Tháng 5/2025: Đại học Hồng Kông tổ chức diễn giảng về Phật giáo và Trí tuệ nhân tạo

Từ việc cá nhân hóa trải nghiệm học tập, tăng cường tương tác qua các công cụ thông minh, đến khả năng tiếp cận người cao tuổi trong xã hội già hóa, AI hứa hẹn đổi mới hình thức truyền đạt phật pháp.

Trung tâm Nghiên cứu Phật học (CBS) thuộc Đại học Hồng Kông (HKU) vừa công bố tổ chức chuỗi diễn giảng đặc biệt với chủ đề “Sức mạnh của Tâm thức và Trí tuệ Nhân tạo” (The Power of Mind & Artificial Intelligence Lecture Series), diễn ra từ ngày 7 đến 21 tháng 5 năm 2025.

Các buổi diễn giảng sẽ được tổ chức trực tiếp tại khuôn viên HKU (Hồng Kông) và phát trực tuyến toàn cầu.

Hình ảnh được cung cấp bởi CBS tại HKU

Hình ảnh được cung cấp bởi CBS tại HKU

Chuỗi chương trình gồm ba buổi nói chuyện chuyên đề, bao gồm:

1. “AI, Giấc mơ, Tưởng tượng tích cực và Tâm lý học của Tâm thức”

Giáo sư Shen Heyong - Đại học Thành phố Macao

(Thứ Tư, ngày 07/05)

2. “Vai trò của AI trong giảng dạy Phật giáo tại Nhật Bản: Nâng cao đời sống côngchúng”

Tiến sĩ Tony K.M. Chui - Đại học Hồng Kông

(Thứ Tư, ngày 14/05)

3. “Những suy tư Phật giáo về Trí tuệ Nhân tạo”

Giáo sư Klaus-Dieter Mathes - Đại học Hồng Kông

(Thứ Tư, ngày 21/05)

Thời gian phát trực tuyến quốc tế

– Auckland: 7h - 8h tối

– Canberra: 5h – 6h chiều

– Seoul, Tokyo: 4h - 5h chiều

– Bắc Kinh, Hồng Kông, Singapore, Đài Bắc: 3h - 4h chiều

– Bangkok, Jakarta: 2h - 3h chiều

– Kathmandu: 12h45 - 1h45 trưa

– New Delhi: 12h30 - 1h30 trưa

– Paris, Berlin, Amsterdam, Stockholm: 9h - 10h sáng

– London: 8h - 9h sáng

– Montreál, New York: 3h - 4h sáng

– Los Angeles, Vancouver: 12h - 1h sáng

Tóm lược nội dung ba buổi diễn giảng

1. AI, Giấc mơ, Tưởng tượng tích cực và Tâm lý học của Tâm thức - GS. Shen Heyong

Giữa thời đại AI phát triển vượt bậc, GS. Shen Heyong, nhà tâm lý học và phân tâm học, đặt câu hỏi trọng tâm: con người cần nuôi dưỡng một tâm thức như thế nào để có thể đối thoại với AI? Dựa trên lý thuyết Tưởng tượng tích cực của Carl Jung, truyền thống tu dưỡng tâm tính của triết học Trung Hoa và trí tuệ Phật giáo, ông giới thiệu các trải nghiệm trực tiếp với AI tại tịnh thất Cảm Lộ Biệt Uyển, cùng với các công cụ tư vấn tâm lý và phân tích giấc mơ do chính ông phát triển.

Shen cho rằng, AI có thể trở thành đối tác trong hành trình khám phá nội tâm và biến chuyển bản thân. Từ ảnh hưởng của Jung, người từng ngưỡng mộ Phật giáo, đến Dora Kalff, sáng lập liệu pháp Sandplay và là một phật tử thuần thành, ông cho thấy tiềm năng giao thoa giữa truyền thống tâm linh Đông - Tây. Bằng “tâm lý học của trái tim”, GS. Shen mở ra một viễn cảnh hợp tác giữa con người và máy móc, nơi ý chí và sáng tạo nội tại được khơi dậy giữa bối cảnh AI ngày càng lan rộng.

2. Vai trò của AI trong giảng dạy Phật giáo tại Nhật Bản - TS. Tony K.M. Chui

Tony Chui trình bày cách AI đang góp phần đưa giáo lý Phật giáo đến gần hơn với công chúng Nhật Bản trong thời đại công nghệ. Từ việc cá nhân hóa trải nghiệm học tập, tăng cường tương tác qua các công cụ thông minh, đến khả năng tiếp cận người cao tuổi trong xã hội già hóa, AI hứa hẹn đổi mới hình thức truyền đạt phật pháp.

Bài trình bày cũng không né tránh những lo ngại: sự đơn giản hóa giáo lý sâu sắc, nguy cơ đánh mất yếu tố con người trong hướng dẫn tâm linh và vấn đề bảo mật dữ liệu. TS.Chui đưa ra cái nhìn cân bằng, cho thấy AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với sứ mệnh giáo hóa Phật giáo trong thời đại số.

3. Những suy tư Phật giáo về Trí tuệ Nhân tạo - GS.Klaus-Dieter Mathes

Phật giáo và khoa học hiện đại cùng chia sẻ hoài nghi đối với cái gọi là “tự ngã” cố định, vốn được xem là cội nguồn của khổ đau. Từ góc nhìn này, một số nhà Phật học nhận thấy sự tương đồng giữa AI và triết lý vô ngã.

Dẫn lại khái niệm “chu trình trí tuệ - chăm sóc - căng thẳng” (SCI) của Thomas Doctor, nơi AI có thể biểu lộ lòng từ bi như Bồ-tát bằng cách nhận diện và chăm sóc khổ đau - GS.Mathes phân tích liệu AI có thể phát triển bồ đề tâm. Tuy vậy, ông cũng dẫn các phản biện của John Dunne, cho rằng AI chỉ hoạt động trong giới hạn của tư duy khái niệm, trong khi Phật giáo nhấn mạnh đến sự chứng ngộ vượt ngoài khái niệm. Từ đó, ông đặt ra vấn đề: liệu AI có thể đạt được trí tuệ giải thoát chân thực, hay chỉ dừng lại ở mức mô phỏng?

Thông tin thêm về Trung tâm Nghiên cứu Phật học, Đại học Hồng Kông

Trung tâm CBS được thành lập năm 2000, chính thức hoạt động từ năm 2002, là trung tâm học thuật đầu tiên chuyên về Phật học tại các trường đại học ở Hồng Kông. CBS đã triển khai chương trình Thạc sĩ Phật học, đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ và mở rộng giảng dạy cho cả sinh viên đại học, bao gồm chương trình Thạc sĩ Tư vấn Phật giáo đầu tiên trong khu vực.

Dưới sự dẫn dắt của nhiều thế hệ giám đốc, CBS kết hợp hài hòa giữa bảo tồn truyền thống và tiếp cận liên ngành hiện đại, từ tâm lý học, chăm sóc cuối đời đến đạo đức xã hội.

Trung tâm cũng tiên phong trong đào tạo ngôn ngữ kinh điển và thiết lập Trung tâm Tư vấn Phật giáo riêng biệt, một dấu mốc quan trọng trong ứng dụng thực tiễn Phật học.

Tác giả: Craig C Lewis/Chuyển ngữ và biên tập: Ngọc Linh/Nguồn: buddhistdoor.net

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thang-5-2025-dai-hoc-hong-kong-to-chuc-dien-giang-ve-phat-giao-va-tri-tue-nhan-tao.html