Thận trọng khi sử dụng thuốc trị vẩy nến

Da sần sùi, bong tróc, khô, nứt nẻ, ngứa ngáy... là những biểu hiện của bệnh vẩy nến khiến những người mắc rất khó chịu. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ tránh cho người bệnh khỏi những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và tránh phiền toái trong cuộc sống.

Nhận dạng bệnh vẩy nến

Vẩy nến là một bệnh da mạn tính, thường gặp, chiếm 1-2% dân số thế giới, gặp ở mọi lứa tuổi. Một số biểu hiện ở da: Tróc vẩy, các mảng da bị đỏ, sần sùi, bị viêm; vẩy màu trắng bạc hoặc các mảng da màu đỏ; da khô, dễ nứt nẻ và chảy máu; đau nhức xung quanh các mảng da bị viêm; ngứa và rát xung quanh vùng da có vẩy; móng tay dày lên; có thể bị đau, sưng khớp.

Vẩy nến tuy không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nam thường mắc bệnh nhiều hơn gấp 2,4 lần so với nữ. Bệnh có liên quan đến yếu tố gia đình, hút thuốc lá, uống rượu, tâm lý, lao động nặng nhọc, mất ngủ... làm bệnh khởi phát hoặc nặng thêm. Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính (hô hấp, tiêu hóa, ngoại khoa, nội tiết, chấn thương... một số thuốc như lithium, thuốc sốt rét, corticosteroid... cũng làm bệnh khởi phát. Ngoài ra, thời tiết hanh khô cũng làm gia tăng bệnh vẩy nến.

Chỉ dùng thuốc trị vẩy nến theo chỉ định của bác sĩ.

Chỉ dùng thuốc trị vẩy nến theo chỉ định của bác sĩ.

Dùng thuốc như thế nào?

Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng nếu không được điều trị, bệnh vẩy nến có thể gây biến chứng lên thận, tim mạch, huyết áp, rối loạn chuyển hóa, tâm lý... Cho đến nay, căn bệnh phiền toái này chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể giúp bệnh thuyên giảm, ổn định.

Thuốc được dùng điều trị vẩy nến thường là các thuốc bôi ngoài da, hoặc dầu gội. Ở trường hợp bệnh nhẹ, vẩy nến chỉ khu trú ở khuỷu tay, đầu gối, một vài nốt nhỏ ở da dầu, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng acid salicylic, corticoid bôi da, calcipotiol, anthraline kết hợp gội đầu với polytar shampoo.

Với những bệnh nhân có vẩy nến lan rộng với các tổn thương da nhiều (trên 40% diện tích cơ thể), có thể phải sử dụng quang hóa liệu pháp (PUVA). Cần lưu ý, không dùng phương pháp PUVA cho bệnh nhân đục thủy tinh thể, bệnh nhân có tiền căn u hắc tố hoặc hội chứng Nevus (bớt) không điển hình, bệnh nhân đã có điều trị bằng tia X hoặc đang uống thuốc có tính nhạy cảm với ánh sáng. Bên cạnh việc điều trị bằng PUVA, có thể dùng acitrétine (soriatane) uống. Tránh dùng cho phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai, vì thuốc này có thể gây quái thai. Chỉ nên có thai sau khi ngừng dùng thuốc ít nhất 2 năm. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như khô da, tăng cholesterol huyết, tăng triglycerid huyết, tăng transaminase.

Trong trường hợp bệnh nhân bị vẩy nến lan rộng và tái phát thì việc dùng methotrexate là một liệu pháp tốt nhất. Methotrexate còn có thể sử dụng trong các trường hợp vẩy nến đỏ da, vẩy nến mụn mủ và vẩy nến khớp. Sự dung nạp thuốc trên lâm sàng thường là tốt. Lưu ý, khi dùng thuốc methotrexate điều trị vẩy nến, cần kiểm soát đều công thức máu, công thức bạch cầu và chức năng gan - thận. Không dùng phối hợp với thuốc kháng viêm không steriod, sulfamethoxazole-trimethopime, cyclosporine hoặc bất kỳ thuốc nào có tương tác với biến dưỡng của acid folic đều chống chỉ định. Không nên dùng methotrexate cho người bệnh vẩy nến nhiễm HIV.

Trong trường hợp có chống chỉ định dùng methotrexate, nên sử dụng retinoid, cyclosporine thay thế.

Dùng methotrexate có thể gặp tác dụng phụ toàn thân: Ảnh hưởng chức năng thận, tăng huyết áp và sự ảnh hưởng lên các dòng lymphô bào, cần xét nghiệm lặp đi lặp lại lượng creatinin trong huyết tương và đo lường đều đặn mức lọc cầu thận. Các chống chỉ định liên quan đến suy gan - thận, ung thư và tăng huyết áp. Vì nguy cơ độc hại thận nên thời hạn chỉ định dùng thuốc tối đa không nên vượt quá 2 năm.

Một số thuốc mới được đưa vào sử dụng điều trị vẩy nến như: alefaceft, efalizumab, pimecrolimus , rosiglitazone, tazarotene.

Lời khuyên của thầy thuốc

Với các bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến, việc tránh để bệnh khởi phát là điều rất quan trọng. Bệnh nhân nên giữ vệ sinh cơ thể, giữ độ ẩm cho da, làm mềm da bằng các loại kem dưỡng, thực hiện chế độ ăn hợp lý với việc tăng cường cá (cá hồi, cá basa, cá trích, cá thu, cá mòi...), mè đen, dầu đậu nành, nhiều rau, tránh xa các đồ ăn và gia vị cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các loại thức uống có gas, các chất kích thích, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao...

BS. Hoa Tấn Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/than-trong-khi-su-dung-thuoc-tri-vay-nen-n174003.html