Tháng ba... vào U Minh lấy mật

Kể từ khi nghề gác kèo ong (làm nhà cho ong làm tổ) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cuộc sống của một bộ phận người dân vùng U Minh, Cà Mau dường như thay đổi hẳn. Ngoài việc bán mật ong, nhiều hộ còn làm dịch vụ du lịch cho khách trải nghiệm đi gác kèo ong, ăn ong. Thu nhập cũng khá.

Thay đuốc đuổi ong bằng máy hun khói

Anh Huỳnh Văn Công (sinh năm 1993) ở xã Trần Văn Thời, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau gặp chúng tôi lần đầu tiên đã chìa tay ra giới thiệu: nhà tôi ba đời gác kèo ong. Câu nói bắt trend này làm một số người trong đoàn bật cười. Anh Công nghiêm túc: “Tôi nói thiệt. Nội tôi nhờ gác kèo ong mà nuôi cả sắp con 8 đứa”.

Đến Cà Mau vào buổi chiều muộn, anh Công giục chúng tôi đi nghỉ sớm để 5h sáng mai lên đường ăn ong. Đây là thuật ngữ nói về việc lấy mật. Các thợ gác kèo lâu năm đều đi lấy mật vào sáng sớm, muộn nhất 8 giờ là đã phải thu quân. Việc lấy mật chia theo mùa, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Mùa khô, mật ong có chất lượng tốt nhất. Mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 10, phấn hoa bị loãng, mật cũng nhiều nước hơn.

Cái xuồng máy loại nhỏ chở 5 người và một đống đồ lỉnh kỉnh, ngoài dao, thau nhôm, bình chứa, còn có cả những tấm lưới trùm đầu và bình phun khói tự chế. Anh Công bảo, bình này làm theo hướng dẫn của anh Huỳnh Duy Thái ở xã Khánh Thuận. Chiếc bình trông khá đơn giản, làm từ một vỏ lon sữa, cùng với động cơ mô-tơ quạt gió nhỏ và mạch sạc biến áp. Khi cần hun khói, chỉ việc gạt cò, bùi nhùi bên trong bén lửa sẽ tạo ra khói. Khói được cánh quạt thổi ra ngoài, đuổi ong bay xa khỏi tổ. “Một phát minh thay đổi cuộc đời đấy. Trước, dân ở đây toàn hun ong bằng đuốc con cúi xơ dừa, vào mùa khô nắng gắt, tàn lửa rơi ra rất dễ cháy rừng. Dùng máy này tàn lửa bị “nhốt” ở bên trong, rừng được bảo vệ”, anh Công khoe.

Nói về chuyện bảo vệ rừng, anh Nguyễn Văn Hà, cán bộ phòng Văn hóa thông tin huyện U Minh kể: “Xưa, rừng thiêng nước độc, dân U Minh đi gác kèo ong có những điều luật nghiêm ngặt như phải hỗ trợ lẫn nhau, không trộm tổ ong của người khác, không sang phần đất của người khác gác kèo, kiểm soát đuốc của mình để không gây cháy rừng... Ai gia nhập đoàn gác ong đều phải có lời thề như trên, nếu có người vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật hoặc bị đuổi khỏi đoàn”.

Sau khoảng gần một giờ di chuyển giữa các kênh rạch chằng chịt, chúng tôi đến địa phận kèo ong của nhà anh Công. Phát cho mỗi người một cái lưới để trùm đầu, anh Công dặn: chờ ong bay vãn hãy lại gần tổ để tránh bị đốt, trường hợp nó đốt thì cũng đừng đập như đập muỗi, chỉ cần lấy tay xua nhẹ thì đàn ong sẽ không tấn công. Nói rồi anh lấy máy hun khói ra khởi động, chỉ sau một lúc, khói bay mù mịt lan về phía tổ ong. Cả đàn ong hàng nghìn con như một đám mây nhỏ chen nhau tản ra. Khói tan, một tổ ong to chừng cái lá sen đu đưa trước mắt. Tôi còn chưa kịp quan sát kỹ (vì đầu đã bị trùm kín bằng lưới) anh Công đã bảo: cầm chậu hứng tổ! Tôi chỉ kịp thấy con dao được rèn riêng của anh Công lia lên vài cái, nửa tổ ong trĩu mật đã nằm gọn trong chậu. Lia thêm lần nữa, cả tổ ong chỉ còn lại một mảnh to hơn bàn tay, phần này không có mật. Anh Công giải thích, đây là nơi ở của ong gọi là tàng ong. Khi quay lại, ong sẽ tiếp tục sinh sống và cho mật mới. Mỗi một tổ ong trung bình có thể lấy mật hai đến ba lần.

Đến tổ ong thứ hai, chúng tôi đều được thử cảm giác cầm dao lấy mật, không ai làm được gọn gàng dứt khoát như anh Công, nhưng đó là một trải nghiệm thú vị.

Thợ lâu năm khi đi ăn ong thì không cần đồ bảo hộ

Thợ lâu năm khi đi ăn ong thì không cần đồ bảo hộ

Sau hai tiếng ở rừng tràm, chúng tôi thu được hơn 10 lít mật. Anh Công bán 400 nghìn một lít. Những phần còn lại của tổ ong đều được tận dụng hết: sáp ong bán cho người thu mua làm nến, còn bữa trưa hôm ấy trên mâm cơm của chúng tôi có thêm món gỏi ong non trộn rau má.

Nghề cha truyền con nối

Bên mâm cơm “toàn ong”, anh Nguyễn Văn Hà rủ rỉ kể: Trước đây, vào mùa hoa tràm đàn ông trong nhà sẽ vào rừng kiếm mật. Về sau họ phát hiện tập tính của loài ong mật chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà, từ đó họ nghĩ ra cách làm nhà cho ong và nghề gác kèo ong ra đời. Kèo ong được mô phỏng theo cách thức dựng nhà, gồm hai cây gỗ cắm xuống mặt đất và một cây kèo gác bên trên. Kinh nghiệm gác kèo nói qua thì đơn giản nhưng mỗi một bước đều phải tỉ mỉ tinh vi vì ong là loài khó tính, “trái ý” một tí là nó không làm tổ. Những thợ ong giỏi đều có bí quyết gia truyền khi gác kèo và họ chỉ dạy cho con cháu. Nhà nào có nghề gác kèo ong thì đều cầm chắc có thêm thu nhập, cuộc sống không giàu nhưng no đủ.

Từ tháng 2 trở đi là dân U Minh bắt đầu vào mùa gác kèo ong. Vì đây là thời điểm hoa tràm bắt đầu nở rộ, ong thấy mùi hoa sẽ đến làm tổ hút mật. Những thợ gác kèo ong cũng được dịp trổ tài. Trong hồ sơ công nhận nghề gác kèo ong là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có đánh giá: “Việc gác kèo ong không chỉ là để kiếm tiền mà còn là mùa để người thợ trình diễn tay nghề và kinh nghiệm của mình so với bạn nghề. Vì nó đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm và am hiểu tập tính của đàn ong. Tay nghề hơn nhau là việc chinh phục được đàn ong về làm tổ trên kèo của mình và phân định việc thắng thua dựa vào số lượng mật ong kiếm được trong mùa”.

Theo thống kê sơ bộ, ở U Minh có khoảng gần 200 người theo nghề gác kèo ong, có gia đình hai ba thế hệ cùng làm công việc này. Một số doanh nghiệp du lịch địa phương đã đưa gác kèo ong trở thành một sản phẩm du lịch, thu hút không ít du khách. Hiện nay nghề gác kèo ong được tỉnh tổ chức thành 2 hợp tác xã (HTX) nghề: HTX 19/5 và HTX Vồ Dơi. Trung bình sản lượng của 2 HTX đạt khoảng 4.500 lít/năm.

NGUYÊN TRẦN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thang-ba-vao-u-minh-lay-mat-post1435807.tpo