Tháng bảy bâng khuâng
Những cơn mưa bất chợt, không đủ để xua đi cái oi nồng của mùa hạ, không gian như chùng xuống, đôi khi thấy bức bối, lúc lại thấy ngổn ngang trong lòng, những dư âm buồn tháng bảy bao năm qua vẫn lặp lại cứa thêm nỗi đau, nỗi mất mát và nhớ thương vời vợi của những người ở lại…
Mùa hạ tháng bảy có cái gì khang khác, tách biệt với cả mùa hạ, cũng nắng đấy, chói chang đấy nhưng bức bối, ngột ngạt. Dông tố có thể kéo đến không báo trước đằng sau những đám mây xám xịt, lững lờ kia nhưng không đủ sức để xé toang cả bầu trời. Dường như thiên nhiên cũng đồng cảm với nỗi lòng những người mẹ, người vợ, người con bao năm đau đáu chờ tin con, tin chồng, tin cha. Dưới lớp đất xa xôi nơi chiến trường máu lửa năm ấy, chôn vùi cả thanh xuân của một thời tuổi trẻ. Chưa khi nào những lời ca trong bài hát “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến lại vang vọng và ám ảnh trong tôi đến thế:
“Có người lính
Từ mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về”.
Ôi cái màu hoa đỏ chói chang cho ta hình dung về một thời khói súng, máu lửa sáng cả một vùng trời. Máu đào các anh đã thấm xuống đất đai Tổ quốc cho màu hoa đỏ thêm rực rỡ, mảnh đất ấy giờ thiêng liêng máu thịt các anh.
Không gian nén lại như nỗi đau thương tột cùng nén trong đáy mắt người ở lại. Chiến tranh đã qua đi nhưng hình hài của nó vẫn đeo bám suốt phần đời còn lại của biết bao người lính Cụ Hồ và cả thế hệ sau. Di chứng không chỉ là những cơn đau khi trái gió trở trời, là vết sẹo khi để lại một phần cơ thể nơi chiến trường khói lửa, là cơn sốt rét âm ỉ trong từng tế bào, từng hồng cầu, là nỗi nhớ thương của mẹ già đã lẫn vẫn ngóng trông tưởng con về khi nghe tiếng gió xào xạc ngoài hiên, mà di chứng hằn lên cả nhiều thế hệ mang biến chứng của chất độc da cam, những đứa trẻ vô tội. Nỗi đau ấy không gì đong đếm được.
Ngắm nhìn những kỷ vật thiêng liêng từ chiến trường bao nhiêu năm về trước, đó là chiếc ba lô con cóc lỗ chỗ vết đạn xiên, là chiếc ca uống nước móp méo, đôi dép cao su mòn gót đi qua biết bao rừng sâu nước độc, chiếc bi đông đựng nước uống tróc men, mờ sơn là những hành trang cùng người lính suốt những năm tháng chiến tranh thấy cay cay nơi khóe mắt, quặn thắt trong lòng. Tất cả đều vun lên trong ta những hình dung, nỗi nhớ ấp đầy như mây khói. Chúng tôi là con cháu của thế hệ hôm nay mãi tự hào và biết ơn về những hy sinh, mất mát to lớn để đổi lấy cuộc sống tươi đẹp. Phút lắng đọng của ngày tháng bảy là một nén hương thành kính tưởng nhớ về những người đã nằm xuống cho quê hương.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thang-bay-bang-khuang-200792.html