Thận trọng với chủ nghĩa bảo hộ lương thực

Những tác động của vấn đề an ninh lương thực đối với thế giới vẫn chưa được đánh giá đầy đủ...

Hiện có 325 triệu người trên khắp thế giới đang tiến đến bờ vực của nạn đói. (Nguồn:earth.org)

Hiện có 325 triệu người trên khắp thế giới đang tiến đến bờ vực của nạn đói. (Nguồn:earth.org)

An ninh lương thực lại trở thành câu chuyện quốc tế nóng trong những ngày qua, khi được đưa ra thảo luận tại một loạt diễn đàn quan trọng mang tính toàn cầu. Trên bàn nghị sự từ Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an LHQ và Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2022, thông điệp chung của các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế hàng đầu đều báo động về tính cấp thiết, cần hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực.

Lấy thức ăn của người đói cứu người sắp chết đói

Thế giới đang phải đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong hàng chục năm trở lại đây, do tác động của biến đổi khí hậu, của đại dịch Covid-19 làm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, gần đây nhất lại thêm tác động của xung đột tại Đông Âu, làm gia tăng đói nghèo và đẩy giá lương thực tăng cao chưa từng thấy.

Phát biểu tại Hội nghị về An ninh lương thực, tại trụ sở của LHQ vào tháng trước, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, “Nạn đói trên toàn cầu đang ở mức độ vô cùng nghiêm trọng. Chỉ trong hai năm, số người bị mất an ninh lương thực đã tăng gấp đôi từ 135 triệu người trước đại dịch lên 276 triệu người hiện nay. Hơn nửa triệu người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016”.

Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley cung cấp thêm thông tin, “hiện có 325 triệu người trên khắp thế giới đang tiến đến bờ vực của nạn đói. Hơn 800 triệu người đi ngủ mỗi đêm với cái bụng đói. Nạn đói đang tấn công 43 quốc gia, trong khi giá nhiên liệu, giá thực phẩm, giá vận chuyển, vẫn tiếp tục tăng vọt”.

Ông nhấn mạnh, khủng hoảng lương thực đang buộc chúng ta phải lấy thức ăn của người đang đói để cứu trợ cho người sắp chết đói. “Điều gì xảy ra khi một quốc gia vẫn cung cấp lương thực đủ nuôi 400 triệu người và bây giờ nguồn cung quan trọng đó bị phong tỏa?”, ông đặt câu hỏi.

Trong khi Nga là nhà cung cấp phân bón và khí đốt quan trọng, thì Ukraine cũng là nhà cung cấp ngũ cốc và dầu hướng dương hàng đầu cho thị trường thế giới, theo số liệu của UN Comtrade. Xung đột quân sự và các lệnh trừng phạt kinh tế do các nước phương Tây áp đặt nhằm vào Nga đã làm nguồn cung phân bón, lúa mì và nhiều mặt hàng quan trọng khác bị tắc nghẽn, đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao.

Công cụ theo dõi của LHQ về lương thực cho thấy, giá lương thực đã tăng hơn 70% kể từ giữa năm 2020 và gần đạt mức kỷ lục sau xung đột tại Ukraine, giá dầu cọ tăng gần 40%, giá sữa tăng 14%...

Tại nhiều thị trường mới nổi, tình trạng mất an ninh lương thực đã là một nguồn cơn gây ra bất ổn xã hội và rủi ro địa chính trị. Giá thực phẩm và năng lượng tăng đã làm dấy lên các cuộc biểu tình ở Sri Lanka, Tunisia và Peru. Các nền kinh tế phát triển cũng gặp khó khăn riêng, gần 10 triệu người Anh đã cắt giảm tiêu thụ thực phẩm hoặc bỏ bữa trong tháng Tư; Pháp có kế hoạch cấp phiếu thực phẩm cho các hộ gia đình nghèo nhất; lạm phát do giá lương thực và năng lượng trở thành vấn đề lớn tác động lên chính trường Mỹ…

“Thức ăn là vũ khí thầm lặng”

Vài tháng gần đây, khoảng 30 quốc gia đã hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Malaysia đã cấm xuất khẩu thịt gà, trong khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường. Indonesia tuyên bố giới hạn bán dầu cọ. Một số quốc gia khác áp hạn ngạch với ngũ cốc...

Chủ nghĩa bảo hộ lương thực nổi lên ở thời điểm này có thể khiến chi phí tiếp tục leo thang. Việc đảm bảo nguồn cung lương thực sẽ là vấn đề gây lo ngại lớn trong thời gian tới nếu không chú trọng đến việc tăng sản lượng, ổn định thị trường và tháo gỡ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nga hiện là quốc gia đóng vai trò quan trọng trên thị trường lương thực toàn cầu. Quốc gia này đã phát triển cách tiếp cận riêng, coi an ninh lương thực là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia và chủ quyền.

Trước chiến dịch quân sự, Moscow chuyển mục tiêu quốc gia từ đáp ứng nhu cầu trong nước sang tăng cường xuất khẩu nông sản. Năm 2009, lần đầu tiên sau một thời gian dài, Nga khẳng định là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu ngũ cốc. Nga nhanh chóng giữ vị trí đầu tiên về xuất khẩu lúa mỳ (37,3 triệu tấn vào năm 2020, trong khi đó Mỹ là 26,1 triệu tấn và Canada là 26,1 triệu tấn). Chỉ riêng Nga (chiếm 16%) và Ukraine (10%) cung cấp khoảng 26% lượng lúa mỳ xuất khẩu ra thị trường thế giới. Hai nước này cũng chiếm khoảng một nửa thị trường xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu.

Các khu vực xuất khẩu ngũ cốc và các loại đậu của Nga cũng rất đa dạng – vào năm 2020, Nga đã xuất khẩu ngũ cốc sang 138 quốc gia trên thế giới. Người tiêu dùng truyền thống là các nước Trung Đông. Trong những năm gần đây, ngũ cốc đã được cung cấp nhiều hơn cho châu Phi. Khách hàng tiêu thụ ngũ cốc chính là Thổ Nhĩ Kỳ với nhu cầu khoảng 11,3 triệu tấn/năm. Các khách hàng quan trọng khác là Iran, Ai Cập, Saudi Arabia và Trung Quốc. Các quốc gia châu Á (chủ yếu là Trung Quốc) và Nam Mỹ (Colombia, Venezuela) được coi là những thị trường đầy hứa hẹn.

Ngày 1/4 vừa qua, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã viết trên kênh Telegram cá nhân: “Như vậy là an ninh lương thực của nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp của chúng ta. Hóa ra thức ăn là vũ khí thầm lặng của chúng ta - thầm lặng nhưng đáng ngại. Và nếu ai không biết hoặc đã quên, thì việc xuất khẩu nông sản của chúng ta đã vượt hơn xuất khẩu vũ khí thực sự”.

Ông Medvedev cũng đề nghị không cung cấp thực phẩm và nông sản cho “các quốc gia không thân thiện”. Như vậy, có thể nói, xuất khẩu lương thực đã trở thành công cụ gây ảnh hưởng chính trị. Trong bối cảnh đại dịch gây ra nỗi sợ hãi ngày càng tăng đối với cuộc sống và việc ưu tiên sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu, an ninh lương thực một lần nữa nhắc lại với thế giới về thách thức truyền thống, đang đe dọa cuộc sống của mỗi cá nhân và nhà nước.

Các chính phủ trên thế giới đều đang dành nhiều thời gian và nguồn lực để giảm thiểu chi phí năng lượng tăng cao, sau khi xảy ra xung đột tại Đông Âu. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine rồi sẽ kết thúc, nhưng biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, bởi vậy nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực kéo dài, có khi còn nhức nhối hơn cả an ninh năng lượng.

Phan Thanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/than-trong-voi-chu-nghia-bao-ho-luong-thuc-185824.html