Thận trọng với thuốc gây hội chứng Serotonin

Hội chứng Serotonin là một hội chứng tiềm ẩn đe dọa tính mạng. Tỷ lệ mắc hội chứng này chưa được biết chính xác, nhưng theo thống kê tỷ lệ này ngày càng có xu hướng gia tăng do sự gia tăng sử dụng các thuốc tác động trên hệ serotonergic như các thuốc điều trị trầm cảm...

Hội chứng Serotonin gần đây đang được nhắc đến nhiều do liên quan đến việc sử dụng rộng rãi các thuốc tác động lên hệ serotonergic như các thuốc điều trị trầm cảm trong đó có thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs). Hội chứng này được miêu tả lần đầu tiên trong y văn vào năm 1960 khi nghiên cứu về trị liệu đơn độc và phối hợp thuốc chống trầm cảm. Cơ chế tiềm ẩn của Hội chứng Serotonin bao gồm gia tăng tổng hợp hoặc thải trừ serotonin, ức chế sự tái hấp thu hoặc chuyển hóa serotonin và kích hoạt trực tiếp thụ thể serotonin

Một số thuốc trị trầm cảm có thể gây Hội chứng Serotonin.

Một số thuốc trị trầm cảm có thể gây Hội chứng Serotonin.

Nhận biết Hội chứng Serotonin do thuốc

Hội chứng Serotonin biểu hiện bởi các triệu chứng chính là: Thay đổi trạng thái tâm thần, rối loạn thần kinh cơ và tăng hoạt động hệ thần kinh tự chủ. Tuy nhiên không phải cả 3 triệu chứng này đều cùng xuất hiện trên tất cả các bệnh nhân.

Các triệu chứng lâm sàng có thể từ nhẹ cho đến đe dọa tính mạng. Khoảng 40% bệnh nhân có triệu chứng thay đổi trạng thái tâm thần, khoảng 50% có dấu hiệu của rối loạn thần kinh cơ và tăng hoạt động thần kinh tự chủ gặp trên khoảng 40% bệnh nhân.

Trường hợp nặng có thể dẫn đến biến chứng như co giật, myoglobin niệu, nhiễm toan chuyển hóa, suy thận, hội chứng suy hô hấp cấp, suy hô hấp, đông máu nội mạch lan tỏa, hôn mê và tử vong.

Hội chứng Serotonin có thể khó phân biệt với các tình trạng bệnh lý khác như hội chứng ác tính do thuốc an thần, độc tính của thuốc kháng cholinergic và sốt ác tính.

Hội chứng serotonin có thể xảy ra do:

Quá liều một thuốc tác động lên hệ serotonergic: Khoảng 15% bệnh nhân khi dùng quá liều thuốc SSRIs cấp tính sẽ tiến triển thành ngộ độc serotonin mức độ trung bình.

Tương tác thuốc: Khi dùng nhiều hơn 1 thuốc tác động lên hệ serotonin hoặc ức chế chuyển hóa của các thuốc tác động trên hệ serotonin. Ví dụ, khi phối hợp 2 thuốc chống trầm cảm tác động lên hệ serotonergic sẽ có nguy cơ gây ngộ độc serotonin nghiêm trọng hơn.

Trong trường hợp hội chứng này xảy ra do tương tác thuốc thì trường hợp nghiêm trọng nhất quan sát được là do các thuốc ức chế men monoamin oxidase (IMAO) phối hợp với thuốc SSRI, chống trầm cảm 3 vòng hoặc venlafaxin. Tương tác này xảy ra do cơ chế hoạt động của IMAO là ức chế phân hủy serotonin.

Ngoài SSRI có nhiều thuốc có thể ức chế Cytochrom P450 2D6 và/ hoặc 3A4 dẫn đến sự tích lũy các thuốc tác động trên serotonergic đang dùng đồng thời.

Dùng đơn độc một thuốc tác động trên hệ serotonin ở cá thể nhạy cảm: Điều cần thiết khi chẩn đoán Hội chứng Serotonin là biết đầy đủ và chính xác các thuốc bệnh nhân đã dùng. Hội chứng này xảy ra trong vòng vài giờ sau khi sử dụng các thuốc hệ serotonergic hoặc khi thay đổi liều và xử trí trong vòng 24 giờ sau khi ngừng các thuốc gây ra hội chứng.

Có thể phòng ngừa?

Hội chứng Serotonin có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như cả bệnh nhân và thầy thuốc chú ý đến những tác dụng phụ của các loại thuốc có thể gây hội chứng này để theo dõi và phòng ngừa trong quá trình điều trị bệnh.

Để tránh tăng nguy cơ bị Hội chứng Serotonin, hãy nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc và các chất bổ sung chế độ ăn uống mà bạn đang dùng. Nếu bạn phát triển các triệu chứng của hội chứng serotonin hãy đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Các thuốc liên quan đến Hội chứng Serotonin:

Các thuốc đặc biệt có thể liên quan đến hội chứng này bao gồm: amphetamines và các dẫn xuất (ecstasy, dextroamphetamine, methamphetamine, sibutramine); các thuốc giảm đau (fentanyl, meperidine, tramadol); các thuốc chống trầm cảm/bình ổn khí sắc như (buspirone, lithium); thuốc ức chế men monoamine oxidase(phenelzine); thuốc SSRIs (fluoxetine); thuốc chồng trầm cảm 3 vòng, thuốc chống nôn (metoclopramide, ondansetron); thuốc trị đau nửa đầu (carbamazepine, ergot alkaloids, triptans và valproic acid)...

DS. Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/than-trong-voi-thuoc-gay-hoi-chung-serotonin-n172834.html