Thu hút FDI tháng 1/2025 tăng 48,6% so với cùng kỳ 2024
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2025 đạt 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng thời điểm năm 2024.
FDI vẫn đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Số liệu tình hình kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố vào sáng 6/2 cho thấy, tháng 1/2025, tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam tháng 1/2025, ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực chiếm ưu thế về vốn FDI thu hút và giải ngân trong tháng 1/2025.
Trong tổng số 4,33 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2025, vốn FDI đăng ký cấp mới có 282 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 1,29 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 869,7 triệu USD, chiếm 67,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 248,5 triệu USD, chiếm 19,3%; các ngành còn lại đạt 168,7 triệu USD, chiếm 13,1%.
Trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1/2025, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 380,3 triệu USD, chiếm 29,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore với 372,3 triệu USD, chiếm 28,9%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) với 103,6 triệu USD, chiếm 8,1%; Hoa Kỳ với 98,4 triệu USD, chiếm 7,6%; Nhật Bản với 52,1 triệu USD, chiếm 4,1%.
Vốn FDI đăng ký điều chỉnh trong tháng 1/2025 có 137 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 2,73 tỷ USD, gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,96 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,0 tỷ USD, chiếm 25,1%; các ngành còn lại đạt 47,5 triệu USD, chiếm 1,2%.
260 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 260 lượt với tổng giá trị góp vốn 322,9 triệu USD, tăng 70,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 92 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 176,8 triệu USD và 168 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 146,1 triệu USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 136,8 triệu USD, chiếm 42,4% giá trị góp vốn; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 132,9 triệu USD, chiếm 41,1%; ngành còn lại 53,2 triệu USD, chiếm 16,5%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1/2025, ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,26 tỷ USD, chiếm 83,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 72,6 triệu USD, chiếm 4,8%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 72,5 triệu USD, chiếm 4,7%.
Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2025 có 10 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 83,0 triệu USD, gấp 5,1 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 61,6 triệu USD, chiếm 74,2% tổng vốn đầu tư; khai khoáng đạt 18,7 triệu USD, chiếm 22,5%; xây dựng đạt 2,4 triệu USD, chiếm 2,9%.
Trong tháng 1/2025 có 8 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Philippines là nước dẫn đầu với 32,7 triệu USD, chiếm 39,4% tổng vốn đầu tư; Indonesia với 31,1 triệu USD, chiếm 37,4%; Lào với 18,6 triệu USD, chiếm 22,3%.