Thần tượng Kpop ngày càng 'trẻ hóa'
Với xu hướng ngày càng nhiều các ca sĩ và nhóm nhạc ra mắt ở độ tuổi vẫn còn thiếu niên. Nhiều người cho rằng, đang đặt áp lực lên vai những đứa trẻ quá sớm nên cần có các phương án đảm bảo tâm lý cho họ thay vì chỉ chú tâm vào phát triển tài năng.
Ảnh hưởng của nhạc Trot đến xu hướng trẻ hóa thần tượng
Nhóm nhạc Kpop hiện ngày càng trẻ hóa, sự xuất hiện của thành viên trong độ tuổi thanh thiếu niên không còn là điều ngoại lệ, hiếm hoi. Thực tế, trước đây chỉ một vài trường hợp những thần tượng ra mắt ở độ tuổi dưới 15 như BoA phát hành ca khúc đầu tiên năm cô mới 13 tuổi hay nam ca sĩ Tae Min (SHINee) từng một thời nắm giữ danh hiệu "thần tượng trẻ tuổi nhất Kpop" khi anh gia nhập giới giải trí năm 14 tuổi.
Tại Hàn Quốc có một thuật ngữ để chỉ người trẻ nhất trong nhóm nhạc là “maknae” và các “maknae” ở độ tuổi 14 đã không còn gây ngạc nhiên với người hâm mộ. Ca sĩ 14 tuổi gần đây nhất được giới thiệu tới công chúng là thành viên Lee Seo của nhóm nhạc nữ mới I'VE trực thuộc Starship Entertainment. Những bức ảnh profile đầu tiên của Lee Seo cho thấy thần thái và sự chuyên nghiệp của một tân binh Kpop mặc dù Lee Seo mới chỉ 14 tuổi.
Lee Seo trở thành thần tượng trẻ tuổi nhất từng ra mắt tại sân khấu Kpop chính thống.
Giáo sư Lee Gyu Tak, người nghiên cứu truyền thông và âm nhạc đại chúng tại Đại học George Mason, chi nhánh Hàn Quốc, chia sẻ với Korea JoongAng Daily rằng xu hướng những người trẻ vị thành niên tham gia nền công nghiệp Kpop không phải mới mẻ nhưng có chiều hướng gia tăng gần đây có thể một phần nguyên nhân bắt nguồn từ các chương trình nhạc “Trot”.
“Trot” là thể loại có từ những năm 1950 đến 1980 của Hàn Quốc, được đặc trưng bởi giai điệu và tiết tấu sôi động. Nhạc Trot được xem là “bolero phiên bản Hàn” từng có thời gian bị giới trẻ lãng quên vì nền công nghiệp âm nhạc hiện đại quá phát triển. Thời gian gần đây dòng nhạc này được hồi sinh qua các cuộc thi như Miss Trot và Mr. Trot của đài TV Chosun. Giáo sư Lee cho rằng, nhiều thí sinh nhí xuất hiện và trở nên nổi tiếng trên các chương trình này mà người theo dõi chủ yếu đã lớn tuổi nên không gây khó chịu.
Từ đây quan niệm về những người còn rất trẻ tham gia lĩnh vực giải trí lan sang nền văn hóa Kpop và sự xuất hiện của thí sinh cực kỳ nhỏ tuổi đã trở thành điều bình thường, khiến công chúng dần chấp nhận những ngôi sao thần tượng nhỏ tuổi. Tuy nhiên, việc điều này cũng làm dấy lên những lo ngại vì biểu diễn trong các cuộc thi nhạc “Trot” rất khác với trên các sân khấu Kpop chuyên nghiệp.
Thành công của những show âm nhạc như Mr Trot đang ngày càng thúc đẩy xu hướng trẻ hóa thần tượng.
Trẻ hóa thần tượng kpop gây ảnh hưởng tâm lý?
Cho dù các ca sĩ khi được phát hiện và gia nhập nền giải trí sớm sẽ tạo điều kiện cho họ được làm những gì mình thích ngay từ khi còn trẻ cũng như nhiều người đã chứng minh tài năng của mình không thua kém gì các đàn anh, đàn chị, nhưng đa phần chuyên gia tỏ ra cảnh giác về biến số có thể xảy ra với thần tượng trẻ tuổi.
Trở thành ca sĩ ở tuổi thiếu niên đồng nghĩa với việc những người này sẽ có thể bỏ lỡ những trải nghiệm thời thơ ấu như hòa đồng với bạn bè, giao tiếp với xã hội và đặc biệt là việc học ở trường. Trong trường hợp xấu nhất là các hoạt động của một thần tượng sẽ ngăn cản phần lớn cơ hội nghề nghiệp khác của họ và nếu họ thất bại sẽ rất khó để những người này có lựa chọn khác.
Nhiều người lo ngại những thần tượng quá trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý khi tham gia vào ngành công nghiệp Kpop khắc nghiệt.
Lim Myung Ho - giáo sư tâm lý học tại Đại học Dan Kook, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên đã chỉ ra sự tai hại của quy trình đào tạo biệt lập một hay một nhóm thần tượng là khả năng cao họ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc xử lý cảm xúc hay duy trì trạng thái kiên cường nếu đối mặt với căng thẳng. Họ cũng có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bình luận thù ghét…
Hơn nữa, với các nữ thần tượng trẻ, họ còn bị buộc phải tự mình trưởng thành sớm, thậm chí gắn bản thân với các hình ảnh gợi dục, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi của họ. Nó không chỉ nằm ở những bộ trang phục mỏng manh mà còn ở cách họ thể hiện những ca khúc “quá tuổi”. Nhiều đặt câu hỏi liệu những ca sĩ nữ này có hiểu rõ những gì mình đang hát hay không?.
Những phong cách ăn mặc gợi cảm cũng là điều đáng chú ý ở những nữ ca sĩ mới ở tuổi vị thành niên.
Vậy nên mặc dù không thể phủ nhận được xu hướng trẻ hóa của các sĩ Kpop nhưng có lẽ đây là lúc cần thiết để thảo luận về các biện pháp bảo vệ an toàn tâm lý cho họ. Liệu việc chỉ trích gay gắt những người trẻ trong một chương trình truyền hình tìm kiếm thần tượng có phù hợp. Hay nên chăng hãy ưu tiên những hoạt động học tập cho họ để các thần tượng có thêm lựa chọn sau này?.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/than-tuong-kpop-ngay-cang-tre-hoa-post171325.html