Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7: Khắc ghi đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn'

Tháng Bảy, lặng lẽ và sâu lắng như một lời nhắc nhở về đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' của dân tộc Việt Nam. Trên khắp mọi miền Tổ quốc, những ngọn nến tri ân được thắp lên, khói nhang quyện hòa cùng cỏ cây, gió núi, tạo thành một không gian linh thiêng – nơi quá khứ và hiện tại giao thoa.

Ở một góc nghĩa trang liệt sĩ, có người cựu chiến binh ngồi lặng lẽ bên những ngôi mộ đồng đội. Mái tóc ông đã bạc, dáng người gầy gò bởi năm tháng, nhưng ánh mắt thì vẫn sáng, vẫn đau đáu hướng về một thời bom đạn, một thời của tuổi trẻ không tiếc thân mình cho Tổ quốc.

Tháng Bảy, không chỉ là thời khắc tưởng niệm, mà còn là dịp để mỗi người dân Việt Nam lắng lòng nhìn lại quá khứ, biết ơn những người đi trước và tự hào về truyền thống dân tộc. (Nguồn: VGP)

Tháng Bảy, không chỉ là thời khắc tưởng niệm, mà còn là dịp để mỗi người dân Việt Nam lắng lòng nhìn lại quá khứ, biết ơn những người đi trước và tự hào về truyền thống dân tộc. (Nguồn: VGP)

Gió chiều thổi qua rừng thông vi vút, mang theo âm vang của những kỷ niệm. Có tiếng bước chân nhẹ nhàng trên con đường gạch cũ, có tiếng gió thầm thì như gọi tên những người đồng đội năm xưa.

Người cựu chiến binh ấy ngồi nhẩm đếm trong đầu từng kỷ niệm, từng khuôn mặt, từng câu nói dang dở chưa kịp gửi trao trước khi chiến tranh cuốn đi bao phận người.

Rồi ông đứng dậy, bước thấp bước cao đến từng ngôi mộ, thắp nén nhang thơm, thì thầm trò chuyện với những người đã khuất: “Tớ lại đến thăm các cậu đây…”.

Những nén hương cháy nghi ngút không chỉ để tưởng nhớ, mà còn là lời tri ân, là sự kết nối bất tử giữa người sống và người đã hy sinh. Đằng sau dáng hình lặng lẽ ấy là cả một chiều dài lịch sử, là câu chuyện của biết bao người lính trở về hay nằm lại, là bản hùng ca viết nên bởi máu xương và khát vọng độc lập, tự do.

Ngày nay, đất nước đã thanh bình. Những vùng đất từng chìm trong lửa đạn nay đã xanh ngắt một màu yên bình. Từ nơi nghĩa trang vọng về, có thể nghe được âm thanh của cuộc sống – trẻ thơ cười đùa trong sân trường, tiếng máy cày trên cánh đồng, tiếng rộn ràng xây dựng trên các công trường, nhà máy. Đó là những điều mà thế hệ cha ông năm xưa từng hy sinh để bảo vệ và vun đắp.

Tháng Bảy, không chỉ là thời khắc tưởng niệm, mà còn là dịp để mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, lắng lòng nhìn lại quá khứ, biết ơn những người đi trước và tự hào về truyền thống dân tộc.

Những chuyến đi về nguồn nối tiếp nhau, những đoàn áo xanh tình nguyện, những học sinh, sinh viên háo hức đến thăm “địa chỉ đỏ”, tất cả đều đang học cách lắng nghe quá khứ bằng con tim.

Mỗi câu chuyện kể, mỗi kỷ vật còn lưu giữ, mỗi tấm bia khắc tên liệt sĩ… đều là một bài học sinh động về lòng yêu nước, về sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao.

thời tiết có thể thay đổi – hôm mưa dầm, hôm nắng gắt – nhưng những bước chân về nguồn vẫn đều đặn vang lên. Ở mỗi vùng quê, mỗi nghĩa trang liệt sĩ, khói nhang vẫn bay, lòng người vẫn ấm.

Những cánh rừng năm xưa từng chứng kiến bom đạn nay đã xanh rì trở lại, là nơi chim về hót líu lo, là nơi các thế hệ trẻ tìm đến để được kể lại câu chuyện của Tổ quốc qua từng dấu tích.

Người cựu chiến binh vẫn trở lại nơi đây mỗi tháng Bảy. Mỗi lần đứng trước bia mộ đồng đội, ông như gặp lại tuổi hai mươi của chính mình – cái tuổi sẵn sàng từ biệt mẹ cha, gác lại ước mơ riêng để bước vào chiến trường. Ông chậm rãi đưa tay vuốt nhẹ lên từng dòng chữ khắc tên, khắc quê quán, ánh mắt ngân ngấn lệ nhưng vững chãi lạ kỳ.

Ở nơi trang nghiêm này, dường như không còn khoảng cách giữa sống và chết, giữa hiện tại và quá khứ. Mỗi nén nhang là một lời hứa, rằng lớp người đi sau sẽ tiếp tục giữ gìn nền độc lập mà thế hệ trước đã đánh đổi bằng máu. Đó cũng là lời nhắn nhủ của những người đã ngã xuống: "Hãy sống xứng đáng!".

Tháng Bảy, lòng người cũng như dịu lại. Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, những bộn bề của mưu sinh, nhưng đâu đó trong tâm khảm mỗi người dân Việt vẫn cháy âm ỉ một ngọn lửa tri ân. Không cần quá nhiều lời hoa mỹ, chỉ cần một phút cúi đầu tưởng niệm, một đóa hoa nhỏ, một lời kể cho con cháu nghe về những người đã hy sinh, cũng đủ làm đạo lý thấm đẫm tình người.

Tháng Bảy, người Việt trở về với cội nguồn, trở về với những ký ức không thể nào quên. Nơi nghĩa trang quê nhà, nhang khói lan tỏa như ôm trọn cả chiều sâu tâm thức.

Trong không gian yên ắng ấy, tôi thấy dáng hình của người cựu chiến binh như tượng đài sống động của ký ức, của lòng thủy chung, của một thời không thể nào phai mờ.

Đất nước hôm nay đang trên hành trình phát triển, hội nhập và hiện đại hóa. Nhưng dù tiến xa đến đâu, con người vẫn cần một chốn để quay về.

Và tháng Bảy với tất cả sự thiêng liêng của nó, chính là cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời nhắc nhở rằng: Hòa bình hôm nay không phải là điều hiển nhiên, mà là thành quả của máu, nước mắt và lòng quả cảm.

Có lẽ vì thế mà tháng Bảy luôn đặc biệt trong lòng người Việt. là sự thiêng liêng, giáo dục tinh thần yêu nước, của lòng biết ơn, của sự nhắc nhớ về cội nguồn dân tộc.

Dẫu thời gian trôi đi, dẫu thế hệ thay đổi, thì những giá trị ấy vẫn mãi trường tồn như chính tấm lòng sắt son của người cựu binh bên nghĩa trang quê nhà, vẫn lặng thầm đi trong chiều tháng Bảy, vẫn nhắc ta về một thời oanh liệt, một thời đã viết nên tên đất nước bằng chính máu thịt của mình.

Trà Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-thuong-binh-liet-si-277-khac-ghi-dao-ly-uong-nuoc-nho-nguon-322469.html