Thận trọng các chương trình liên kết quốc tế

Theo Bộ GDĐT, tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của 44 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam với 102 cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù các chương trình liên kết được triển khai từ cuối những năm 1990, tuy nhiên đến năm 2005 công tác kiểm định chất lượng mới được đưa vào Luật Giáo dục 2005 và tới năm 2012 mới có quy định cụ thể về liên kết đào tạo (quy định tại Luật Giáo dục ĐH 2012). Hiện đang có hàng chục nghìn sinh viên theo học các chương trình liên kết này với các đối tác ở Anh, Mỹ, Pháp, Australia…

Lễ tốt nghiệp cho cử nhân các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: NTCC.

Lễ tốt nghiệp cho cử nhân các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: NTCC.

Hành lang pháp lý chính thức cho hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài hiện nay của các chương trình này được thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác đầu tư với nước ngoài và Thông tư số 38/2020 của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh và tổ chức đào tạo các trình độ nên đã dẫn đến 62,71% chương trình liên kết ĐH nước ngoài hiện không được xếp hạng, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào như năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và điểm thi THPT tương đối thấp.

Ghi nhận hiện nay các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam khá đa dạng về hình thức lựa chọn. Về chương trình đào tạo quốc tế đang được giảng dạy hiện nay chủ yếu được “nhập khẩu” 100% từ trường đối tác.

Dẫu vậy, do chưa đủ chế tài giám sát, đánh giá nên khi các chương trình liên kết ồ ạt ra đời, người học không có căn cứ để đánh giá, lựa chọn ngoài và được xếp chung vào một giỏ không kể chất lượng ra sao. Các chương trình này cũng chưa có danh sách trên website của Bộ GDĐT, dẫn đến việc học sinh gặp khó khăn khi tìm kiếm các thông tin chính thống, khách quan về các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài. Phụ huynh thì bối rối, không biết đâu là chương trình uy tín, có chất lượng để con em theo học.

Để không "vàng thau lẫn lộn", nhiều chuyên gia đề xuất cần sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này và ban hành cơ chế để các cơ sở đào tạo Việt Nam tiếp cận được với các mô hình đào tạo nước ngoài tiên tiến, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới về hội nhập giáo dục ĐH.

Là đơn vị đang triển khai 6 chương trình cử nhân liên kết đào tạo với nước ngoài, TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đầu vào. Bởi để được cấp văn bằng của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài, sinh viên phải có trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (từ IELTS 5.5 trở lên với tiếng Anh).

Đề xuất về chính sách mới, ông Thuận cho rằng Nghị định 86 đang tập trung vào các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài nhưng tổ chức tại Việt Nam chứ chưa có quy định, quy chế rõ ràng cho các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tổ chức tại nước ngoài.

Lưu ý với các thí sinh, các chuyên gia cho rằng khi chọn trường liên kết phải quan tâm đến khâu kiểm định chất lượng, có xếp hạng càng cao càng tốt. Nếu chất lượng không tốt thì tấm bằng tốt nghiệp sẽ không có giá trị.

Lời khuyên của ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) là người học phải tìm hiểu kỹ cơ hội nghề nghiệp, cơ hội học tiếp ở trình độ cao hơn; thông tin về chi phí… Bất cứ trường nào cũng có cộng đồng những người đã tốt nghiệp và đi làm, đó làm một kênh tiếp nhận thông tin rất tốt cho người học.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/than-trong-cac-chuong-trinh-lien-ket-quoc-te-10282190.html