Tháng 1/2025: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6%

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 ước tính tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6%.

Công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ

Theo báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2025 do Tổng cục Thống kê công bố sáng nay 6/2, về sản xuất công nghiệp do Tết Nguyên đán Ất Tỵ diễn ra trong tháng 1/2025 nên số ngày làm việc ít hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 ước tính tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6%. Ảnh:TT

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 ước tính tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6%. Ảnh:TT

Báo cáo cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 0,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%. Riêng ngành khai khoáng giảm 10,4%.

Đáng chú ý, tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất tháng 01/2025 của một số ngành trọng điểm cấp II so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 33,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,3%; sản xuất trang phục tăng 6,1%; dệt tăng 4,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 3,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,1%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 29,1%; khai thác than cứng và than non giảm 20,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 11,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 8,4%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 7,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,5%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm .

Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 01/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 60,7%; tivi tăng 50,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 9,6%; sữa tươi tăng 7,3%; sữa bột tăng 5,7%; quần áo mặc thường tăng 5,0%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Than sạch giảm 20,0%; linh kiện điện thoại giảm 14,1%; xe máy giảm 12,0%; đường kính giảm 10,7%; khí hóa lỏng LPG giảm 9,2%; dầu thô khai thác giảm 8,2%; sơn hóa học giảm 6,8%; thép thanh, thép góc giảm 6,7%.

Tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp năm 2025

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2025, sản xuất công nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng khi đơn hàng dệt may da giày đã có đến 6 tháng đầu năm 2025. Nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tiếp tục khởi sắc từ nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo triển vọng tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp sau.

Để sản xuất công nghiệp tạo lực đẩy cho năm 2025, ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp- Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ, thời gian qua một số địa phương đã phát triển mạnh mẽ cụm, khu liên kết ngành, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực, kiến thức và công nghệ. Việc phát triển các cụm liên kết ngành này đã cho thấy hiệu quả vượt trội trong sản xuất so với các khu công nghiệp khác, nhờ việc tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất trong cùng một lĩnh vực.

Các hiệp hội ngành hàng cần đóng vai trò là cầu nối, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về khả năng sản xuất và nhu cầu của nhau. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam … Từ đó, giúp sản xuất công nghiệp tăng tốc trong năm 2025”- ông Chu Việt Cường nói.

Theo Bộ Công Thương, bước sang năm 2025, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 9-10% cần tập trung các giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công Thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Thứ hai, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Năm 2025, Bộ Công Thương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt là các ngành sản xuất chủ lực như dệt may, da giày, các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thang-12025-nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-tang-16-372492.html