Thần tốc vượt biển giải phóng Trường Sa

Phố biển Đà Nẵng những ngày cuối tháng 3-2021. Từ sáng sớm, hội trường UBND phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (địa bàn hoạt động của Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5 thời kỳ chiến tranh) đã chật kín khách mời.

Dường như đại biểu nào cũng muốn có mặt sớm để tham dự buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5). Đây là cuộc hội ngộ đồng chí, đồng bào, đồng đội, một cuộc giao lưu các thế hệ hôm qua và hôm nay để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm chiến đấu kiên cường, dũng cảm và đầy mất mát, hy sinh. Trong buổi gặp mặt này, chúng tôi được nghe các cựu chiến binh (CCB) kể nhiều về ký ức hào hùng của các lực lượng thần tốc vượt biển, tham gia giải phóng Quần đảo Trường Sa năm ấy....

Đã hẹn trước, nhưng tôi phải chờ cho buổi lễ gặp mặt kết thúc mới tiếp cận được với các nhân chứng lịch sử. Sau cái bắt tay chắc nịch, CCB Bùi Quang Giang (nguyên Trung úy, Chính trị viên Đội 3, Tiểu đoàn Đặc công nước 471) chậm rãi kể: “Sau khi tham gia cùng các lực lượng vào giải phóng và tiếp quản thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975, đầu tháng 4-1975 chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với Đoàn 126 Đăc công Hải quân tham gia cánh quân thứ 6 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh chiếm giải phóng quần đảo Trường Sa. Nhận nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vừa phấn khởi, vừa lo lắng. Tuy là đơn vị đặc công nước đánh chiếm nhiều trận tiêu biểu, phá hủy hàng chục tàu chiến, hàng chục cây cầu và quân cảng của địch ở Đà Nẵng, song lần này ra giải phóng các đảo giữa mênh mông sóng nước, xa hậu cứ, nên cán bộ, chiến sĩ phân vân, lo lắng. Bởi lẽ, lâu nay đặc công nước chỉ đánh cầu, đánh tàu, đánh kho tàng ở ven cảng, ven sông, ven đầm hồ. Lần này phải từ tàu đột nhập, tiền nhập, tiếp cận vào đảo. Trong khi đó, quanh đảo, trên đảo, đối phương bố phòng như thế nào ta chưa nắm rõ vì không được đi trinh sát.

Các cựu chiến binh là những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5) tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa trò chuyện trong ngày gặp mặt tại Đà Nẵng.

Các cựu chiến binh là những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5) tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa trò chuyện trong ngày gặp mặt tại Đà Nẵng.

CCB Bùi Quang Giang xúc động kể lại: Tôi nhớ rất rõ thời điểm các đơn vị được giao nhiệm vụ thiêng liêng này, đó là vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp -Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi đi bức điện mật về Quần đảo Trường Sa. Đến ngày 9-4-1975, trong lúc các cánh quân trên bộ thần tốc tiến vào đánh chiếm thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai), tuyến phòng thủ vòng ngoài của ngụy quyền Sài Gòn thì Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân nhận lệnh: Khẩn trương triển khai lực lượng vượt biển ra giải phóng Quần đảo Trường Sa. Thời điểm đó, Đội 1 thuộc Đoàn đặc công Hải quân 126 đang làm nhiệm vụ bảo vệ một số căn cứ tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) thì được lệnh bàn giao gấp cho Quân khu 5 và tập kết ngay tại quân cảng Đà Nẵng. Ngoài lực lượng đặc công nước của hải quân còn có một phân đội hỏa lực của Tiểu đoàn đặc công nước 471 (Quân khu 5) đi cùng phối hợp. Lực lượng đổ bộ lên đảo (gồm ba phân đội của đội 1) được thành lập, phiên hiệu là Đoàn C75, do đồng chí Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn Đặc công Hải quân 126 chỉ huy.

Vào khoảng 20 giờ ngày 10-4-1975, biên đội 3 tàu của Đoàn 125 gồm 673, 674 và 675 cập bến tại quân cảng Đà Nẵng và được cải trang thành tàu đánh cá, không số hiệu, không treo cờ. Các bộ phận nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị sẵn sàng ra khơi. Là đơn vị phối thuộc dưới sự chỉ huy của đồng chí Đoàn trưởng Mai Năng, Ban chỉ huy đội 1 được biên chế mới. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quế (Đoàn 126) là đội trưởng. Tôi được giao nhiệm vụ là chính trị viên (thay thế đồng chí Nguyễn Văn Thảng – sau này là Chính ủy Quân khu 5). Đồng chí Đỗ Viết Cường (Đoàn 126) và đồng chí Nguyễn Viết Thừa (Tiểu đoàn 471) là đội phó. Lực lượng chiến đấu được biên chế lại, 50 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 471 chúng tôi đã tham gia chiến đấu ở chiến trường nhiều năm được bố trí xen kẽ với 172 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 126 mới xong khóa huấn luyện chưa qua thực tế nhằm bảo đảm sức chiến đấu của các mũi tiến công, đủ sức đánh chiếm dứt điểm, giải phóng các đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các đại biểu trong buổi Gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5).

Các đại biểu trong buổi Gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5).

Sau khi hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, đêm 11-4-1975, hơn 220 cán bộ, chiến sĩ Đoàn C75 xuống các tàu 673, 674, 675 do 3 đồng chí thuyền trưởng có nhiều kinh nghiệm đi biển là Phạm Duy Tam, Nguyễn Xuân Thơm và Nguyễn Văn Đức chỉ huy lặng lẽ ra khơi. Toàn bộ lực lượng đặc công chủ yếu được bố trí nằm dưới hầm tàu, trên boong 3 con tàu được bố trí chài lưới và một số chiến sĩ ăn mặc quần áo ngư dân đánh cá để che mắt địch.

Đêm 11-4-1975, các tàu tham gia giải phóng Trường Sa được lệnh nhổ neo rời quân cảng Đà Nẵng. Trong các ngày 12 và 13-4-1975, các tàu 673, 674 và 675 đang thẳng tiến thì bất ngờ gặp 3 chiếc tàu chiến của hạm đội 7 Mỹ. Chúng dùng máy bay trực thăng bay thấp thám thính. Trước tình thế như vậy, Đoàn trưởng Mai Năng ra lệnh chuyển hướng tàu di chuyển theo hướng Bắc.

"Tàu địch thấy vậy cho rằng tàu chúng tôi là tàu đánh cá của ngư dân Hồng Kông nên chúng bỏ đi. Sau khoảng thời gian căng thẳng đấu trí, các tàu của ta chuyển hướng thẳng tiến về phía Quần đảo Trường Sa. Lúc này, Đoàn trưởng Mai Năng và Ban chỉ huy Đội 1 chúng tôi xác định phương án tác chiến là vừa trinh sát, vừa sẵn sàng đánh địch. Đó là lối đánh cường tập bởi vì không còn đủ thời gian, điều kiện để tổ chức trinh sát. Với Binh chủng Đặc công, đây là phương án tác chiến được vận dụng trong các trường hợp đặc biệt cấp bách. Với quyết tâm thần tốc vượt biển, đến 19 giờ 30 phút ngày 13-4-1975, ba chiếc tàu chở các lực lượng của ta đã hành quân đến khu vực đảo Song Tử Tây. Các lực lượng nhanh chóng bố trí tiếp cận từ 3 hướng Đông, Đông Nam và Tây Nam của đảo. Với kỹ thuật đặc biệt của bộ đội đặc công nước, các mũi hướng khẩn trương tiếp cận các mục tiêu được phân công. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng. Lúc này, bọn địch trên đảo cố thủ trong công sự chống trả quyết liệt. Sau hơn 30 phút giao chiến, 6 lính ngụy bị ta tiêu diệt, 33 tên còn lại xin đầu hàng. Lực lượng của ta có 2 đồng chí anh dũng hy sinh. Đó là hạ sĩ Tống Văn Quang, chiến sĩ Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) và hạ sĩ, tiểu đội trưởng Ngô Văn Quyền, thuộc Đoàn đặc công Hải quân 126...", CCB Bùi Quang Giang kể lại.

 Các đại biểu trong buổi gặp mặt cùng ôn lại những kỷ niệm một thời đánh giặc.

Các đại biểu trong buổi gặp mặt cùng ôn lại những kỷ niệm một thời đánh giặc.

Câu chuyện giữa tôi và CCB Bùi Quang Giang gián đoạn, khi CCB Phan Xuân Ạp (nguyên Chuẩn úy, Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn Đặc công nước 471) ngồi cạnh tôi, giọng bùi ngùi: “Hạ sĩ Tống Văn Quang (quê ở xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) hy sinh khi tuổi đời mới 22. Hôm ấy, chúng tôi chỉ biết lấy tăng võng bọc lại, đào huyệt cát an táng Quang, rồi nổ súng tiễn biệt đồng đội...”

Sau phút xúc động, câu chuyện CCB Bùi Quang Giang kể giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về những trận đánh kiên cường của ta trên quần đảo Trường Sa mùa Xuân ấy....Thực hiện phương án tác chiến đánh chiếm đảo Sơn Ca, đúng 1 giờ 30 phút ngày 25-4-1975, các lực lượng tiếp tục tổ chức thành 3 mũi tiếp cận ở 3 hướng đánh chiếm đảo. Đúng 2 giờ 30 phút, cuộc tiến công bắt đầu. Hai tên lính ngụy bị ta tiêu diệt ngay từ loạt đạn đầu. 23 tên còn lại lùi vào cố thủ trong công sự chống trả quyết liệt. Lúc này quân dự bị của ta ở trên tàu 675 đổ bộ tiếp thêm lực lượng bao vây chặt các hướng phòng ngự của địch. Biết không thể chống trả, toàn bộ 23 tên địch kéo nhau ra hàng. Đúng 3 giờ sáng, quân ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca.

Sau khi bị mất đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca, địch cho hai tàu HQ-12 và HQ-16 ra di tản lực lượng quân ngụy đồn trú trên 3 đảo còn lại do chúng chiếm đóng. Trước tình hình như vậy, cấp trên ra lệnh các lực lượng của ta khẩn trương tổ chức thành 3 mũi nhanh chóng giải phóng đảo Sinh Tồn vào ngày 27-4-1975.

Với quyết tâm không cho địch kịp trở tay, vào lúc 8 giờ 15 phút ngày 28-4-1975, tôi và đồng chí Mai Năng chuẩn bị chỉ huy lực lượng tiến công giải phóng đảo Nam Yết, thì được lệnh của cấp trên giao nhiệm vụ triển khai ngay đội hình sẵn sàng đánh trả các tàu nước ngoài vào chiếm đảo. Đúng như dự đoán của Bộ Tổng tư lệnh, 12 giờ ngày 28-4-1975, 2 tàu lạ xuất hiện ở phía Bắc đảo, chúng thấy cờ đỏ sao vàng của ta đã phấp phới tung bay trên các đảo, nên chúng dừng lại từ xa thả những thứ như thùng phuy xuống nước, rồi rời khỏi vị trí. Ngay chiều hôm đó tôi được đồng chí Mai Năng giao nhiệm vụ chỉ huy 1 mũi thần tốc vượt biển gần 180 hải lý khẩn trương giải phóng hòn đảo cuối cùng do ngụy quyền Sài gòn chiếm đóng, đó là đảo Trường Sa Lớn. Với khí thế dũng mãnh tiến công, vào lúc 9 giờ sáng ngày 29-4-1975, lá cờ đỏ sao vàng bách chiến, bách thắng của quân ta đã phần phật tung bay trên đỉnh sở chỉ huy của đảo, Quần đảo Trường Sa hoàn được giải phóng....

Trao đổi với chúng tôi bên lề buổi gặp mặt truyền thống, CCB Nguyễn Nhân, hiện đang sinh sống tại Bình Định (nguyên là Thượng sĩ, Đài trưởng Đài Thông tin 15W, Tiểu đoàn Đặc công nước 471), nhớ lại: “Ngày ấy thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc giữa đất liền và đảo gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu nên tín hiệu chậm, nghe không rõ. Vì vậy, chúng tôi động viên nhau khắc phục khó khăn, hỏi đi, hỏi lại nhiều lần, cố gắng để bảo đảm điện đi - đến thật chính xác. Hơn một tháng chiến đấu giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thực phẩm chủ yếu là trứng chim luộc với muối tự làm, lương khô, gạo sấy mang theo. Trên đảo chỉ có rau sam dại. Bộ đội hái luộc ăn, mặn chát, nên bị đau kiết lỵ. Ngày ấy khí hậu Trường Sa khắc nghiệt, ngày nắng, đêm mưa. Hầu như đêm nào cũng mưa, gió bão thốc từng cơn, cát bụi bay mù trời...

Gian khổ là thế, vất vả là vậy nhưng chúng tôi vẫn vượt qua được, bởi giải phóng biển đảo quê hương là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng, là niềm tự hào của người chiến sĩ. Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày Quần đảo Trường Sa được giải phóng, ký ức về trận đánh vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua. Thắng lợi của mũi tiến công thần tốc giải phóng Trường Sa không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc!”.

Bài và ảnh: TIẾN DŨNG – VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/than-toc-vuot-bien-giai-phong-truong-sa-657651