnh, thế kỉ XVIII, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ nhỏ bên dòng Hồng Hà, Nậm Thi. Đền Mẫu ở Lào Cai đã được các triều đại nhà Nguyễn ban cho 3 đạo sắc phong: Tự Đức năm thứ 6 (ngày 24/9/1853), Tự Đức năm thứ 33 (ngày 24/11/1880) và Khải Định năm thứ 9 (ngày 25/7/1924). Hiện nay, các sắc phong này vẫn còn lưu giữ tại đền. Năm 2011, Đền Mẫu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trở thành cột mốc văn hóa nơi cửa ngõ biên giới.

Rời Lào Cai, chúng tôi xuôi dòng sông Hồng hơn 100 km tới đền Đông Cuông tọa lạc tại thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Đây là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn trong tục thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt nên từ lâu, ngôi đền đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm dọc sông Hồng.

Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng Ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản, lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết: Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng Ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng Ngàn. Hằng năm, bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh".

Cũng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Phủ Dầy (tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thờ Mẫu Liễu Hạnh - người đứng đầu hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu và cũng chính là một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam được nhiều người tôn thờ. Tính trên địa bàn cả nước và các tỉnh dọc sông Hồng, có rất nhiều nơi thờ cúng Thánh Mẫu nhưng nơi trang nghiêm và long trọng bậc nhất chính là Phủ Dầy (Nam Định), được xây dựng từ thế kỷ XVII. Nơi đây được xem là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 1975 được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Mỗi năm, có hàng triệu lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về vãn cảnh, dâng hương kính Mẫu, cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ, Thủ nhang phủ chính Phủ Dầy tự hào chia sẻ: Từ khi thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, Phủ Dầy ngày càng khẳng định được vị thế và trở thành điểm đến của du lịch tâm linh đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ đã hình thành và phát triển cùng với quá trình cư trú của người Việt dọc sông Hồng. Sự đa dạng của các loại hình di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, đặc biệt là hệ thống các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu đã tạo nên đời sống văn hóa tinh thần độc đáo của các cộng đồng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển hiệu quả loại hình du lịch văn hóa tâm linh, là cơ hội "biến di sản thành tài sản", giúp các nghi lễ, nghi thức dân gian được bảo tồn và phát huy.

Bài 3: Lắng sâu giai điệu dân ca

Tô Dung - Đức Toàn - Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-2-linh-thieng-tin-nguong-tho-mau-post399517.html