Tháng 10, tháng của doanh nhân, tháng của sự khởi đầu mới
Trong gần 2 năm Việt Nam đối mặt với thảm họa 'đại dịch COVID-19', hàng vạn doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động. Nhiều doanh nhân đã từng có trong tay tài sản hàng triệu, thậm chí hàng tỷ 'đô-la', thế nhưng, đến thời điểm này cũng đã rơi vào cảnh tay trắng và phải bắt đầu lại từ đầu.
Cộng đồng doanh nghiệp chưa thật sự đoàn kết
GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chia sẻ, nếu tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 xảy ra vào đầu tháng 5/2021, cho tới nay, nền kinh tế gần như rơi “thẳng đứng”, GDP từ 6% quý II rơi xuống -6% vào quý III/2021.
Về vấn đề cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thiệt hại nặng trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, chúng ta phải nhìn lại những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và đặt ra câu hỏi tại sao tiếng nói của doanh nhân chưa thực sự có sức mạnh để các đơn vị quản lý Nhà nước có sự thay đổi về các chính sách quản lý, chính sách hỗ trợ.
Trong nhiều lần họp, các chuyên gia cũng có thể thấy, lãnh đạo Nhà nước luôn muốn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp. Thế nhưng, cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự đồng thuận, chưa tạo ra được sức mạnh.
“Tôi cho rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân cần đặt ra câu hỏi cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thực sự liên kết chặt chẽ chưa, hay mạnh ai nấy làm. Nếu sức mạnh đoàn kết được tạo ra thì không chỉ đại dịch này mà trong những khó khăn khác, doanh nghiệp đều vượt khó, tạo ra sức mạnh để phục hồi và phát triển”, ông Cường nói.
Trước thực tế đó, GS.TS Hoàng Văn Cường bày tỏ, trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần gắn bó, liên kết chặt chẽ với nhau để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong dài hạn.
“Tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất quan trọng, để những chính sách hỗ trợ của Chính phủ “rơi” chảy vào đúng chỗ, đúng thời điểm và đúng đối tượng”, ông Cường đánh giá.
Giới doanh nhân và áp lực bằng mọi giá phải hồi sinh
Kể từ đầu tháng 10, nhiều địa phương đã bắt đầu nới lỏng công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đi lại và cho phép một số loại hình kinh doanh được hoạt động trở lại.
Có thể nói, tháng 10 chính là thời điểm nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay lựa chọn chống dịch hay phục hồi kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, những ngày đầu tháng 10 năm nay cũng đánh dấu một thời điểm hệ trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Sau khi bước đầu đã khống chế tương đối tốt dịch COVID-19, Việt Nam đã tái khởi động mở cửa nền kinh tế ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Tuy nhiên, thời điểm này, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với dòng người lao động “hồi hương” với quy mô chưa từng có, dù là tự nhiên và chính đáng. Việc dòng người hồi hương sẽ gây ra biết bao khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nối lại chuỗi cung ứng lao động trong nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ...
“Để nối lại chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu… doanh nghiệp chỉ cần 3 đến 6 tháng, còn nối lại chuỗi cung về lao động có thể kéo dài 6 tháng đến cả năm. Vì vậy, tiến trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế càng trở nên khó khăn hơn và nỗi gian truân đang đè nặng lên vai những người điều hành doanh nghiệp”, ông Lộc cho biết.
Trước áp lực về việc điều hành doanh nghiệp vượt “bão”, ông Lộc đưa ra giải pháp “5T”. Cụ thể, chữ “T” thứ nhất là “trợ thở” bằng cách mở cửa hay nói cách khác “Mở cửa hay là chết”. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, từ đầu tháng 10 chúng ta đã mở cửa nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải nửa đóng nửa mở.
“Nhưng tôi cho rằng cũng cần 1 luật sống chung khi mở cửa để các cấp chính quyền địa phương chủ động mở cửa thay vì “xin” như hiện nay. Xóa bỏ giấy phép con trong lộ trình mở cửa nền kinh tế đó là việc quan trọng. Từ đó tạo nên sự chủ động, nhất quán trong hành xử từ Trung ương tới địa phương”, ông Lộc nói.
Thứ hai là “tiếp máu”. Mất khả năng thanh khoản là khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay, do đó cần hỗ trợ tiếp máu cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khóa. Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất, do đó cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng.
“Cần nhấn mạnh rằng, chính sách tài khóa phải tích hợp với chính sách tiền tệ để bơm máu cho doanh nghiệp… Hiện nay, các gói chính sách mới thực hiện được 50% do đó còn rất nhiều dư địa để tiếp tục hỗ trợ”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Thứ ba là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cởi trói chính sách cho doanh nghiệp. Hiện nay, luật pháp còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà.
Vì vậy, ông Lộc cho rằng, Việt Nam cần phải đạt được mục tiêu trở thành top 4 phát triển kinh tế trong ASEAN. Giai đoạn này dễ đạt được đồng thuận nhất khi 3 trụ cột chính trị đất nước ngồi với doanh nghiệp, lắng nghe chia sẻ từ doanh nghiệp.
Thứ tư là cần thúc đẩy nâng cao trình độ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ cần tiền, mà cần Nhà nước hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải học để cải thiện trình độ của mình.
Cuối cùng là tiếp cận thị trường, chúng ta cần tổ chức xúc tiến qua mạng mạnh mẽ. Trước mắt phải tính toán phương án “cơm áo gạo tiền”, tuy nhiên 3 tháng cuối năm cũng cần quan tâm xanh hóa, xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa. Đề cao tính xã hội của doanh nghiệp, có trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững là cực kỳ cần thiết.
Doanh nghiệp là chủ thể
Trước ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã tổ chức các buổi gặp gỡ một số doanh nhân, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
Trong cuộc làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận sức chống chịu kiên cường không chỉ của các doanh nghiệp, mà kể cả không ít hộ kinh doanh đã và đang gồng mình, căng sức để duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chấp nhận hy sinh, mất mát và thiệt hại to lớn trước những tác động khốc liệt mà dịch bệnh gây ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với truyền thống đoàn kết và tinh thần vượt khó, kiên cường của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, chúng ta tin sẽ vượt qua những khó khăn để tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới.
“Với những khó khăn như vậy, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng cần rà soát lại năng lực quản trị, tăng cường sức mạnh và khắc phục điểm yếu, nâng cao sức chống chịu hơn nữa để đứng vững và phát triển”, ông Vương Đình Huệ nói.
Trong khi đó, vào sáng 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Trong buổi gặp gỡ, Thủ tướng nhấn mạnh, trong sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Doanh nghiệp là trung tâm thì mọi chính sách hướng tới doanh nghiệp.
Thời gian qua, có những việc đã làm được, có những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là phần nhiều. Chính phủ nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc ta là tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó làm động lực phấn đấu, vươn lên, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.