Thận trọng trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm kỳ nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 kéo dài, người dân có xu hướng đi du lịch, liên hoan, họp mặt... Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong (giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2023).

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới ngộ độc thực phẩm là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.

Thêm vào đó là quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách cùng với ý thức chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Đề cập đến vấn đề này, TS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, từ tháng 4 tới tháng 8 hàng năm là thời điểm nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ ẩm cao, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không được bảo quản cẩn thận.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 TP Hà Nội kiểm tra khu chế biến, sản xuất đậu phụ của Công ty CP Tập đoàn P.T., Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông).

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 TP Hà Nội kiểm tra khu chế biến, sản xuất đậu phụ của Công ty CP Tập đoàn P.T., Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông).

Đặc biệt, vi khuẩn phát triển mạnh nhất trong môi trường có nhiệt độ từ 32 đến 43 độ C, quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đúng cách cũng góp phần dẫn đến tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Cùng với đó, nhiệt độ tăng cao khiến hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự hơn.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay kéo dài, người dân thường có xu hướng đi du lịch, liên hoan, họp mặt... Ngộ độc thực phẩm là vấn đề xảy ra phổ biến khi đi du lịch, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu không được xử lý kịp thời.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, các chuyên gia y tế lưu ý người dân thận trọng trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm với sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh, thực phẩm không được bảo quản đúng cách.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong kỳ nghỉ lễ dịp 30/4 – 1/5 và mùa Hè, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, người dân lựa chọn, mua, sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở các cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi”.

Ngoài ra, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng cho biết, với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”, Hà Nội triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024 tập trung xử lý các vi phạm về ATTP và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.

“Quan điểm chung của TP là phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm về ATTP, phải xử lý theo đúng quy định; tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường” – ông Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tại các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể cần tăng cường biện pháp phòng tránh côn trùng, sinh vật có hại như: chuột, gián, kiến, ruồi, muỗi…

Bản thân mỗi người bán hàng, chế biến thực phẩm cần có trách nhiệm với thực khách. Khi phục vụ khách với đúng lương tâm và trách nhiệm, bảo đảm thực phẩm tươi, ngon, sạch sẽ thì quán hàng đó mới phát triển và tồn tại được lâu dài.

Theo các chuyên gia y tế, để tránh ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch, người dân lưu ý lựa chọn những nhà hàng và quán ăn có uy tín; tránh ăn những thực phẩm tái, sống, không rõ nguồn gốc hoặc không được bảo quản đúng cách.

Bên cạnh đó, người dân không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong cùng một thời điểm. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, nên uống nước đóng chai hoặc nước sôi sạch; tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không đảm bảo vệ sinh.

Các bếp ăn tập thể, bếp ăn phục vụ đông người tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP rất lớn. 80% các vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể có thể do vi sinh vật như tụ cầu vàng, E.coli, Salmonella. Khi ăn phải những thực phẩm nhiễm khuẩn, người dùng thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần; thậm chí, một số trường hợp có thể bị đau đầu, hôn mê… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị ngộ độc thực phẩm có thể nguy hiểm tới tính mạng.

TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/than-trong-truoc-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-ky-nghi-le.html