Tháng 7 tri ân

Những ngày tháng 7 mưa nắng thất thường khiến các thương, bệnh binh đang được chăm sóc, điều trị ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (đóng trên địa bàn huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đau nhức nhiều hơn. Vết thương, bệnh tật đã làm sức khỏe của họ giảm sút nhưng vượt lên trên hết, các chú, các bác luôn sống lạc quan và là những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực sống trong cả thời chiến và thời bình.

Ngày 25/7, Đảng Nhà nước tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên từ sáng sớm, các đồng chí thương, bệnh binh đã chuẩn bị tươm tất, ngồi trước màn hình để được khắc ghi những hình ảnh cuối cùng về người lãnh đạo tài năng, đức độ vừa ra đi.

Những câu chuyện cảm động

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết, trung tâm được thành lập từ năm 1965. Hiện nay, đơn vị đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ, chính sách đối với 91 thương, bệnh binh nặng hạng 1/4, có thương tật từ 81% đến 100%. Nhiều người mắc thêm các chứng bệnh: tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan B, C; viêm đường tiết niệu, loét lưng, ụ ngồi; có đồng chí thương binh nặng nhiễm chất độc da cam, sinh con ra bị khuyết tật hoặc lấy vợ mấy chục năm không có khả năng sinh con; cá biệt, có một thương binh phải nằm Viện Quân y 103 chạy thận nhân tạo gần 20 năm không về nhà và trung tâm, nhân viên y tế của trung tâm thay nhau chăm sóc 24/24h...

Chủ tịch nước Tô Lâm tặng quà các đồng chí thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành.

Chủ tịch nước Tô Lâm tặng quà các đồng chí thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành.

Tôi giật mình nhớ lại số thương, bệnh binh do Giám đốc Nguyễn Văn Hương báo cáo vào đầu năm 2024 nhân dịp Tết Giáp Thìn khi Chủ tịch nước Tô Lâm (thời điểm đó đang là Bộ trưởng Bộ Công an) đến thăm. Lúc đó, anh Hương cho biết, trung tâm có 93 thương, bệnh binh. Thấy tôi giật mình, anh Hương nghẹn ngào: “Từ đầu năm đến nay có 2 bác đã về với tổ tiên rồi. Mới đây nhất, ngày 4/6 vừa qua, một bác bệnh nặng đã qua đời, trung tâm phối hợp với gia đình lo hậu sự”. Kể về công tác chăm sóc, điều trị cho các thương, bệnh binh, anh Hương cho biết, đa phần các thương, bệnh đều tuổi đã cao (trung bình 70 tuổi, người cao tuổi nhất 92 tuổi) lại bệnh nặng, tuổi cao, sức yếu nên việc chăm sóc, điều trị không chỉ là trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải có tình yêu thương, nhẫn nại, tận tụy, chu đáo.

Theo đó, hằng ngày, các bác sĩ sẽ khám bệnh, cấp thuốc, hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho từng thương, bệnh binh. Đối với những bác không đi lại được thì việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sẽ được thực hiện ngay tại giường. Quá trình chăm sóc, các cán bộ sẽ hỏi han để nắm thêm diễn biến về sức khỏe để có kế hoạch đưa thương, bệnh binh đi kiểm tra chuyên sâu ở tuyến trên. Khi thương binh có diễn biến nặng, trung tâm sẽ cử kíp trực chăm sóc 24/24, đưa đi bệnh viện nếu vượt quá khả năng điều trị. Khi các thương binh nằm viện thì cán bộ trung tâm sẽ đi theo chăm sóc đến lúc khỏi mới cùng về.

Ở bệnh viện, các cán bộ của trung tâm thay người nhà lo ăn uống, vệ sinh, thay băng, thay bỉm, dọn vệ sinh cho các thương, bệnh binh. Anh chị em thường mang theo bạt trải nằm dưới giường bệnh nhân để tiện chăm sóc, theo dõi. “Các cán bộ y tế rất vất vả, nếu không có tâm không thể làm được vì ở viện không có chỗ nghỉ ngơi, nằm dưới gầm giường, bên trên là túi nước tiểu, máy móc. Nhiều đêm, anh chị em thức trắng để xoa bóp, theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, báo cho các bác sĩ xử lý kịp thời” - bác sĩ Nguyễn Văn Hương cho biết.

Hiện trung tâm có thương binh Lê Văn Hiên, bị suy thận độ 4, chạy thận gần 20 năm tại Viện 103 không về được nhà, cũng không về trung tâm. Bác Hiên bị thương tật nặng nên không xây dựng gia đình. Vì thế, suốt gần 20 năm nay, nhân viên y tế của trung tâm thay phiên nhau mỗi tổ 1 tuần đến bệnh viện phục vụ, chăm sóc như người thân của mình. Đặc biệt, do hiểu biết về tình trạng sức khỏe cũng như đặc điểm cơ địa, bệnh tật của từng người nên các cán bộ y tế ở trung tâm có nhiều phương pháp điều trị, chăm sóc bệnh “không giống ai” nhưng lại giảm bớt được bệnh tật, kéo dài tuổi thọ cho các thương, bệnh binh.

Như trường hợp thương binh Vũ Thanh Minh, quê ở Phú Thọ, đã sống thêm được 2 năm sau khi “bệnh viện trả về”. Bác sĩ Nguyễn Văn Hương cho biết: “Bác Vũ Thanh Minh bị huyết áp cao mãn tính, lúc bình thường, khỏe mạnh, huyết áp có thể lên đến trên 180 mmHg. Khi bác bị bệnh, chúng tôi đưa đi Viện 103 điều trị. Khi đo, thấy huyết áp bệnh nhân cao nên bệnh viện đã cho thuốc để chỉ số trở về bình thường. Tuy nhiên, mức bình thường lại khiến bệnh nhân không chịu được, dẫn đến hôn mê. Tôi và các cán bộ của trung tâm chăm sóc gần 20 ngày ở viện, thấy không tiến triển, gia đình bác đã xin đưa về để chờ lo hậu sự. Khi đưa bác về nhà, bằng kinh nghiệm chăm sóc lâu năm, chúng tôi đã mạnh dạn cắt thuốc hạ huyết áp, xông ăn, dẫn lưu nước tiểu..., sau đó, bác tỉnh lại và sống thêm được gần 2 năm”.

Thương binh Lê Văn Quý trò chuyện với phóng viên Báo CAND.

Thương binh Lê Văn Quý trò chuyện với phóng viên Báo CAND.

Trường hợp bác Lê Văn Công ở TP Vinh, Nghệ An cũng tương tự như vậy, sau khi “bệnh viện trả về”, trung tâm đã cử cán bộ có kinh nghiệm theo về nhà để chăm sóc, điều trị. Một thời gian sau, bác khỏe, lại đưa lên trung tâm và sống thêm được 2 năm.

Tình cảm sâu nặng đối với lực lượng CAND

Đối với cán bộ, nhân viên và các thương, bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành thì tình cảm đối với lãnh đạo Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ CAND là tình cảm rất chân thành, quý mến.

Nhớ lại những lần lãnh đạo Bộ Công an đến thăm, mắt các thương, bệnh binh ánh lên niềm vui. Bác Lê Văn Quý, sinh năm 1952, quê ở Kinh Môn, Hải Dương, thương binh 1/4 nói: “nhà báo xem, tivi này, bếp từ này... đều là của Bộ Công an tặng chúng tôi đấy”. Rồi bác kể, hiếm có đơn vị nào chu đáo như Bộ Công an, đặc biệt là đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng.

“Lãnh đạo Bộ Công an không chỉ tặng quà chúng tôi trên hội trường mà còn đến từng phòng để biết cơ sở vật chất, sinh hoạt của chúng tôi. Mấy năm trước, khi đến phòng thăm, thấy chúng tôi xem tivi đời cũ, đồng chí Tô Lâm hỏi chúng tôi tivi còn xem được không. Chúng tôi bày tỏ nguyện vọng mong có tivi mỏng đời mới, đồng chí liền tặng mỗi phòng 1 chiếc tivi 32 inch treo tường, hôm sau cho lắp đặt ngay. Sau này, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, tivi 32 inch không xem được internet, chúng tôi đề xuất mong muốn có tivi đời mới để nắm bắt tin tức qua internet, đồng chí lại tặng mỗi phòng 1 tivi đời mới có thể kết nối internet” - bác Quý cho biết.

Vừa tiếp chúng tôi, vừa tranh thủ nấu cơm, chỉ vào chiếc bếp từ đơn còn khá mới và sạch sẽ, bác Quý khoe “bếp từ này cũng là của Bộ Công an tặng chúng tôi đấy. Đồng chí Tô Lâm đến thăm, thấy bếp của chúng tôi cũ, không an toàn nên tặng mỗi phòng 2 triệu để mua bếp mới. Tình cảm này đáng quý vô cùng” - bác Quý xúc động.

Được biết, thương binh Lê Văn Quý bị thương ở chiến trường Quân khu 4. Năm 19 tuổi, bác xung phong đi bộ đội, chiến đấu ở Quảng Trị. Sau hơn 4 năm chiến đấu ở nhiều chiến trường, tháng 3/1976, bác bị thương ở cột sống, liệt hoàn toàn nên được đưa về tuyến dưới điều trị. Đến tháng 10/1977, bác được đưa về chăm sóc, điều dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành và gắn bó ở đây cho đến nay.

“Thời gian đầu, tôi chỉ nằm một chỗ, không đi lại được, mọi sinh hoạt phải nhờ cán bộ trung tâm phục vụ. Lúc đó khó khăn, không có đệm nên nằm lâu bị loét hết người” - bác Quý cho biết. May mắn đến với bác Quý và nhiều thương binh nặng ở đây, đó là có những cô gái ở gần trung tâm đến chơi, tiếp xúc rồi vượt qua khó khăn, rào cản để xây dựng gia đình với các thương binh.

“Tôi cũng là một trong những người may mắn. Trước kia, làng xóm còn nghèo, chỉ ở trung tâm mới có tivi nên buổi tối cán bộ mang ra trước sân để chiếu cho anh em thương binh và bà con xem. Các cô gái trong làng cũng hay đến xem. Lúc đó, vợ tôi thường vào phòng mượn ghế để mang ra sân xem, hết giờ lại trả. Có hôm trời mưa không xem được nên ngồi nói chuyện, dần dà quen nhau rồi nên duyên. Cô ấy không chê người liệt như tôi mà quyết định lấy làm chồng. Gia đình bên vợ lo lắng vì sợ tôi không có tương lai nhưng cô ấy quyết tâm nên mọi người chấp nhận” - bác Quý cho biết.

Hạnh phúc nở hoa kỳ diệu sau nhiều năm nằm liệt, được sự chăm sóc, động viên của vợ và các cán bộ Trung tâm, bác Quý đã dần phục hồi, có thể ngồi dậy rồi chống gậy tập đi được. “Vợ tôi vất vả, ở gần nhau được vài năm, cô ấy đưa con về quê chồng. Lúc đó, anh trai tôi cũng hi sinh, bố mẹ rất buồn nên cô ấy về quê chăm sóc, thi thoảng lên thăm chồng. Chúng tôi có 4 con, hiện có 9 cháu nội, ngoại. Tuy nhiên, chất độc da cam đã di chứng sang thế hệ thứ 3” - bác Quý lấy khăn lau nước mắt rồi nghẹn ngào “Trong 4 người con của tôi thì người con trai thứ hai bị di chứng chất độc da cam nên mù bẩm sinh, cô con gái út cũng có biểu hiện nhưng không dám đi khám vì sợ nếu biết có chất độc da cam sẽ khó xây dựng gia đình và xin việc làm. Các cháu đều xây dựng được gia đình, tuy nhiên, con trai thứ hai của tôi sau khi sinh con thì cháu cũng bị di chứng, bị phình đại cổ bẩm sinh. Vì vậy, vợ cháu bỏ đi biệt, để lại người chồng mù và đứa con trai có bệnh bẩm sinh nên, dù giờ các con đã lớn nhưng vợ tôi vẫn phải ở quê, không lên chăm chồng được vì vừa chăm con, vừa nuôi cháu và ruộng vườn, đồng áng kiếm thu nhập” - bác Quý chia sẻ.

Bác Đỗ Văn Thế, sinh năm 1944, quê ở Ý Yên, Nam Định không xây dựng gia đình. “Tôi tham gia chiến đấu, bị thương ở chiến trường Huế vào tháng 2/1968 trong chiến dịch Mậu Thân, sau đó bị bắt làm tù binh 5 năm ở Biên Hòa. Đến tháng 3/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi là một trong những thương binh được trao trả tại sông Thạch Hãn. Về miền Bắc, tôi được điều trị ở nhiều nơi, năm 1976 tôi về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho đến nay. Do bị liệt hoàn toàn thân dưới, mất hết hạnh phúc riêng tư, không tự vệ sinh cá nhân được, tất cả sinh hoạt đều nhờ vào cán bộ trung tâm nên tôi không xây dựng gia đình, sợ làm lỡ dở hạnh phúc người khác. Giờ cha mẹ mất rồi, tôi ở đây đến cuối đời thôi ” - bác Thế cho biết.

Lần giở cuốn sổ ghi nhật ký các đơn vị đến thăm trung tâm, Giám đốc Nguyễn Văn Hương cho biết, năm nào lãnh đạo Bộ Công an cũng 2 lần đến thăm, tặng quà thương binh và trung tâm. Ngoài ra, các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên thăm, động viên, tặng quà, khám chữa bệnh rất tận tình, dọn dẹp, vệ sinh môi trường giúp trung tâm, làm cho cảnh quan đẹp hơn, sạch hơn. Vừa rồi, Cục Y tế và một số đơn vị vừa đến khám bệnh, phát thuốc. Nhờ có bác sĩ giỏi, máy móc hiện đại nên cán bộ y tế của Bộ Công an phát hiện rất nhiều bệnh tiền ẩn của thương, bệnh binh như phình động mạch, u bàng quang... để điều trị kịp thời.

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), ngày 24/7, đoàn công tác của Bộ Công an do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an đã thăm, tặng quà tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đã trao 91 suất quà của Bộ Công an đến các thương, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành nhằm tri ân sâu sắc trước những hy sinh, đóng góp to lớn của các đồng chí thương, bệnh binh đã hi sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước...

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cũng trao 50 triệu đồng tặng cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành nhằm chia sẻ với những vất vả, khó khăn mà cán bộ, công nhân viên của trung tâm đã và đang nỗ lực vượt qua để chăm sóc, nuôi dưỡng các đồng chí thương, bệnh binh.

Phương Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/thang-7-tri-an-i738637/