Thận trọng các loại thực phẩm 'giải rượu thần tốc'
Sau khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia được ban hành, trên các trang mạng xã hội và trang thương mại điện tử rao bán tràn lan các loại thực phẩm giải rượu 'thần tốc'. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, người dùng cần thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm này.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia. Nghị định ra đời đã đưa ra mức xử phạt với tài xế sử dụng rượu bia, dù sử dụng nhiều hay ít với tất cả phương tiện. Còn nồng độ cồn chỉ sử dụng để áp các mức xử phạt khác nhau, thấp hoặc cao.
Kể từ khi thực hiện Nghị định 100/2019 rất nhiều tài xế bị xử phạt do có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Trong khi các quán nhậu thưa vắng khách nhậu, sức mua rượu bia vào cuối năm giảm thì các dịch vụ ăn theo sau khi Nghị định có hiệu lực nở rộ, trong đó có việc bán sản phẩm giải rượu cũng rầm rộ hút khách.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường hiện có hàng trăm loại sản phẩm có tên gọi giải rượu được rao bán nhộn nhịp từ dạng viên, nước, cho đến dạng bột. Hầu hết các loại này có xuất xứ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật, Mỹ… Theo đó, trên một trang thương mại điện tử đang rao bán một loại nước giải rượu được quảng cáo là được nhập khẩu tại Hàn Quốc có tác dụng tăng tửu lượng, chống say, chống mệt mỏi sau say… và chỉ cần uống một chai trước khi uống rượu bia. Giá của loại nước này cũng được bán ở mức từ 500.000 – 800.000 đồng/1 hộp 10 chai nhỏ.
Bên cạnh nước giải rượu thì kẹo giải rượu được rao bán rộn ràng và được quảng cáo giúp lâu say và tỉnh rượu chỉ 1 giờ sau khi sử dụng. Các loại kẹo này được người bán giới thiệu là hàng Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… với giá dao động từ 30.000 đồng đến 300.000 đồng/gói.
Chia sẻ về các loại thực phẩm được quảng cáo giải rượu thần tốc được rao bán trong thời gian gần đây, Ths.Bs Nguyễn Văn Nhôm, bệnh viện Quốc tế City cho biết, cơ chế của thuốc giải rượu giống như những chất men để chuyển hóa rượu làm người dùng có cảm giác bớt say hơn nhưng thực tế thuốc không làm giảm nồng độ cồn trong máu. Nên khi uống rượu bia những chất gây hại cho gan vẫn tồn tại và hiện nay không có loại thuốc nào chứng minh giúp giải độc cho gan. Những thành phần trong thuốc tăng cường chuyển hóa chất men nên tùy từng loại thuốc có khả năng thúc đẩy làm quá trình chuyển hóa rượu nhanh hơn.
Bác sĩ Nhôm cũng cho biết thêm, thuốc giải rượu chỉ là thực phẩm chức năng giúp quá trình giải rượu nhanh hơn so với bình thường nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc lạm dụng các loại sản phẩm giải rượu nhiều khi còn gây nguy hại cho sức khỏe. Khi uống nhiều thì không loại thuốc nào giúp giải độc gan hiệu quả.
Trước thông tin về các sản phẩm giải rượu được rao bán trên thị trường, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định hiện tại Việt Nam, chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc. Bác sĩ Nhôm khuyến cáo, không uống rượu bia quá đà bởi có thể gây nguy hiểm tiềm tàng về lâu dài. Khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cần xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng và đặc biệt thuốc, kẹo được phép lưu hành được cấp phép của Bộ Y Tế. Không nên chủ quan và cho phép bản thân uống rượu bia tràn lan khi có thuốc giải rượu.
Theo Bộ Y tế rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn nên hãy hạn chế uống. Nếu có uống không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống - tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống. Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương...Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia.