Tháng Bảy lắng hồn thiêng sông núi!
Tháng Bảy về như một khúc trầm lắng trong bản giao hưởng bốn mùa của đất nước! Trời đất như lặng hơn, gió cũng dịu hơn, để lòng người lắng lại, tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc!

Giờ đây, khi đất nước đã hòa bình, cả dân tộc tri ân, không phải chỉ trong nghi lễ, mà bằng những hành động cụ thể. Trong ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm ân cần thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sáu, 102 tuổi, tại khối 13, phường Bến Thủy, thành phố Vinh (cũ), Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng, chụp ngày 15/5/2025
Lịch sử chưa bao giờ là những trang giấy cũ kỹ. Lịch sử là máu thịt của đất nước, luôn sống động, hào hùng. Và trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hay cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, họ không chỉ là những dòng tên khắc trên bia đá, mà là linh hồn của non sông, là cội nguồn của độc lập hôm nay.
Họ có thể là người lính nơi chiến trường Điện Biên, là cô gái thanh niên xung phong ngã xuống giữa Trường Sơn, là những người mẹ mất cả chồng lẫn con, là lớp lớp những người không tiếc máu xương để dân tộc ta hôm nay vươn mình đứng thẳng giữa trời cao…
Vừa trở về từ điểm cao 1509, nơi được mệnh danh là "đỉnh thép" trên chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang (nay là tỉnh Tuyên Quang), cựu chiến binh Nguyễn Văn Tấn, quê ở xã Hải Hậu, tỉnh Ninh Bình đứng lặng rất lâu trước những phiến đá hằn vết dấu thời gian. Gió từ phía núi thổi về se sắt, nhưng ông bảo, cái lạnh ấy chẳng thể so được với sự tê tái trong lòng. Giọng ông khẽ run, mà ánh mắt thì xa xăm, tựa như đang nhìn ngược bốn thập kỷ trước để trở về với những tháng ngày khốc liệt.
“Ấp ủ bao nhiêu năm trời, giờ tôi mới có thể trở lại trận địa năm xưa…”, ông nghẹn lời.
"Cảnh vật đổi thay nhiều, núi đã xanh trở lại, cỏ cây đã mọc xóa hết dấu vết đạn bom. Nhưng những trận đánh ác liệt thì vẫn như vừa mới hôm qua. Tiếng đạn pháo xé trời, mùi khói súng, tiếng đồng đội gọi nhau trong làn đạn dày đặc… Có những trận đánh chỉ diễn ra chưa đầy hai giờ đồng hồ, nhưng bao đồng đội của tôi đã nằm lại, máu hòa vào đất, xương thịt gửi lại mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi cao điểm này...".
Ông nói rồi lặng đi, đôi tay khẽ đặt lên mỏm đá như thể đang vuốt ve, dỗ dành những người bạn năm xưa. Không một ai trở về từ Vị Xuyên mà không mang vết thương, hoặc trên thân thể, hoặc trong tim. Nhưng có những người đã nằm lại vĩnh viễn khi tuổi đời còn quá trẻ, tên chưa kịp khắc trên bia mộ…
Tháng Bảy, tháng của những nén nhang thơm, tháng của những dòng người lặng lẽ hướng về Vị Xuyên, ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn… Không ồn ào, nhưng mỗi bước chân là một lời cảm tạ, mỗi ánh mắt rưng rưng là một sự tiếp nối của đạo lý ngàn đời: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây".
Tháng Bảy lắng hồn thiêng sông núi! Lặng lẽ mà sâu thẳm, để nhắc chúng ta sống sao cho xứng đáng với những người đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do của dân tộc, vì đất nước trường tồn hôm nay!
Giờ đây, khi đất nước đã hòa bình, cả dân tộc tri ân, không phải chỉ trong nghi lễ, mà bằng những hành động cụ thể. Là những mái nhà tình nghĩa dựng lên cho người có công; là những quyết sách hỗ trợ thiết thực để chăm sóc, cải thiện đời sống thương binh, bệnh binh; gia đình liệt sĩ; là những người trẻ hôm nay đến với các gia đình liệt sĩ không chỉ với hoa và lời thăm hỏi, mà bằng tình cảm, bằng sự sẻ chia thật lòng, để nhắc nhớ nhau rằng: "Thế hệ hôm nay chưa bao giờ quên những hy sinh của cha ông đi trước!".
Vì lẽ đó, từ cao nguyên đá Hà Giang (nay là tỉnh Tuyên Quang) đến vùng đất gió Lào cát trắng Quảng Trị; từ dải Trường Sơn cho tới Mũi Cà Mau… đâu đâu cũng có thể thấy được dấu chân, nhiệt huyết của lòng tri ân.
Ở tỉnh Hà Tĩnh, nơi mỗi tấc đất còn thấm máu và nước mắt của bao lớp người đi qua chiến tranh, căn nhà mới của người nữ thương binh Trương Thị Xuân tại xã Kỳ Xuân vừa được hoàn thiện trong niềm xúc động nghẹn ngào. Đó không chỉ là một chốn đi về, mà là sự thay đổi lớn sau những tháng năm bà chật vật sống trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp trước mỗi mùa giông bão.
Khi các cán bộ địa phương trao tận tay căn nhà mới, bà nghẹn lời. Giọt nước mắt lặng lẽ lăn xuống gò má đã nhăn nheo theo thời gian. Đó không chỉ là giọt nước mắt của niềm vui, mà còn là sự vỡ òa của cảm xúc đã giữ trong lòng suốt cả cuộc đời. Căn nhà nhỏ bé nhưng mang theo cả một tấm lòng, là tình nghĩa của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân dành cho những người đã không tiếc máu xương, hy sinh vì đất nước.

Thế hệ trẻ hôm nay thắp nhang tưởng nhớ, tri ân tại khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Mạnh Chởi
Vậy nên, không chỉ là những viên gạch, bao xi măng, hay tấm mái che mưa nắng… Chương trình xóa nhà tạm cho người có công còn là hành trình đánh thức và lan tỏa những giá trị sâu xa của tình người.
Trên hành trình tri ân ấy, không ít địa phương đã biến chủ trương thành phong trào nghĩa tình, nơi từng ngày công lao động, từng đồng tiền quyên góp, từng tấm lòng sẻ chia, từ người dân, doanh nghiệp đến các nhà hảo tâm đều góp phần vun đắp nên những mái nhà không chỉ vững chãi trước giông bão cuộc đời, mà còn ấm áp bởi nghĩa đồng bào.
Sức mạnh cộng đồng khi hòa quyện cùng sự chủ động và linh hoạt của chính quyền cơ sở trong việc huy động xã hội hóa, đã tạo nên một kết quả không chỉ hiệu quả về vật chất, mà còn lắng sâu trong cảm xúc, trong niềm tin yêu vào nghĩa cử cao đẹp của một xã hội nhân văn, giàu lòng biết ơn.
Chia sẻ tại tọa đàm "Mái ấm cho đồng bào: Những nỗ lực phi thường" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 3/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà xúc động: "Thành công của chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ đo bằng bao nhiêu căn nhà đã được dựng lên. Mà điều quan trọng hơn và sâu sắc hơn là sự thay đổi trong tư duy điều hành, là cách mà chính quyền các cấp dấn thân, sáng tạo để huy động nguồn lực, và trên hết; là tinh thần trách nhiệm của cả xã hội cùng chung tay vun đắp từng mái ấm cho người nghèo, người có công, người yếu thế trong cộng đồng…"
Thời gian sẽ lặng lẽ qua đi, nhưng tình cảm và hành động tri ân sẽ luôn song hành với dòng chảy thời gian. Không chỉ là việc của một ngày, một tháng, một năm… tri ân giờ đây đã trở thành một phần nếp nghĩ, một cách sống của cả dân tộc. Tri ân không chỉ là tôn vinh quá khứ, mà còn là bồi đắp tương lai. Bởi không ai có thể đi xa nếu quên mất con đường mình đã đi qua. Một dân tộc biết tri ân là một dân tộc có chiều sâu văn hóa, có nền tảng đạo đức để trường tồn!
Và khi những ngọn nến lại lung linh trong đêm cầu nguyện bên dòng Thạch Hãn, khi từng nghĩa trang bừng sáng trong lòng đêm tháng Bảy… ta biết, những người đã ngã xuống vẫn đang sống, trong từng “nhịp đập” của đất nước, trong từng khát vọng của Nhân dân. Họ bất tử không phải vì những câu chuyện anh hùng được nhắc đi nhắc lại, mà vì họ đã hòa vào hồn thiêng sông núi, lắng trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thang-bay-lang-hon-thieng-song-nui-2425850.html