Tháng 7 về Hải Phú

Hải Phú nằm về phía bắc của huyện Hải Lăng, tiếp giáp với thị xã Quảng Trị và các xã Hải Thượng, Hải Lệ, Hải Lâm, là vùng đất bán sơn địa. Diện tích của xã phần lớn là vùng đồi núi; phía đông bắc là vùng đất đồng bằng thuận lợi cho việc trồng lúa và các loại hoa màu; phía tây là vùng rừng núi có lợi thế trồng cây lấy gỗ, cây tiêu, cao su và các loại cây ăn quả như cam, quýt, mãng cầu.

 Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phú, Hải Lăng

Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phú, Hải Lăng

Trong những năm chiến tranh nơi đây là khu vực rất thuận lợi cho cán bộ cách mạng về hoạt động. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hải Phú là cái nôi của cách mạng huyện Hải Lăng. Ở đây có bia chứng tích Phú Long (một trong những chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở huyện Hải Lăng); Nhà bia ghi danh 8 dũng sĩ Phường Sắn và Đài tưởng niệm chốt ngã ba Long Hưng - là những nơi ghi dấu chiến công vẻ vang của quân và dân Hải Phú.

Ít có một xã nào mà dân số chỉ khoảng 4.650 người nhưng lại có tới 41 Mẹ Việt Nam anh hùng, 3 người là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 234 liệt sĩ và hàng trăm gia đình có công với cách mạng. Về Mẹ Việt Nam anh hùng ở Hải Phú nổi tiếng có bà Trần Thị Mít (thôn Phú Hưng), gia đình bà có tới 8 liệt sĩ, gồm có chồng, 6 người con và người cháu đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là sự hi sinh, mất mát rất to lớn, không gì có thể bù đắp được; gia đình bà Văn Thị Thùy (thôn Phú Hưng) có 4 liệt sĩ, gồm 3 con trai và 1 con gái.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hải Phú là địa bàn diễn ra nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt mà sử sách còn ghi. Đó là cuộc chiến đấu của Tiểu đội 7 (Tiểu đội Phường sắn). Ngày 6/7/1964 địch huy động một tiểu đoàn và nhiều xe thiết giáp M113 để phản kích nhằm xóa bỏ chính quyền cách mạng mới hình thành. Chỉ có một tiểu đội với 8 người nhưng quân ta đã chiến đấu ngoan cường, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của địch. Cảm kích trước sự hi sinh của chiến sĩ Tiểu đội Phường Sắn, người dân địa phương đã dựng bia để thờ, sau này được nhà nước đầu tư hơn 1 tỉ đồng, xây dựng nhà bia to lớn hơn. Lịch sử Đảng bộ xã cũng vinh danh những người con anh hùng của quê hương như Phạm Đình Chương (liệt sĩ); Nguyễn Năng Hợi và các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Văn Thị Xuân, Trần Hữu Thủy… Chỉ riêng trong kháng chiến chống Mỹ, xã Hải Phú đã 2 lần được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (vào năm 1969 và năm 1971). Điều đó cho thấy sự hi sinh, chiến đấu dũng cảm, đóng góp to lớn của người dân Hải Phú cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông, những người con của Hải Phú hôm nay đang nỗ lực lao động, sáng tạo xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh. Hải Phú trở thành ngọn cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nói về những thành tích nổi bật trong kinh tế, Chủ tịch UBND xã Văn Ngọc Ánh cho biết, tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 310,5 tỉ đồng, trong đó nông - lâm - thủy sản chiếm 32,2%; ngành xây dựng-công nghiệp - TTCN chiếm 29,1%; ngành nghề- dịch vụ khác 39,8%. Bình quân thu nhập đầu người đạt 45,6 triệu đồng/năm, là một trong những xã có thu nhập bình quân đầu người thuộc vào tốp cao của tỉnh. Một chuyển biến khác là ở Hải Phú đã thực hiện việc tích tụ ruộng đất, thuận lợi cho canh tác. Nếu trước đây 168 hộ canh tác trên diện tích 12 ha thì nay đã chuyển cho 6 hộ. Các hộ này tổ chức lại sản xuất, làm lúa hữu cơ, giá trị cao, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Trong nông nghiệp, Hải Phú đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh, tăng cường đầu tư thâm canh nên giá trị sản xuất bình quân trên mỗi héc ta đạt 64 triệu đồng. Xã cũng tập trung quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 345 ha, chiếm 84,5% diện tích toàn xã. Ở vùng gò đồi trồng nhiều loại cây có giá trị như cam, tiêu, các loại cây lấy gỗ, trong đó diện tích cây cam ở vùng K4 lên tới 26 ha. Xã thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi, đưa các cơ sở chăn nuôi lớn ra khỏi vùng dân cư. Hiện có 2 trang trại chăn nuôi heo với quy mô hơn 1.000 con/trang trại. Ngoài ra còn nuôi cá nước ngọt và cung cấp cá giống cho nhiều địa phương khác. Cả 2 HTX Long Hưng và Phú Hưng đẩy mạnh việc trồng rừng theo chứng chỉ FSC, trong đó nhiều diện tích rừng cho khai thác, mang lại giá trị kinh tế 200 triệu đồng/ha.

Về văn hóa xã hội, Hải Phú thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xã chỉ có hai thôn là Long Hưng và Phú Hưng đều được công nhận là đơn vị văn hóa xuất sắc cấp tỉnh. Các trường học duy trì danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Chất lượng đào tạo luôn được coi trọng, là xã có chất lượng giáo dục cao nhất huyện. Không ít học sinh xã Hải Phú đoạt giải cao trong các cuộc thi trí tuệ và kì thi quốc gia như em Văn Viết Đức (giải Nhất cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức). Mới đây em Trần Vinh Khánh, học sinh lớp 8A, Trường TH&THCS Hải Phú xuất sắc vào vòng chung kết và đoạt giải Ba hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2019. Các cơ sở y tế được đầu tư về nhân lực và cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho việc chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn. Nhờ phát triển các mặt kinh tế, xã hội, tỉ lệ hộ nghèo ở Hải Phú chỉ còn 2,8%. Trong đó các gia đình chính sách có mức sống cao hơn mức trung bình của xã.

Trong xây dựng nông thôn mới, xã có những cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lưc để xây dựng cơ sở hạ tầng, mang lại hiệu quả thiết thực, là xã đầu tiên của huyện Hải Lăng về đích trong xây dựng nông thôn mới (năm 2015) và đang được cấp trên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hải Phú nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương tặng cờ, bằng khen về các thành tích trong phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh. Đảng bộ nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; chính quyền vững mạnh.

Tháng 7 về Hải Phú trong những ngày nắng hạn gay gắt, chúng tôi vẫn bắt gặp màu xanh của những cánh rừng, của cây lúa và những vạt sắn ven đồi, một cuộc sống của làng quê thanh bình, yên ả. Tháng 7 cũng là tháng mà người dân Hải Phú có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Chủ tịch UBND xã Văn Ngọc Ánh cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân hảo tâm, xã đang triển khai xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách. Thực hiện xã hội hóa trong xây dựng các cột điện thắp sáng ở nghĩa trang liệt sĩ và sắp tới sẽ khởi công xây dựng nhà quản trang với kinh phí 400 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 60 triệu, còn lại thực hiện xã hội hóa. Trong dịp này xã cũng tổ chức đoàn đi thăm viếng, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu. Riêng Nghĩa trang liệt sĩ xã có 1.964 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó phần lớn là mộ những người con ở nhiều miền quê trong cả nước đến đây chiến đấu, hi sinh và đang nằm lại ở Hải Phú luôn được quan tâm, chăm lo, vệ sinh sạch sẽ. Trong những ngày này, chúng tôi chứng kiến có nhiều gia đình từ ngoài Bắc đi ô tô, mang theo lễ vật vào cúng ở các phần mộ liệt sĩ, đó là sự tưởng nhớ, tri ân đối với những người thân yêu của họ đã hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, đang yên nghỉ trên mảnh đất Hải Phú, Hải Lăng trung dũng, nghĩa tình...

NB

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141021