Tháng 7 và hành trình tìm lại tên cho các liệt sĩ
Hơn nửa thế kỷ sau ngày đất nước hòa bình, vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Riêng tại Thanh Hóa, gần 40.000 thân nhân vẫn đang mòn mỏi chờ tin những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc...

Lực lượng Công an Thanh Hóa thu nhận mẫu ADN của bà Lữ Thị Thọ ở bản Phe, xã Tam Thanhthân nhân của liệt sĩ Lữ Văn Nhuôn.
NHỮNG CHUYẾN ĐI KHÔNG NGHỈ NGƠI
Những ngày giữa tháng 7, khi nắng mưa thất thường trùm lên vùng cao xứ Thanh, cũng là lúc lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở tỏa đi khắp các bản làng, gõ cửa từng nhà thân nhân liệt sĩ. Có người ở nơi xa xôi heo hút, muốn đến được phải vượt hơn 30 cây số đường rừng quanh co, trơn trượt sau cơn mưa. Có người già yếu, bệnh tật, không thể rời khỏi giường… nhưng không vì thế mà họ bị bỏ lại. Tổ công tác sẽ đến tận nơi, bất kể đó là ngôi nhà đơn sơ giữa bản biên giới hay chiếc giường trong phòng điều trị bệnh viện huyện.
Ở bản Phe, xã Tam Thanh là một xã biên giới, tổ công tác đến thu mẫu cho cụ bà Lữ Thị Thọ, 101 tuổi. Cụ ngồi lặng lẽ bên bậu cửa, đôi mắt mờ đục vẫn hướng về phía chân trời, nơi em trai bà, liệt sĩ Lữ Văn Nhuôn, đã ra đi từ năm 1967 và không trở về. Hôm ấy, dù mưa rừng nặng hạt, cụ Thọ vẫn ngồi chờ từ sáng. Khi thấy các chiến sĩ đến, cụ nhờ con gái đỡ dậy, run run vươn cánh tay già yếu để lấy mẫu máu. “Cả đời tôi chỉ mong biết mộ em tôi ở đâu. Giờ tai đã điếc, mắt đã mờ, nhưng thấy các chú đến tìm em tôi, tôi mừng lắm...” cụ nghẹn ngào.
Công tác thu nhận mẫu ADN không đơn giản chỉ là lấy mẫu sinh học. Đó là một hành trình tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu và ghi nhận. Nhiều người thân liệt sĩ là đồng bào dân tộc thiểu số, không nói được tiếng phổ thông, không biết đọc, biết viết. Có người chưa bao giờ nghe đến khái niệm “ADN”. Lúc ấy, các cán bộ Công an xã, chiến sĩ tổ công tác lại phải kiên nhẫn giải thích từng chút một, bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc và gần gũi nhất.

Vượt suối, leo đèo, tổ công tác đến tận nhà những thân nhân liệt sĩ để thu nhận mẫu ADN.
Thiếu úy Lê Văn Hiếu, Công an xã Tam Thanh chia sẻ: “Có người già nghe nói lấy máu là giật mình, lo sợ. Chúng tôi phải đến từng nhà, vừa làm vừa giải thích. Có khi phải nhờ trưởng bản hoặc già làng đi cùng để bà con yên tâm.”
Đối với những người đã cao tuổi, trí nhớ không còn vẹn nguyên, giấy tờ thì thất lạc qua thời gian, quá trình xác minh quan hệ thân nhân lại càng khó khăn. Có gia đình chỉ còn lại tấm bằng Tổ quốc ghi công hay giấy báo tử đã phai màu làm căn cứ. Nhưng không vì thế mà công việc chùn bước. Với tinh thần “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, cán bộ chiến sĩ Công an Thanh Hóa vẫn lặng thầm tiếp tục hành trình – mỗi cái tên tìm lại được là một lần sự sống hồi sinh trong ký ức gia đình.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 50 năm nhưng nỗi đau mất mát vẫn còn hiện hữu khi vẫn còn hàng trăm nghìn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Theo số liệu thống kê, hiện nay, cả nước còn khoảng 500.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó 200.000 hài cốt chưa quy tập và 300.000 hài cốt đã an táng nhưng thiếu thông tin. Riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có 37.720 liệt sĩ chưa xác định được thông tin với tổng số 39.137 trường hợp thân nhân cần thu nhận mẫu ADN.
Chỉ trong đợt cao điểm đầu tiên (từ 12 đến 16/5/2025), lực lượng chức năng Thanh Hóa đã thu nhận được 933 mẫu ADN trở thành địa phương thu nhận nhiều mẫu nhất cả nước. Đó là 933 ngọn đèn hy vọng được thắp lên giữa hành trình dài dằng dặc của những gia đình vẫn đang đi tìm người thân.
Ngày 20/6/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát động cao điểm đợt hai, với mục tiêu thu nhận toàn bộ mẫu ADN còn lại từ các thân nhân liệt sĩ chưa có thông tin. Đối tượng mở rộng gồm các nhóm thân nhân bên ngoại như anh chị em cùng mẹ, cháu gọi liệt sĩ bằng dì, cậu...
Bước sang giai đoạn 2, mục tiêu đặt ra là thu nhận 35.626 mẫu ADN còn lại của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm và hiệu quả, các lực lượng tham gia thu nhận mẫu mà nòng cốt là lực lượng Công an Thanh Hóa đã không quản đường sá xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, vất vả trèo đèo, lội suối, tranh thủ mọi thời gian, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, bất kể ngày hay đêm đến từng nhà, từng xã, từng thôn bản, gặp gỡ từng thân nhân liệt sĩ để hướng dẫn kê khai thông tin, lấy mẫu máu, niêm phong và bảo quản đúng quy trình kỹ thuật.
Câu chuyện của ông Lê Xuân Thanh, ở xã Cẩm Thạch, là một trong hàng ngàn mảnh ghép đau đáu ấy. Người anh trai ông là liệt sĩ Lê Xuân Thọ đã hy sinh tại chiến trường Mỹ Tho năm 1974. Gần nửa thế kỷ trôi qua, gia đình vẫn chưa một lần được biết nơi an nghỉ của anh.

Lực lượng Công an phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà thu nhận mẫu ADNthân nhân liệt sĩ tuổi cao, sức yếu, bệnh tật không thể đi lại.
Nay, chính ông Thanh cũng bị bệnh Parkinson, việc đi lại rất khó khăn. Nhưng khi tổ công tác đến, ông vẫn cố gắng ngồi dậy, nhắc từng ký ức về người anh trai: “Anh đi đánh giặc, nắm tay tôi dặn: ở nhà cố giữ sức khỏe, chăm bố mẹ. Giờ tôi chỉ mong biết mộ anh ở đâu để được thắp cho anh nén nhang…”
Không chỉ ông Thanh, những chuyến đi lặng thầm của các tổ công tác đã mang lại xúc động và niềm tin cho biết bao gia đình. Như trường hợp bà Hà Thị Diện (64 tuổi) là em gái liệt sĩ Hà Văn E dù đang điều trị trong bệnh viện vẫn được cán bộ Công an đến tận nơi thu mẫu. “Gia đình chỉ mong một lần thắp hương lên phần mộ của anh tôi. Được các chú đến tận giường bệnh để lấy mẫu, tôi thật sự cảm động”, bà nghẹn ngào nói.
CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN
Thời gian là yếu tố quý giá nhất trong công cuộc xác định danh tính liệt sĩ. Bởi thân nhân ngày một già yếu, hồ sơ giấy tờ thất lạc, trí nhớ mờ dần… Chính vì vậy, chiến dịch lấy mẫu ADN lần này là cuộc chạy đua với thời gian.
Để đảm bảo tiến độ, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công ty GeneStory thành lập 10 trạm thu mẫu tập trung. Đồng thời, triển khai hàng trăm tổ công tác lưu động len lỏi vào từng xã, từng thôn, từng hộ. Mỗi mẫu ADN được lấy đều được niêm phong, vận chuyển ngay trong ngày về phòng xét nghiệm tại Hà Nội, nhằm đảm bảo độ chính xác cao nhất trong phân tích, đối chiếu.

Lực lượng Công an hỗ trợ đưa đón các mẹ liệt sĩ đến lấy mẫu ADN tại các điểm trung tâm.
Ở nhiều nơi, cán bộ Công an xã còn phải đưa đón thân nhân cao tuổi đến điểm thu mẫu, hỗ trợ kê khai hồ sơ, tránh thiếu sót. Công tác được tổ chức khoa học, phối hợp chặt chẽ giữa các bên, đối soát thông tin kỹ lưỡng để hạn chế tối đa sai sót.
Trong cuộc hành trình đầy nghĩa tình ấy, không thể không nhắc đến những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm lặng lẽ làm việc không mỏi mệt. Họ không chỉ mang theo ống nghiệm, bông băng, mà còn mang theo niềm tin và sự kiên trì. Họ là những người lắng nghe từng câu chuyện bị lớp bụi thời gian phủ kín, lần theo từng manh mối nhỏ để khôi phục thông tin, tìm lại danh tính cho các liệt sĩ. Họ chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại để một ngày nào đó, trong tiếng gọi tên đầy xúc động, những anh hùng liệt sĩ lại “được sống” thêm một lần nữa, trong vòng tay người thân, trên chính mảnh đất quê hương đã sinh ra họ.
Thiếu úy Trần Đức Lương, cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Có những gia đình nằm rất xa trung tâm, cán bộ đi thu nhận mẫu vừa bị áp lực về khoảng cách địa lý, vừa bị áp lực bảo đảm chất lượng tốt nhất cho các mẫu sinh phẩm. Vì vậy, quá trình thu nhận mẫu, chúng tôi đều tiến hành rất thận trọng, tỉ mỉ. Có những thân nhân đã già yếu, bệnh tật không thể đến nơi tập trung, chúng tôi tổ chức tổ lưu động đến tận gia đình để thu nhận mẫu. Có trường hợp, thân nhân sợ lấy máu, không cho lấy mẫu máu, lúc đó chúng tôi đã phải kiên trì vận động, tuyết phục để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc lẫy mẫu máu để tìm thân nhân, từ đó đồng thuận, tự nguyện hợp tác.

Cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa trực tiếp đến các gia đình liệt sĩ già yếu, để thu nhận mẫu ADN.
Việc lấy mẫu không chỉ là công tác khoa học mà còn là một hành trình đầy cảm xúc. Mỗi mẫu máu, mỗi sinh phẩm được thu về đều mang theo nỗi mong chờ, sự hồi hộp và cả lời nguyện cầu thầm lặng. Đó là hành trình không dễ dàng, nhưng đầy hy vọng, bởi chỉ cần một kết quả trùng khớp là có thêm một liệt sỹ được trở về một gia đình, được vơi đi nỗi mong ngóng, bởi đằng sau mỗi mẫu là tình mẹ nghĩa cha, là lời hứa của Tổ quốc, không để những anh hùng liệt sỹ bị lãng quên.
Từ ngày 12–16/5/2025, trong giai đoạn 1, Thanh Hóa đã trở thành địa phương có số lượng mẫu ADN thu nhận lớn nhất toàn quốc, với 933 mẫu (trong đó có 932 mẫu của mẹ đẻ liệt sĩ và 1 mẫu thân nhân cận huyết thống bên ngoại). Kết quả đối sánh bước đầu đã xác định được danh tính của 2 liệt sĩ là Trịnh Văn Hai (xã Đông Thành) và Trịnh Quang Lâm (xã Nga An).
Tiếp nối thành công đó, giai đoạn 2 từ ngày 3–20/7/2025, với phương châm "Không để sót một mẫu nào, không nhầm một thân nhân nào; hành động khẩn trương nhưng tuyệt đối chính xác", lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp cùng Công ty Genestory và các đơn vị chuyên môn tổ chức thu nhận 36.454 mẫu ADN, vượt gần 1.000 mẫu so với chỉ tiêu được giao. Từ kết quả này, danh tính của thêm 1 liệt sĩ đã được xác định.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thang-7-va-hanh-trinh-tim-lai-ten-cho-cac-liet-si.htm