Tháng 8 có ngày lễ và sự kiện đặc biệt nào?

Báo Công Thương tổng hợp những sự kiện đặc biệt diễn ra trong tháng 8.

94 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8)

Lịch sử Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình ra đi tìm con đường cứu nước và truyền bá con đường cứu nước đó vào Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Khóa VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng-văn hóa của Đảng.

Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Đây là một quyết định có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khẳng định và tôn vinh những thành quả, những đóng góp quan trọng của ngành Tuyên giáo qua các thời kỳ cách mạng của Đảng và dân tộc; giáo dục truyền thống, xây dựng, củng cố niềm tự hào, tinh thần yêu nghề, ý thức trách nhiệm, động viên sự phấn đấu, vươn lên của đội ngũ làm công tác tuyên giáo của Đảng để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhân dân giao phó.

Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam (10/8)

Ngày 10/8/1961 là ngày Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, kéo dài trong 10 năm trời gây hậu quả thảm khốc cho môi trường, hệ sinh thái và để lại di chứng da cam qua nhiều thế hệ.

Từ năm 2004, ngày 10/8 hằng năm được lấy làm Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Vào ngày này có nhiều hoạt động chung tay xoa dịu nỗi đau da cam như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam,… tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8)

Ngày 19/8/1945 là Ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Đây được xem là mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt lớn trên con đường phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng tháng Tám 1945 còn đem đến cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong giai đoạn sau của cuộc kháng chiến và cả trong giai đoạn hiện nay. Và một trong số là bài học về việc củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Ngày Truyền thống CAND Việt Nam (19/8)

Ngày 19/8/1945 còn được chọn là Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam. Ngày này mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng sâu sắc, là dấu mốc đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của một trong những lực lượng vũ trang cách mạng nòng cốt, quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Ngày truyền thống CAND còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng CAND.

Việt Nam tham gia phong trào không liên kết (26/8)

Phong trào Không liên kết là tổ chức của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp vào duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi người dân.

Mục tiêu của Phong trào được ghi rõ trong Tuyên bố Havana 1979, bao gồm việc bảo đảm “độc lập và chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia không liên kết” trong “cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tất cả hình thức xâm lược, chiếm đóng, thống trị, can thiệp hay bá quyền nước ngoài.”

Năm 1976 tại Hội nghị cấp cao V (Colombo, Sri Lanca), nước Việt Nam thống nhất gia nhập Phong trào.

Sau khi chính thức tham gia Phong trào Không liên kết (26/8/1976), Việt Nam đã tích cực đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành Phong trào.

Kỷ niệm 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/08)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh - Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi); song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đồng chí luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng từ trần vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 04/10/2013, hưởng thọ 103 tuổi.

Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8)

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình nông dân khá giả tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, Tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên(nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Năm1906, ông rời quê lên Sài Gòn và đến với giai cấp công nhân. Truyền thống quật cường của quê hương đất nước và cuộc sống giai cấp công nhân đã sớm rèn luyện nhiệt tình yêu nước trong Tôn Đức Thắng. Từ đây, ông đã hòa nhập trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp.

Trải qua quá trình hoạt động cách mạng, với tài năng, đức độ và sự cống hiến của mình, năm 1969 , sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội khóa III, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1976 , tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI- Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự được nhận Huân chương sao vàng- Huân chương cao quý của nước Việt Nam, Huân chương Lê-nin của nước Nga Xô Viết, Huân chương Soukhe- Bator của nước Mông Cổ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời vào ngày 30/3/1980 tại Hà Nội, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên (12/08)

Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên tên tiếng Anh là International Youth Day (viết tắt là IYD) được thành lập thông qua Liên Hiệp Quốc vào ngày 12/08/1999.

Ngày lễ có ý nghĩa nâng cao nhận thức và đưa ra các giải pháp cho các vấn đề ở thanh thiếu niên. Đó là vấn đề hơn nửa dân số trẻ em trên thế giới độ tuổi từ 6-13 bị mất kỹ năng đọc hiểu và toán học, tuổi thơ gặp bất hạnh,…

Nhìn chung, IYD nhằm công nhận và tập trung giải quyết các vấn đề ở người trẻ trong học tập, phát triển cộng đồng, hòa nhập đội nhóm và tình nguyện cho những dự án xã hội khác nhau.

Ngày Thế giới chống vũ khí nguyên tử (6/08)

Đây là sự kiện nhằm tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản.

Ngày 6/8/1945, hai quả bom nguyên tử nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima và Nagasaki không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người ngay thời điểm đó cùng hàng chục nghìn người tử vong vì các căn bệnh do trực tiếp hoặc gián tiếp phơi nhiễm chất phóng xạ gây ra, mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thế hệ kế tiếp.

Suốt một thời gian dài, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý toàn thế giới luôn sống trong sự lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Sức phá hủy ghê gớm của bom nguyên tử hay các loại vũ khí hạt nhân nói chung đã dấy lên một làn sóng phản đối trên toàn thế giới.

Từ đó đến nay, vào ngày 6-8 hằng năm, Nhật Bản đều tổ chức lễ tưởng niệm vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima để tưởng nhớ các nạn nhân, đồng thời tiếp tục gửi thông điệp tới toàn thế giới nhằm không để thảm kịch ở Hiroshima và Nagasaki lặp lại, coi đây là cột mốc hướng tới mục tiêu xóa bỏ loại vũ khí nguy hiểm này.

Ngày Quốc tế các nạn nhân mất tích cưỡng bức (30/8)

Ngày 30/08 là ngày mà Liên Hiệp Quốc yêu cầu chấm dứt tình trạng mất tích cưỡng bức với mục đích bảo về quyền được sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền không bị tra tấn và quyền được thừa nhận là con người trước pháp luật.

Mỗi quốc gia thành viên cần phải thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm chắc chắn việc cưỡng bức mất tích cấu thành tội phạm theo luật hình sự của quốc gia đó.

Vũ Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thang-8-co-ngay-le-va-su-kien-dac-biet-nao-336131.html